Vốn tín dụng chính sách - đòn bẩy phát triển kinh tế hộ tại xã Nghĩa Hùng

08:37, 16/01/2024

Về xã Nghĩa Hùng (Nghĩa Hưng), chúng tôi chứng kiến quang cảnh nông thôn nơi đây đổi thay rõ rệt. Những thửa ruộng hoang hóa nhiều năm đã thay thế bằng những vuông ao với bờ cỏ xanh mướt, từng nếp nhà mới khang trang ẩn hiện giữa những trang trại rợp bóng cây ăn trái, chuồng trại khép kín. Có được kết quả trên là nhờ vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nghĩa Hưng đã “bền bỉ” vun đắp qua từng năm để “trái ngọt” đến với người nghèo và các hộ chính sách khác.

Chăm sóc đàn gà phục vụ thị trường Tết Nguyên đán tại trang trại gia đình ông Cao Văn Bàng ở đội 12, xã Nghĩa Hùng.
Chăm sóc đàn gà phục vụ thị trường Tết Nguyên đán tại trang trại gia đình ông Cao Văn Bàng ở đội 12, xã Nghĩa Hùng.

Chị Trần Thị Hồng Nội, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: “Đến hết ngày 2-1-2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt 31,6 tỷ đồng với 527 hộ còn dư nợ, góp phần đưa Nghĩa Hùng trở thành một trong những xã có dư nợ tín dụng chính sách lớn nhất huyện. Trong đó, Hội Phụ nữ xã quản lý 8 tổ vay vốn, tổng dư nợ đạt 18,4 tỷ đồng với 302 hộ còn dư nợ; Đoàn Thanh niên quản lý 6 tổ vay vốn, tổng dư nợ đạt 13,2 tỷ đồng với 225 hộ còn dư nợ. Hầu hết các tổ tiết kiệm và vay vốn đều có dư nợ từ 1 tỷ đồng trở lên. Vốn tín dụng chính sách đã giúp các hộ đầu tư nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, đem lại kinh tế khá cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác”. Để nguồn vốn tín dụng chính sách được chuyển tải nhanh chóng, kịp thời đến với người dân, Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền các chương trình tín dụng chính sách mới, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình sử dụng vốn hiệu quả của các hộ vay trên các phương tiện thông tin đại chúng, cuộc họp chi bộ thôn, xóm, giao ban giao dịch hàng tháng tại trụ sở UBND xã để người dân nắm bắt và hiểu rõ các chương trình tín dụng phù hợp với nhu cầu để tiếp cận. UBND xã đã chỉ đạo quyết liệt các thôn, xóm phối hợp cùng Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách ngay từ cấp thôn, xóm. Các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực bám sát địa bàn, thường xuyên rà soát nắm bắt nhu cầu vốn của người dân, bình xét ưu tiên các hộ có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ tư vấn về hồ sơ, thủ tục vay vốn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn. Định kỳ 1 tháng sau khi giải ngân, cán bộ đoàn thể tiến hành rà soát, kiểm tra, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, hiệu quả nên chất lượng tín dụng luôn được đảm bảo. Đối với nhiệm vụ huy động tiền gửi của tổ viên tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng CSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác giao chỉ tiêu huy động đến từng tổ, chỉ đạo các tổ tích cực tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia tiết kiệm định kỳ hàng tháng, khách hàng nâng mức gửi định kỳ; tại buổi họp giao ban hàng tháng có đánh giá kết quả thực hiện cụ thể. Do vậy công tác huy động tiết kiệm qua tổ đã dần đi vào nền nếp, số dư tiền gửi của tổ viên tăng đều hàng tháng, hộ vay đã quen dần với việc gửi tiết kiệm để trả nợ vay khi đến hạn nên đã tích cực, tự nguyện tham gia. Đến hết ngày 2-1-2024, có 100% tổ viên của 14 tổ gửi tiết kiệm hàng tháng, số dư tiết kiệm trên địa bàn xã đạt gần 1,5 tỷ đồng.

Cùng cán bộ tín dụng, chúng tôi đến nhà chị Mai Thị Hiền ở đội 10. Chị Hiền phấn khởi cho biết: Được vay 100 triệu đồng theo chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH huyện thông qua Đoàn Thanh niên, gia đình tôi đã đầu tư mua thêm cá giống và cám chăn nuôi. Nguồn vốn được giải ngân kịp thời đã giúp ích cho gia đình chúng tôi rất nhiều để tăng thêm thức ăn kích thích đàn cá tăng trưởng, kịp xuất bán phục vụ thị trường Tết”. Hiện tại, trên diện tích 1,6 mẫu ao nuôi, gia đình đang chia 3 ao nuôi thả hơn 2 vạn con cá đối mục và cá trắm đen. Dự kiến giáp Tết, gia đình chị Hiền sẽ kéo lưới thu hoạch, sản lượng ước được 4-5 tấn cá, trừ chi phí còn thu về từ 50-100 triệu đồng. Tại trang trại VAC của ông Cao Văn Bàng ở đội 12, đàn gia cầm gồm 500 con ngan, 300 con ngỗng, 800 con gà đang được vỗ béo chuẩn bị xuất bán trong dịp Tết sắp tới. Ông Bàng vui vẻ nói: “Trước Tết 1 tháng, gia đình đã xuất bán tổng sản lượng 15 tấn lợn hơi, thu về hơn 100 triệu đồng. Đàn gia cầm sắp tới cũng sẽ giúp gia đình có thêm mấy chục triệu đồng để ăn Tết”. Nguồn vốn vay giải quyết việc làm cũng giúp cho gia đình anh Đinh Văn Thuần, cũng ở đội 12 đón Tết thêm ấm no. Anh Thuần cho biết: “Từ vốn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện, tôi đã thêm vào đầu tư 4 sào ao nuôi thả cá chạch sụn, năng suất dự kiến đạt 6 tấn, trừ chi phí, lãi hơn 200 triệu đồng”.

Thời gian tới, xã Nghĩa Hùng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện Nghĩa Hưng tạo điều kiện tốt đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn xã được tiếp cận với vốn vay ưu đãi; tham mưu đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm, bổ sung nguồn vốn chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm do nhu cầu vốn của người dân còn rất lớn. Đồng thời, nâng mức cho vay tối đa đối với một công trình nước sạch, vệ sinh môi trường từ 10 triệu đồng lên 25 triệu đồng đảm bảo cân đối so với giá nguyên vật liệu, nhân công hiện nay./.

Bài và ảnh: Đức Toàn
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com