Trong Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học bắt buộc thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung môn học liên quan đến lịch sử, địa lý, truyền thống văn hóa, ngành nghề của địa phương. Qua đó, giúp học sinh trong các nhà trường thêm hiểu biết về giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương.
Học sinh Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu) thắp hương tri ân nhà cách mạng Vũ Văn Hiếu - Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh. |
Đối với cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và còn được tích hợp hoặc sử dụng trong dạy học các môn học ở từng lớp gắn với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước; các hoạt động giáo dục tư tưởng chính trị, từ thiện vì cộng đồng tại địa phương; các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi... góp phần hình thành và phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi của học sinh. Tại Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu), Ban giám hiệu nhà trường đã triển khai nội dung GDĐP đến giáo viên trong toàn trường qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Nội dung các bài học chủ yếu đề cập đến cảnh quan thiên nhiên; ngành nghề, làng nghề truyền thống của địa phương; di tích lịch sử, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ; lễ hội truyền thống trên quê hương, gắn liền với truyền thống lịch sử, văn hóa của xã Hải Anh nói riêng và của tỉnh nói chung. Mỗi chủ đề được thiết kế thành bài học cụ thể với những thông tin đảm bảo tính chính xác, khoa học, gần gũi, dễ hiểu, giúp học sinh cảm nhận và hiểu rõ hơn về các danh nhân, danh tướng, anh hùng liệt sĩ trên quê hương Nam Định đã chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương đất nước. Học sinh được tham gia các trò chơi dân gian; tìm hiểu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của quê hương Nam Định tươi đẹp; cùng nhau trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị, bổ ích; khám phá không gian trường học, lớp học; tìm hiểu về nghề nghiệp của những người xung quanh. Qua mỗi hoạt động đã giúp hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, thích tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo vệ những cảnh đẹp, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của địa phương. Được tìm hiểu về truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương qua môn học GDĐP, em Phạm Phương Uyên lớp 3A4, Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu) rất hào hứng với môn học. Em cho biết: “Em rất thích học môn GDĐP. Qua môn học em hiểu rõ về các vị anh hùng dân tộc, những cảnh đẹp, di tích lịch sử, những món đặc sản và lễ hội trên quê hương, qua đó em đã được biết đến lễ hội Chùa Lương, Nhà lưu niệm Vũ Văn Hiếu, Lễ hội Đền Trần..., và rất nhiều cảnh đẹp quê hương, thêm yêu đất nước, yêu con người và tự hào về truyền thống của quê hương”. Tham gia dạy môn GDĐP, cô Trần Thị Hải Yến, giáo viên Trường Tiểu học Hải Anh chia sẻ: GDĐP là một trong những môn học bổ ích, lý thú, cần thiết, giúp giáo viên và học sinh được tiếp cận với nhiều thông tin, kiến thức quan trọng về sự phát triển lịch sử văn hóa, văn học, đặc điểm tự nhiên xã hội và thực tế cuộc sống của địa phương gắn với văn hóa chuẩn mực đạo đức trong cộng đồng dân cư của xã Hải Anh và của tỉnh Nam Định. Môn GDĐP cơ bản gần gũi với cuộc sống, nhất là những nội dung liên quan đến thắng cảnh, lễ hội truyền thống của địa phương nên học sinh rất hào hứng. Học sinh có thể kể được tên các thắng cảnh, các lễ hội truyền thống của địa phương, của tỉnh và hiểu được ý nghĩa của những lễ hội đó. Việc trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp trong tài liệu GDĐP rất ý nghĩa, giúp bồi dưỡng học sinh tình yêu quê hương đất nước, tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để có phần bảo vệ bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc, góp phần xây dựng văn hóa đạo đức học sinh.
Học sinh Trường THCS Điền Xá (Nam Trực) cùng nhau trưng bày các tác phẩm cây cảnh tại Hội thi. |
Đối với cấp THCS, THPT, nội dung GDĐP được biên soạn theo từng bài học, chủ đề hoặc nhóm chủ đề ở các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp. Trường THCS Điền Xá (Nam Trực) nằm ở trung tâm thôn Vị Khê, nơi có nghề trồng hoa, cây cảnh với bề dày truyền thống hơn 800 năm. Do vậy, trường lồng ghép hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, dạy nghề gắn với giáo dục truyền thống của địa phương, hoạt động này đang phát huy hiệu quả trong công tác hướng nghiệp cho học sinh của nhà trường. Thầy Đoàn Quốc Phòng, Hiệu trưởng Trường THCS Điền Xá cho biết: Việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm với GDĐP cho học sinh có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình GDPT 2018. Nhà trường căn cứ các văn bản hướng dẫn của Sở GD và ĐT, Phòng GD và ĐT Nam Trực, phối hợp cùng với phụ huynh tổ chức nhiều hoạt động thực tế cho học sinh. Một trong số các hoạt động đó là hội thi các tác phẩm hoa, cây cảnh nghệ thuật của giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường được tổ chức trung tuần tháng 2 mới đây. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giáo dục toàn diện đã được triển khai một cách hiệu quả với sự tham gia của cả thầy cô, gia đình và xã hội. Từ khâu chuẩn bị đã cho thấy sự nghiêm túc, chu đáo trong từng công việc nhỏ nhất. Ngay khi phát động, mỗi lớp đã mở một cuộc bình chọn online để tuyển ra các tác phẩm đặc sắc nhất góp mặt vào hội thi. Vì thế chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, đa dạng phong phú về chủng loại, dáng thế. Các bậc phụ huynh đều là những người thợ, nghệ nhân làng nghề nên họ rất nhiệt tình hưởng ứng, họ coi những tác phẩm cây cảnh như những đứa con tinh thần được gửi gắm đam mê và tâm huyết nên rất cẩn trọng từ khâu vận chuyển đến khâu bài trí. Các em học sinh tranh thủ những giờ ra chơi và thời gian sau buổi học để cùng trưng bày sao cho đẹp nhất. Thông qua hoạt động này đã giúp học sinh thêm yêu mến, tự hào về truyền thống của làng nghề trồng hoa cây cảnh; thấu hiểu và trân trọng công sức lao động của cha mẹ, đó là không chỉ tạo ra những tác phẩm làm đẹp cho đời mà còn làm giàu cho gia đình, quê hương. Từ đó các em có định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với khả năng của mình. Thông qua hoạt động trên, nhà trường còn giáo dục học sinh ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường thể hiện trong những việc làm cụ thể hàng ngày như trồng, chăm sóc cây xanh, biết các kỹ thuật cơ bản về cắt tỉa, tạo dáng cây, giữ gìn cảnh quan sạch, đẹp. Khi tham gia trải nghiệm, các em có thêm những kỹ năng như làm việc nhóm, giải quyết các tình huống trong thực tế đời sống.
Học sinh Trường Tiểu học Hải Anh (Hải Hậu) thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7. |
Trong Chương trình GDPT 2018, nội dung GDĐP được xây dựng nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết cơ bản về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế - xã hội, môi trường, hướng nghiệp… từ đó, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của cộng đồng dân cư, xây dựng văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung GDĐP cũng góp phần hình thành các năng lực, phẩm chất học sinh được quy định trong Chương trình GDPT 2018: Năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo; các phẩm chất yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Bên cạnh đó, phát triển cho học sinh năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp; năng lực tìm hiểu tự nhiên và xã hội; vận dụng kiến thức (tự nhiên, văn hóa, xã hội) vào thực tiễn, ứng xử với tự nhiên phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, GDĐP là môn học mới, quá trình triển khai còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc (việc biên soạn, phê duyệt, in ấn tài liệu...), do vậy, để môn học đạt chất lượng, giáo viên phải lên kế hoạch, xây dựng giáo án kỹ lưỡng, bám sát văn bản hướng dẫn và tài liệu giảng dạy; tổ chức nhiều hình thức dạy vui, thiết thực, hấp dẫn với học sinh, tổ chức cho học sinh được trải nghiệm...
Để đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy môn học GDĐP, Sở GD và ĐT, các nhà trường đã tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các buổi tập huấn, soạn bài giảng về môn GDĐP theo yêu cầu; áp dụng linh hoạt đổi mới, sáng tạo trong phương pháp dạy và học (sân khấu hóa môn học, trải nghiệm vẽ tranh, sắm vai theo nhân vật, tham gia các cuộc thi theo đề tài, thi hùng biện…), giúp học sinh được trải nghiệm, năng động, sáng tạo trong môn học, tự hào về quê hương. Sau khi tập huấn, các nhà trường đã triển khai kế hoạch lồng ghép môn GDĐP với môn học khác phù hợp với nội dung trong các môn học Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý... Đồng thời, tổ chức các hoạt động GDĐP gắn với việc đưa học sinh trải nghiệm trực tiếp nét đẹp văn hóa, truyền thống lịch sử các di tích lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống xung quanh khu vực... giúp học sinh hào hứng với môn học, tiếp thu kiến thức hiệu quả, hiểu biết sâu về truyền thống lịch sử, văn hóa trên quê hương mình... Tuy nhiên, để triển khai môn học hiệu quả, các nhà trường cần vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức dạy học tích cực nhằm phát huy tối đa tính tự giác, tích cực, sáng tạo của học sinh; Tăng cường hoạt động thực hành, ứng dụng những điều đã học để phát hiện và giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống địa phương; Kết hợp hài hoà hoạt động cá nhân, nhóm, lớp, trường... với các phương pháp giáo dục như: Tổ chức chủ đề trải nghiệm; tổ chức chủ đề theo dự án học tập; tổ chức chủ đề theo mô hình STEM./.
Bài và ảnh: Minh Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin