Kinh nghiệm bứt phá trong thực hiện chương trình OCOP ở Ý Yên

08:27, 12/01/2024

Xác định thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu, huyện Ý Yên đã có nhiều nỗ lực với cách làm bài bản, căn cơ từ huyện đến cơ sở, qua đó tạo được sức bật mới trong thực hiện các nội dung.

Sản phẩm OCOP của huyện Ý Yên tích cực tham gia các hội chợ thương mại của tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ.
Sản phẩm OCOP của huyện Ý Yên tích cực tham gia các hội chợ thương mại của tỉnh để thúc đẩy tiêu thụ.

Năm 2022, Ý Yên là địa phương duy nhất trong tỉnh không có sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Quyết tâm tạo bước đột phá trong thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 28-4-2023 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2023, trong đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho UBND các xã, thị trấn và các cơ quan chuyên môn của huyện; kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện; thành lập Tổ tư vấn giúp Hội đồng hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hộ kinh doanh có sản phẩm tham gia chương trình hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm. Cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo, UBND huyện tổ chức các hội nghị triển khai chương trình OCOP gắn với chương trình xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu; tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tham gia chương trình OCOP. Hội đồng tư vấn, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện thường xuyên tư vấn, hỗ trợ, đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện và trình UBND tỉnh đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm từ 3 sao trở lên. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện và UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, ý nghĩa của chương trình OCOP đến người dân, các cơ sở sản xuất và cộng đồng doanh nghiệp. UBND các xã, thị trấn kết nối, tìm kiếm các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế để tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP; tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giới thiệu về chương trình OCOP; mục đích, ý nghĩa và lợi ích của việc thực hiện, phát triển chương trình OCOP để các cơ sở biết tham gia. Bên cạnh đó, UBND huyện tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn cho cán bộ xã phụ trách chương trình OCOP và các cơ sở trên địa bàn để giới thiệu về chương trình OCOP; hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, đăng ký tham gia chương trình. Phối hợp với Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, Chi cục Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và đơn vị tư vấn chương trình OCOP của tỉnh tổ chức khảo sát, hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí OCOP trực tiếp tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký tham gia chương trình.

Nhờ có các biện pháp đồng bộ, tích cực, hiệu quả nên năm 2023, chương trình OCOP của huyện đã có bứt phá mạnh mẽ. Toàn huyện Ý Yên có 9 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 4 sao. Lũy kế đến hết năm 2023, toàn huyện có 30 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trong số 30 sản phẩm OCOP của huyện có 12 sản phẩm của các HTX, 6 sản phẩm của doanh nghiệp và 12 sản phẩm của 8 hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra trong năm 2023 huyện có 4 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận lại, đó là sản phẩm dầu lạc nguyên chất và dầu vừng nguyên chất An Nhiên của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Dũng, xã Yên Cường; tương ớt Quang Minh Sài Gòn và sa tế OIHINSU của hộ kinh doanh Quang Minh, xã Yên Bằng. 

Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huyện Ý Yên phấn đấu đến năm 2025, trên địa bàn huyện có ít nhất 40 sản phẩm OCOP trở lên đạt hạng 3 sao, định hướng các sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn, tham gia thị trường. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, huyện tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về mục tiêu, lợi ích ý nghĩa và cách thức tổ chức thực hiện chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, các xã, thị trấn. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của cấp xã, trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiêu chí phát triển sản xuất trong Bộ tiêu chí NTM. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP; phát triển mới, nâng cấp các điểm bán hàng OCOP; tổ chức các hội chợ chuyên bán sản phẩm OCOP... Tiếp tục ban hành các chính sách hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở phát huy được điều kiện, lợi thế để nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất và phát triển; hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn tiên tiến như GlobalGAP, Organic, GMP, HACCP, ISO... để các sản phẩm OCOP có điều kiện tiếp cận thị trường xuất khẩu. Hướng dẫn các cơ sở củng cố, nâng cấp các sản phẩm đã đạt OCOP từ 3 sao trở lên để nâng hạng sao trong các năm tiếp theo.

Sự vào cuộc quyết liệt, chủ động của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tích cực của đội ngũ cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình OCOP từ huyện xuống cơ sở và ý thức, trách nhiệm đối với sản phẩm, dịch vụ cung cấp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã tạo nên những kết quả tích cực vượt trội trong thực hiện chương trình OCOP năm 2023 của huyện Ý Yên, góp phần thúc đẩy hoàn thành mục tiêu xây dựng xã, huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com