Tăng cường quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm

08:44, 15/01/2024

Năm 2023, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cả hệ thống chính trị, tạo được những chuyển biến rõ rệt, tích cực trong công tác quản lý Nhà nước, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần giữ vững ổn định và thúc đẩy thị trường thực phẩm.

Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc năm 2023 do Hội Phụ nữ tỉnh đăng cai tổ chức góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hội chợ giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp - OCOP của phụ nữ khu vực miền Bắc năm 2023 do Hội Phụ nữ tỉnh đăng cai tổ chức góp phần đẩy mạnh kết nối giao thương, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm.

Toàn tỉnh có 18.598 cơ sở thực phẩm. Ngành Y tế quản lý 6.187 cơ sở (chiếm 33,3%), trong đó 1.664 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 911 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.612 cơ sở dịch vụ ăn uống. Ngành Công Thương quản lý 2.350 cơ sở (chiếm 12,6%). Ngành NN và PTNT quản lý 10.061 cơ sở (chiếm 54,1%). Đồng chí Khương Thành Vinh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trong tình hình mới, các sở được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về ATTP (Y tế, NN và PTNT, Công Thương) đã ban hành 73 văn bản chỉ đạo về lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền. Triển khai tăng cường nhân lực làm công tác ATTP cho tuyến xã, phân công công chức văn hóa - xã hội các xã, thị trấn chịu trách nhiệm theo dõi công tác ATTP trên địa bàn xã.

Trong năm 2023, ngành Y tế đã chủ trì phối hợp các ngành liên quan tổ chức các đợt giám sát đảm bảo ATTP hoạt động ăn uống phục vụ các sự kiện văn hóa, chính trị lớn, đông người trên địa bàn tỉnh. Trong đó đảm bảo ATTP các sự kiện quan trọng như: Hội thảo khoa học “Nam Định 60 năm thực hiện lời dạy của Bác”; Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định; Hội nghị giao ban khoa học và công nghệ vùng đồng bằng sông Hồng; Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng; Trận đấu giao hữu quốc tế giữa đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Syria; Trận bóng đá giao hữu quốc tế giữa đội tuyển quốc gia Việt Nam và đội tuyển Palestine. Thực hiện 519 mẫu xét nghiệm bằng test nhanh ATTP; giám sát 4.493 suất ăn, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP, góp phần đảm bảo sức khỏe, thể lực cho người tham dự cũng như quảng bá, tạo ấn tượng tốt cho khách về ẩm thực quê hương Nam Định.

Trong công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành ATTP, toàn tỉnh đã tổ chức 3 đợt cao điểm (Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân năm 2023, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu); các cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra đột xuất. Ngoài ra còn có các đợt kiểm tra chuyên ngành của các Chi cục (ATVSTP; Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản); Cục Quản lý thị trường, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh)… Toàn tỉnh đã thành lập 730 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành ATTP; kiểm tra 5.492 cơ sở, 203 cơ sở vi phạm bị xử lý với số tiền phạt hơn 476 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu là: không có đủ dụng cụ sử dụng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm đã qua chế biến, nơi chế biến có côn trùng động vật gây hại; người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang, không cắt ngắn móng tay; kinh doanh hàng hóa thực phẩm nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; không niêm yết giá; không thực hiện kiểm thực 3 bước; cống rãnh thoát nước thải khu vực chế biến thực phẩm không được che kín; sử dụng phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng; không có giá kệ; dụng cụ thu gom rác thải không có nắp đậy. Hàng hóa vi phạm, tịch thu, tiêu hủy chủ yếu các sản phẩm từ động vật không đảm bảo ATTP và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, nước uống, mì tôm, chai nước chấm hải sản không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng… trị giá hàng hóa tịch thu tiêu hủy hơn 60 triệu đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành tổ chức tập huấn kiến thức cho 2.450 cán bộ, giáo viên, nhân viên các nhà trường trên địa bàn tỉnh. Triển khai tập huấn kiến thức ATTP cho các cán bộ quản lý, giáo viên phụ trách nuôi ăn bán trú, chủ cơ sở, người trực tiếp chế biến thực phẩm, người cung ứng thực phẩm tại các trường tham gia mô hình đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể. Tập huấn công tác đảm bảo ATTP và phòng chống ngộ độc thực phẩm cho đội ngũ y tế thôn, xóm. Cấp phát 57 nghìn tờ rơi, treo pa nô tuyên truyền ATTP. Tổ chức 30 lớp tập huấn kiến thức về ATTP, tuyên truyền phổ biến kiến thức, xúc tiến thương mại cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản với 1.845 người tham dự. Triển khai 3 mô hình kiểm soát ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại trường mầm non, tiểu học của thành phố Nam Định, huyện Xuân Trường, huyện Hải Hậu. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh duy trì hiệu quả 14 mô hình ATTP đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hội viên phụ nữ và nhân dân trong việc thực hiện pháp luật về ATTP, sử dụng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm, ý thức chấp hành các quy định về ATTP, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia tố giác các hành vi vi phạm ATTP tại địa phương...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo đảm an ninh, ATTP trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế. Việc xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP của một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời, hiệu lực chưa cao, do đó hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về ATTP có những mặt còn hạn chế, yếu kém. Công tác quản lý Nhà nước về ATTP tại một số xã, phường, thị trấn còn yếu, đặc biệt là quản lý sử dụng hoá chất trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm đối với các đối tượng sản xuất nhỏ lẻ, thời vụ, kinh doanh thức ăn đường phố, ATTP tại các chợ; việc kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo ATTP... hiệu quả chưa cao. Xử lý vi phạm về ATTP còn khiêm tốn, đặc biệt tại tuyến huyện và xã. Cơ sở thực phẩm trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, chưa đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ pháp lý, điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị; trong khi đó nhu cầu sử dụng thực phẩm ngày càng cao, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì chạy theo lợi nhuận đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, coi thường sức khỏe người tiêu dùng.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATTP, Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 162 ngày 25-12-2023 về đảm bảo ATTP phục vụ Tết và Lễ hội Xuân 2024 trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu đảm bảo tốt công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết và Lễ hội Xuân 2024. Tập trung thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và trong các lễ hội và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Từ ngày 1-1-2024 đến hết ngày 20-3-2024, Sở Y tế huy động mọi hình thức, phương tiện truyền thông thích hợp để phổ biến các quy định, kiến thức về ATTP; phòng ngừa ngộ độc rượu; lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm an toàn, lành mạnh; Tập trung tuyên truyền nâng cao kiến thức, thái độ, thực hành về vệ sinh ATTP trong dịp Tết cổ truyền dân tộc, lễ hội; làm rõ vai trò, trách nhiệm của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng, ATTP theo quy định hiện hành. Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP ở các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... Tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm do ngành quản lý; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Giám sát chỉ tiêu chất lượng, an toàn của một số sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được tiêu dùng phổ biến trong dịp lễ, Tết Nguyên đán được cơ sở sản xuất tự công bố./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com