Chủ động phòng, chống rét và bệnh dịch cho đàn vật nuôi

08:14, 31/01/2023

Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đồng thời đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống rét bảo đảm cho vật nuôi không bị thiệt hại do rét đậm, rét hại kéo dài,

Mô hình nuôi gà theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Trực Thái (Trực Ninh) cho hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi gà theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học ở xã Trực Thái (Trực Ninh) cho hiệu quả kinh tế cao.

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, năm 2022 dịch bệnh trên đàn vật nuôi được kiểm soát tốt nên chăn nuôi của tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ lệ chăn nuôi nông hộ; hình thức chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp ngày càng được nhân rộng. Quy trình thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP, chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn… được áp dụng trong chăn nuôi bước đầu mang lại hiệu quả tích cực; chuỗi liên kết giữa người chăn nuôi với doanh nghiệp được tăng cường đã góp phần nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi. Nhờ đó năm 2022, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì phát triển. Chăn nuôi lợn từng bước phục hồi, chăn nuôi gia cầm có tốc độ phát triển khá. Đàn lợn đạt 629.315 con, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 149.150 tấn. Đàn trâu đạt 7.773 con, đàn bò đạt 27.626 con; sản lượng thịt trâu, bò ước đạt 4.080 tấn, tăng 6,8%. Đàn gia cầm có 9 triệu 633 nghìn con; sản lượng thịt gia cầm đạt 34.993 tấn, tăng 8,1% so với năm 2021. 

Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu tiêu thụ các loại thịt lợn, thịt gà, trâu, bò… tăng cao nên hoạt động giết mổ và vận chuyển sản phẩm động vật, các loại giống phục vụ nhu cầu tái đàn vật nuôi diễn ra khá sôi động. Trong khi đó, thời tiết tiếp tục xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, rét đậm, rét hại tiếp tục xảy ra ở khu vực miền Bắc, nhiệt độ bình quân xuống thấp dưới 150C, có nhiều thời điểm xuống dưới 100C, ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn vật nuôi. Thời tiết thay đổi thất thường; các loại mầm bệnh nguy hiểm trên động vật tồn tại ngoài môi trường, nguy cơ bùng phát cao, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) chưa có vắc-xin phòng bệnh; nhận thức của người chăn nuôi về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh còn hạn chế, tâm lý xót của, chủ quan nên vẫn còn tình trạng giấu dịch, tự ý điều trị, bán chạy động vật bị bệnh; một số hộ chăn nuôi chưa chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như: chưa thực hiện tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi, công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng còn qua loa, hình thức; công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch còn chậm...

Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 14-6-2021 về việc phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 30-12-2021 về phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò giai đoạn 2022-2030; Kế hoạch số 160/KH-UBND ngày 31-12-2021 về phòng, chống bệnh cúm gia cầm giai đoạn 2022-2030. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở NN và PTNT đã xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh động vật với mục tiêu chủ động giám sát chặt chẽ dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi; tăng cường lấy mẫu giám sát dịch bệnh động vật, nhất là tại các vùng trọng điểm chăn nuôi, vùng có nguy cơ cao để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh mới phát sinh, bảo đảm an toàn đàn vật nuôi. Theo kế hoạch, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) tổ chức lấy mẫu gộp huyết thanh lợn để giám sát bệnh DTLCP, bệnh tai xanh và dịch tả lợn cổ điển; lấy mẫu phân, dịch hầu họng gia cầm của 10 huyện, thành phố để kiểm tra sự lưu hành của vi-rút gây bệnh cúm gia cầm. Việc giám sát bị động cũng được tích cực thực hiện với việc lấy mẫu bệnh phẩm gia cầm, mẫu bệnh phẩm lợn ốm, chết xét nghiệm bệnh DTLCP, bệnh dịch tả lợn cổ điển, tai xanh và mẫu tôm nuôi tại huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng để xét nghiệm. Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý cho biết: “Căn cứ kết quả giám sát, đặc điểm dịch tễ, Chi cục sẽ đưa ra dự báo, cảnh báo về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở động vật và hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường chăn nuôi; thực hiện tốt việc tiêm phòng bổ sung, tiêm đồng loạt, nhanh gọn, đúng thời gian quy định vắc-xin cho đàn vật nuôi để phát huy tối đa hiệu quả của vắc-xin”. Các địa phương thực hiện quản lý, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại môi trường xung quanh khu vực chăn nuôi, tiến hành tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của ngành thú y.

Cùng với việc phòng, chống dịch bệnh, Sở NN và PTNT, UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện phân công cán bộ thú y bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi để hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi, nhất là việc chống rét, bổ sung khẩu phần ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng để vật nuôi, tăng sức đề kháng. Tích cực hướng dẫn người chăn nuôi chủ động chăm sóc bảo vệ, đảm bảo chống đói, rét cho gia súc, gia cầm. Theo đồng chí Ninh Văn Hiểu: “Các địa phương cần thường xuyên thông báo trên hệ thống loa truyền thanh về tình hình rét đậm, rét hại và các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn vật nuôi để các hộ chăn nuôi chủ động gia cố, tu sửa, che chắn chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ nguồn thức ăn dự trữ, thực hiện chế độ chăn nuôi an toàn sinh học; bổ sung vitamin tổng hợp, khoáng chất và chế độ dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Khuyến cáo người dân dùng tấm đệm lót, bóng điện bên trong chuồng để sưởi ấm cho đàn vật nuôi; đồng thời sử dụng củi, trấu đốt xung quanh chuồng trại để chống rét; tuyệt đối không dùng bếp lò, đốt than có thể khiến vật nuôi bị chết ngạt. Riêng đối với đàn trâu, bò, khi nhiệt độ xuống dưới 150C khuyến cáo người dân không chăn dắt, thả rông ngoài đồng; chủ động chuẩn bị đủ nguồn thức ăn cho vật nuôi nếu thời tiết có sương muối, rét đậm, rét hại kéo dài”.

Chủ động giám sát dịch bệnh động vật để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế dịch bệnh phát sinh, lây lan, đồng thời tăng cường phòng, chống rét sẽ góp phần bảo đảm an toàn đàn vật nuôi, hạn chế thiệt hại cho người dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com