Tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Ý Yên
.

Tinh hoa nghệ thuật chạm khắc gỗ ở Ý Yên

21:28, 07/04/2024

Huyện Ý Yên nổi tiếng với những làng nghề truyền thống chạm khắc gỗ. Dưới bàn tay tài hoa của các thợ thủ công lành nghề, nghệ nhân nơi đây đã cho ra những sản phẩm đồ nội - ngoại thất, thủ công mỹ nghệ tinh xảo phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trong cả nước.

Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm nhiều công đoạn khác nhau.
Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm nhiều công đoạn khác nhau.

Đến thôn La Xuyên, xã Yên Ninh, từ xa chúng tôi đã nghe thấy những tiếng máy cưa, máy xẻ tiếng đục đẽo lách cách, những chuyến xe tấp nập chở nguyên liệu về phục vụ cho nhu cầu sản xuất của làng nghề. Nghề chạm khắc gỗ của La Xuyên nổi tiếng với những đường nét chau chuốt, tinh tế, mềm mại. Những sản phẩm của làng nghề như: bàn ghế, sập gụ, tủ chè, cửa võng, hương án… không chỉ được người trong nghề đánh giá cao mà còn rất được ưa chuộng trên thị trường. Với cụm công nghiệp làng nghề La Xuyên rộng 16ha, hiện làng nghề thu hút hơn 30 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc tỷ lệ 60%. Hoạt động sản xuất làng nghề sôi động thu hút được hàng nghìn lao động đến từ khắp các tỉnh, thành phố phía Bắc như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Ninh Bình…

Dưới bàn tay tài hoa của các thợ thủ công lành nghề, những sản phẩm đồ nội - ngoại thất gia đình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo dần hoàn thiện.
Dưới bàn tay tài hoa của các thợ thủ công lành nghề, những sản phẩm đồ nội - ngoại thất gia đình, sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo dần hoàn thiện.

Gia đình chị Dương Thị Oanh hiện có cơ sở sản xuất 100m2 chuyên về các đồ thủ công mỹ nghệ như: bàn ghế, bàn thờ, phòng thờ và các vật dụng như: lục bình, hoành phi, câu đối, bình tài lộc… và khu trưng bày sản phẩm rộng gần 700m2 tại xóm Đường Khánh, thôn La Xuyên. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, vợ chồng chị phải bắt đầu từ những người thợ mộc làm thuê từ khi mới hơn 10 tuổi. Cùng hoàn cảnh, cùng nghề, sau khi kết hôn, anh chị lại mất thêm gần 10 năm đi làm thuê cho các xưởng thủ công mỹ nghệ của làng, thành thạo đủ các công đoạn của nghề và dần dần tự mở được xưởng sản xuất. Hiện tại, gia đình chị thường xuyên có từ 25 đến 27 thợ chính lành nghề, trong đó có nhiều thợ có trên 20 năm kinh nghiệm. Doanh thu hàng năm đạt 15 đến 17 tỷ đồng. Chị Oanh cho biết: "Nhà tôi hiện có 4 máy đục công nghệ cao, một máy sẽ nhanh hơn rất nhiều người nhưng chỉ đục được đến cơ bản, còn những chi tiết tinh vi, hoàn thiện, thổi hồn vào sản phẩm vẫn phải tay người làm. Vì vậy trong giai đoạn này phải nhờ tối đa thợ mộc. Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm bốn công đoạn, mỗi công đoạn đều có vai trò riêng, trong đó thứ nhất là việc chọn gỗ để cho ra một sản phẩm đảm bảo về chất lượng cũng như về mỹ thuật. Sau đó là việc phác thảo bố cục tạo hình đòi hỏi trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo của người thợ. Tiếp đó là công đoạn đục thô. Cuối cùng là chạm tinh, đây là công đoạn đòi hỏi sự cần cù, tỷ mỷ và đôi bàn tay khéo léo của người thợ”.

Để có được sản phẩm hoàn chỉnh, quá trình sản xuất được chia làm nhiều công đoạn khác nhau.
Người thợ chau chuốt từng sản phẩm.

Đến thôn Đằng Động, xã Yên Hồng, từ sân nhà, bên trái, bên phải, trên hè, sát mép ao… mỗi gia đình, cứ chỗ nào có bóng râm là thấy người người ngồi đục. Phụ nữ, trẻ em, người già, thanh niên trai tráng đều cầm đục, tỷ mẩn gò lưng ngồi đục đục, đẽo đẽo. Từ những miếng gỗ, súc gỗ sần sùi, vô tri giác, qua bàn tay tài hoa của những thợ cả sẽ biến thành thế giới của hoa lá, chim muông, vạn vật… mang hồn cốt của những người thợ tài hoa. Trên mỗi sản phẩm phong phú và thông dụng như sập gụ, tủ chè, bàn ghế, hương án, bát biểu, tượng, cửa, võng… đều thể hiện trình độ kỹ thuật cao của người thợ. Hiện 100% hộ dân trong làng đều có người tham gia làm mộc hoặc đục gỗ. Trong đó, mộc chiếm 20%, đục chiếm 80%. Mỗi nhà đều là một cơ sở sản xuất riêng biệt. Xưởng ít cũng có từ 2-3 thợ, nhiều thì 8-10 thợ. Từ nghề, người dân trong làng đã có việc làm thường xuyên, cho thu nhập ổn định.

Nghề mộc mỹ nghệ còn phát triển ở thôn Đằng Chương, xã Yên Tiến và ở thị trấn Lâm và rải rác ở một số xã trong huyện. Nghề không chỉ tạo việc làm cho nam giới mà cả nữ giới cũng tham gia làm nghề. Chị Phạm Thị Ánh, ở thị trấn Lâm mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm trong nghề. Sau khi tốt nghiệp THPT chị quyết định chọn nghề mộc để phát triển. Và cũng từ nghề chị nên duyên cùng “đồng nghiệp”, đến nay anh chị cũng đã tạo dựng được xưởng sản xuất riêng, tạo công ăn việc làm gần 10 lao động. Chị Nhung cho biết, nghề mộc mỹ nghệ đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, có óc sáng tạo, bàn tay khéo léo và kiến thức về gỗ. Các sản phẩm gỗ phải ít cong vênh, không dập ruột, dẻo mịn, dễ đánh bóng. Mỗi khâu có những yêu cầu khắt khe riêng, đòi hỏi kinh nghiệm, tay nghề của người thợ và đều liên quan mật thiết đến chất lượng cuối cùng của sản phẩm.

Riêng về mảng chạm khắc gỗ, dụng cụ để các nghệ nhân điêu khắc là các loại đục. Thân đục làm bằng thép chuẩn, bởi nếu nước thép già thì đục dễ gãy, nếu quá non đục lại cùn. Mỗi người thợ có khoảng 3-4 loại đục như: đục bằng, đục lòng máng, đục tách. Người làm điêu khắc căn cứ vào chiều ngang của lưỡi đục để điều khiển cổ tay đục chính xác từng chi tiết và phải thể hiện được cái tôi của người sáng tạo với những chi tiết, đường nét có hồn, hoa văn cân đối, sắc sảo, lạ mắt, giàu thẩm mỹ. Sau khi chạm khắc, sản phẩm được đem đánh giấy ráp, véc-ni và hoàn thiện.

Một số sản phẩm mỹ nghệ đã hoàn thiện.
Một số sản phẩm mỹ nghệ đã hoàn thiện.

Từ tinh hoa của nghệ thuật chạm khắc gỗ truyền thống, những người thợ ở các làng nghề luôn tìm tòi, cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với xu hướng thị trường cũng như thị hiếu người tiêu dùng. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, từ bao đời nay, con em trong các làng nghề vẫn được tiếp xúc và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn nhỏ. Những bí quyết làm nghề cũng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính vì thế mà nghề chạm khắc gỗ ở Ý Yên ngày một phát triển không ngừng và đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của địa phương cũng như của đất nước, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân trong vùng, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh - Thanh Hoa

 



Xem thêm bình luận