Thái Nguyên: Giá trị xuất khẩu tăng 11,6%

08:54, 02/12/2022

Trong tháng 11-2022, tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ước đạt 2,62 tỷ USD, tăng 15,6% so với tháng trước đó và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 2,56 tỷ USD, tăng 16,3% so với tháng trước và tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 29,2 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 672,1 triệu USD, tăng 17,8%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 28,5 tỷ USD, tăng 11,5%. Trong các mặt hàng xuất khẩu, nhóm hàng điện thoại, máy tính bảng và linh kiện điện thoại chiếm tỷ trọng cao nhất (94,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ; tiếp đến là sản phẩm may ước đạt 433,1 triệu USD, tăng 2,9%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 290 triệu USD, tăng 27,8%; phụ tùng vận tải đạt 6,7 triệu USD, tăng 34,2%; chè các loại đạt 2,1 triệu USD, tăng 11,7%...

Thanh Hóa: Kế hoạch thực hiện “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”

UBND tỉnh Thanh Hóa vừa phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu nhằm bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề tỉnh Thanh Hóa, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới bền vững… Phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn và công nhận mới 5 nghề và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; phát triển 5 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch; Trên 80% nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong các nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; Ít nhất 50% cơ sở ngành nghề nông thôn có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com