Hiệu quả từ phát triển nghề trồng nấm
.

Hiệu quả từ phát triển nghề trồng nấm

09:20, 11/03/2024

Được mệnh danh là “vua của các loài rau”, nấm tươi đang dần trở thành quen thuộc trong thực đơn hàng ngày của người dân. Nắm bắt được cơ hội này, năm 2006, sau khi học kỹ thuật trồng nấm tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nghĩa Hưng cùng với học hỏi kinh nghiệm tại một số mô hình trồng nấm hiệu quả, anh Vũ Văn Bằng, xóm 5, xã Trực Thái (Trực Ninh) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng trang trại trồng nấm và từng bước tạo được chuỗi liên kết khép kín từ nuôi cấy giống đến tiêu thụ sản phẩm.

Ngày đầu khởi nghiệp, anh Bằng trồng 2 tấn nguyên liệu nấm mỡ trên diện tích 40m2 đất vườn và đã cho kết quả thu hoạch hơn mong đợi. Năm 2007 anh tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất lên 100m2 thêm các loại nấm khác như: nấm linh chi, nấm rơm, nấm sò. Nhờ sự cần cù, chịu khó học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, quy trình sản xuất giống, phôi… nên cơ sở sản xuất của anh không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Đến nay, trang trại trồng nấm của gia đình anh đã mở rộng lên đến 2.000m2 được thiết kế, quy hoạch bài bản, đảm bảo nhiệt độ, ánh sáng tự nhiên cho nấm sinh trưởng và phát triển. Các loại nấm sò, nấm mỡ, nấm linh chi được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; trong đó chủ lực là nấm sò chiếm khoảng 80% diện tích. Sản phẩm nấm của gia đình anh Bằng chủ yếu tiêu thụ tại thị trường các tỉnh vùng Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên, Lai Châu…) và các chợ đầu mối tại Hà Nội, Quảng Ninh. Ngoài cung ứng sản phẩm nấm tươi, gia đình anh còn cung cấp nấm khô ra thị trường. Mỗi năm, gia đình anh xuất bán 2-2,5 tấn nấm mỡ; 30-35 tấn nấm sò và gần 1 tấn nấm linh chi.

Để làm ra sản phẩm nấm sạch, anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, an toàn từ khâu đầu vào là phôi nấm đến cách chăm sóc, sử dụng nước tưới, vệ sinh trại trồng nấm và đặc biệt tuyệt đối không sử dụng chất kích thích tăng trưởng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Anh Bằng chia sẻ: “Nghề trồng nấm vừa tận dụng được phụ phẩm trong nông nghiệp, diện tích đất và nhân lực trong gia đình cũng như thời gian nhàn rỗi trong ngày. Hơn nữa, từ trẻ đến già đều có thể tham gia sản xuất, thực hiện đúng các quy trình từ khâu chọn nguyên liệu, xử lý, chăm sóc, thu hái. Nếu được hướng dẫn kỹ càng thì ai cũng đều có thể tiếp thu và làm được chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy mà tôi có được nguồn lao động ngay tại chỗ, góp phần giải quyết việc làm lúc nông nhàn cũng như phát triển kinh tế nông thôn”. 

Do nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, số lượng xuất bán ra thị trường không có nhiều, để đáp ứng đủ số lượng, nguồn cung cho các đơn vị, công ty… anh Bằng đã liên kết với các hộ sản xuất nấm ở địa phương và các xã Hải Xuân (Hải Hậu); Nghĩa Lạc, Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng)… thành lập hợp tác xã (HTX) Sản xuất nấm Nhật Bằng do anh đứng đầu. HTX ra đời năm 2015, hoạt động dựa trên hình thức tự nguyện, cùng nhau thỏa thuận hợp tác hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sản xuất, từ kỹ thuật; giống, phôi nấm; nguyên liệu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Từ 17 thành viên tham gia ban đầu, đến nay HTX đã phát triển lên trên 34 thành viên. Tham gia tổ hợp tác trồng nấm không những giúp bà con nông dân tận dụng những diện tích nhà bị bỏ trống, các phế liệu nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa… mà còn là điều kiện để bà con nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật tiến bộ; tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất các loại nấm; mở ra cơ hội cho nghề trồng nấm được tiếp cận với các nguồn vốn, mở rộng thị trường tiêu thụ, tranh thủ sự hỗ trợ về kỹ thuật mới từ các cơ quan chuyên môn… nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế cho từng thành viên trong tổ hợp tác theo hướng bền vững. 

Dưới sự hướng dẫn của anh Vũ Văn Bằng, các hộ thành viên của HTX Sản xuất nấm Nhật Bằng luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng sạch, an toàn từ khâu trồng cấy giống nấm vào bịch, sử dụng thực phẩm hữu cơ (cám gạo, cám ngô) để làm phôi nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, không dùng chất kích thích, thường xuyên khử khuẩn, diệt nấm mốc trong nhà trồng nấm… Nấm thương phẩm của HTX được bảo quản trong túi ni-lông, luôn đảm bảo chất lượng. Trung bình mỗi năm, sản lượng nấm của HTX đạt trên 100 tấn/năm, cho doanh thu từ trên 3 đến 4 tỷ đồng. Từ năm 2019, sản phẩm nấm linh chi của HTX đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Anh Bằng cho biết: “Nấm là loại cây ưa ẩm, dễ sống, dễ chăm sóc; rất phù hợp với khí hậu, thời tiết của Việt Nam. So với cây lúa, nấm cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần. HTX sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất”./.

Thực hiện: Hồng Minh - Thanh Hoa

 

 



Xem thêm bình luận