Giữ gìn nghề làm trống da trâu ở Tống Xá
.

Giữ gìn nghề làm trống da trâu ở Tống Xá

21:23, 17/04/2024

 

Làng Tống Xá ở thị trấn Lâm (Ý Yên) là cái nôi của nghề truyền thống làm trống da trâu với lịch sử phát triển gần 300 năm. Trống Tống Xá nổi danh khắp nơi bởi âm thanh giòn, vang, rền, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. 

 

Da trâu được lựa chọn phải là da cật loại 1, chưa trải qua bất cứ một công đoạn bảo quản hay tiếp xúc với hóa chất nào.

 

Theo những người dân làm trống của làng Tống Xá, hai cụ tổ nghề (cũng là tổ họ) là cụ Nguyễn Văn Cường (tự Phúc Cường) và cụ Nguyễn Văn Nhân (tự Thanh Nhàn) vốn người xã Yên Thắng (Ý Yên) sau chuyển về Tống Xá “an cư lạc nghiệp”, dạy và truyền nghề cho con cháu. Đến nay, nghề làm trống họ Nguyễn Văn, làng Tống Xá đã trải qua 14 đời. Lúc hưng thịnh, nghề "bưng trống" mang lại thu nhập chính của người dân. Gia đình anh Nguyễn Văn Đại là đời thứ 12 theo nghề truyền thống của gia đình và là một trong những hộ sản xuất trống da trâu lớn nhất ở Tống Xá. Gia đình anh sản xuất nhiều loại trống nhưng hiện tại là hộ duy nhất của làng còn sản xuất trống múa lân - là loại trống một mặt da và khá cầu kỳ trong các công đoạn làm. Ngoài ra, hàng năm, gia đình anh xuất bán ra thị trường khoảng 10 nghìn trống nhỏ và 300-400 trống múa lân, trống liên khối, trống bát nhã… Từ nghề trống, gia đình anh đã có cuộc sống ấm no. Theo anh Đại, trống da trâu ở Tống Xá phong phú về chủng loại và kích cỡ như: trống chèo, trống trường, trống trung thu, trống con, trống cóc, trống chùa, trống cơm... đường kính bé nhất 10cm, lớn nhất là 1,3m-1,5m. Mỗi năm, làng nghề tiêu thụ hàng nghìn trống các loại ra thị trường trong nước và sang cả nước Lào, Campuchia, Malaysia.

 

Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau bằng keo sữa.

 

Nghề làm trống làng Tống Xá đến nay vẫn là nghề thủ công làm hoàn toàn bằng tay. Vì vậy, để hoàn thiện một chiếc trống dù kích thước to hay nhỏ đòi hỏi sự kỳ công, khéo léo và am tường nghề của người thợ. Trong đó, người làm nghề trống cần trải qua các giai đoạn: làm da, làm tang và bưng trống (căng mặt trống). Công đoạn nào cũng quan trọng, cần có sự kiên trì tuyệt đối. Da trống được làm bằng da trâu. Muốn chọn loại da tốt, người làm nghề phải chọn da cật loại 1 được lấy từ con trâu vừa mổ xong, chưa trải qua bất cứ một công đoạn bảo quản hay tiếp xúc với hóa chất nào. Da lấy về cần bào nạo hết lớp màng bên trong, sau đó, đem xử lý để da mất mùi hôi, tạo được độ đàn hồi cao. Da phải bào sao cho đều, không để chỗ dày, chỗ mỏng. Da quá dày sẽ dẫn đến tiếng kêu bịch bịch, tiếng trống không trong vang; quá mỏng dẫn đến dễ thủng trong quá trình sử dụng, trống không bền.

 

Đo kích thước da trâu phù hợp với mặt trống.

 

Tang trống được làm bằng gỗ mít khô, xẻ cong. Khi đóng đinh nhiều, các tang gỗ mít không bị toác, không làm hở tang. Ngoài ra, gỗ mít còn tạo âm thanh trong và hay. Mỗi cây gỗ được chia làm nhiều dăm. Người thợ làm trống sẽ làm cho các dăm gắn kết lại với nhau bằng keo sữa, tạo thành trống kín, khít, tròn. Dăm trống không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh. Những khung trống được dựng lên sau khi được gắn kết, mài nhẵn. "Bưng trống" là công đoạn quan trọng nhất, công đoạn cuối cùng quyết định chất lượng của trống. Da trâu khi đã qua sơ chế, làm mất mùi thường được đục xung quanh viền với những lỗ 4cm. Sau đó, người làm nghề luồn dây ở que néo vào các lỗ vừa đục; kéo căng, đặt bàn néo chùm da lên khung trống; kích, rồi dùng xám đóng xuống sao cho da căng mỏng đạt yêu cầu. Tiếp đó, người thợ dùng đinh chốt được làm từ thân tre già đóng cố định vào thân trống, cắt viền da thừa là xong. Sau khi hoàn thành các giai đoạn trên trống sẽ được mang đi sơn.

 

Luồn dây vào các lỗ đục quanh viền da trâu để căng mặt trống.

 

Trống được bán ra thị trường dao động ở nhiều mức giá, tùy thuộc vào kích cỡ, từ 30cm đến 1m trở lên và có giá từ 1 triệu đến cả vài chục triệu đồng. Hiện tại, những người còn theo nghề truyền thống làm trống da trâu không còn nhiều. Cả làng Tống Xá chỉ còn khoảng hơn 10 hộ gắn bó với nghề, nhưng một số người thợ ở làng Tống Xá vẫn đang từng ngày giữ lửa làng nghề, bảo tồn văn hóa lịch sử của ông cha để lại.

 

Trống Tống Xá nổi danh khắp nơi bởi âm thanh giòn, vang, rền.

 

Những năm gần đây, các lễ hội văn hoá dân gian, hoạt động tín ngưỡng, mỹ tục được khôi phục... nên nhu cầu trang bị trống theo đó cũng tăng cao. Để tưởng nhớ ông tổ nghề trống cũng như tổ họ, vào ngày 10-3 âm lịch hàng năm, người dân Tống Xá tổ chức lễ giỗ tổ trong 3 ngày với các hoạt động: khai trống khuyến học, trống tế, trống rước. Ngoài ra, trong đêm diễn văn nghệ sẽ diễn tích cụ tổ đang dạy nghề cho con cháu, khơi dậy lòng biết ơn và quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông./.

Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa



Xem thêm bình luận