Điều chỉnh phương án đầu tư các công trình xử lý rác thải sinh hoạt

08:16, 05/12/2023

Trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, một trong những nội dung nhiệm vụ được các cấp chính quyền, ngành chức năng chú trọng là công tác vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó đặc biệt là huy động cộng đồng tham gia thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt.

Nhìn chung, rác thải sinh hoạt phát sinh đã được các địa phương chủ động thu gom, xử lý theo quy định. Ý thức giữ gìn môi trường của người dân ngày càng được nâng cao; công tác vệ sinh môi trường trong khu dân cư từng bước được cải thiện rõ rệt; hạn chế tình trạng xả rác thải ra các tuyến sông, kênh, mương hay các trục đường. Công tác phân loại và xử lý rác thải tại nguồn cũng được triển khai mạnh mẽ ở các địa phương và dần tạo thành thói quen trong sinh hoạt của người dân giúp giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển ra các khu xử lý rác tập trung của các xã, thị trấn; tiết kiệm ngân sách phải chi trong việc xử lý rác thải; hạn chế sử dụng phân bón hóa học; tái sử dụng rác thải như một nguồn tài nguyên. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 195/226 xã, phường, thị trấn (chiếm 77,8%) đã tham gia phân loại rác thải tại nguồn. Có 3 mô hình đang áp dụng gồm: Mô hình “Phân loại CTR tại nguồn và xử lý rác hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình bằng thùng ủ”; mô hình “Hố rác hữu cơ di động” và mô hình “Phân loại rác thải tại hộ gia đình”; đã giảm được 30-50% lượng rác thải phải xử lý. Tỷ lệ CTR sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom đem đi xử lý đạt 95,5%; tỷ lệ CTR sinh hoạt khu vực nông thôn được thu gom xử lý đạt 89,5%. Tại hầu hết các xã, thị trấn trên toàn tỉnh vẫn đang tiến hành xử lý CTR sinh hoạt theo hai phương thức chôn lấp hoặc đốt tại các lò đốt công suất nhỏ.

Xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại ETC (Khu công nghiệp Hòa Xá, thành phố Nam Định).
Xử lý rác thải sinh hoạt tại Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại ETC (Khu công nghiệp Hòa Xá, thành phố Nam Định).

Tuy nhiên, việc xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu xử lý tập trung của không ít xã, thị trấn còn nhiều bất cập khiến người dân các địa phương đã nhiều lần kiến nghị đề xuất các cấp, các ngành chức năng vào cuộc xử lý. Đó là tình trạng vận hành một số lò đốt rác quy mô nhỏ chưa đảm bảo đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật; một số lò đã xuống cấp, chưa được thay thế, sửa chữa dẫn đến khi vận hành lại gây ô nhiễm hoặc không đáp ứng yêu cầu xử lý. Tại huyện Hải Hậu, ở một số địa phương sử dụng lò đốt rác thải công suất nhỏ không xử lý được hết lượng rác thải phát sinh trên địa bàn. Một số xã đã chuyển từ công nghệ lò đốt Losiho do Công ty TNHH Tân Thiên Phú lắp đặt sang mô hình lò đốt mái vòm công suất lớn; tuy nhiên, hệ thống xử lý khói thải ở một số xã như Hải Phương, Hải Triều, Hải Ninh... đã xuống cấp, hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được yêu cầu, không đảm bảo xử lý được lượng rác phát sinh trên địa bàn; lò đốt rác thải sinh hoạt của xã Hải Vân đến nay đã ngưng hoạt động. Một số xã chưa chú trọng nâng cấp hệ thống xử lý khói thải, chưa có biện pháp thay thế sửa chữa kịp thời các thiết bị hỏng hóc, xuống cấp, dẫn tới hiệu quả xử lý rác thải không cao.

Tại huyện Trực Ninh lại phát sinh vấn đề ảnh hưởng ô nhiễm do xử lý rác thải tập trung ở những địa bàn giáp ranh. Người dân xã Trực Tuấn kiến nghị huyện chỉ đạo xã Trực Đạo có biện pháp xử lý tình trạng đốt rác lộ thiên gây khói bụi; không sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý, không chôn lấp tại khu xử lý rác thải xã này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân thôn Thượng Đồng và thôn Thượng Đồng Văn của xã Trực Tuấn. Người dân xã Phương Định đề nghị huyện chỉ đạo UBND xã Liêm Hải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp lò đốt rác xã Liêm Hải để không gây ô nhiễm môi trường cho nhân dân thôn Lộ Xuyên 1, Lộ Xuyên 2 của xã Phương Định. Người dân xã Trực Chính đề nghị UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND thị trấn Cổ Lễ xem xét, xử lý tình trạng khói, bụi của lò đốt rác thị trấn Cổ Lễ (nhất là khi có gió nam thổi) gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của nhân dân xã Trực Chính. Tại huyện Nam Trực, người dân xã Nam Hồng kiến nghị tình trạng xử lý rác thải chủ yếu theo phương thức đốt và chôn lấp, trong khi lượng rác thải ngày càng nhiều, lò đốt rác của xã xuống cấp, việc thu gom và xử lý rác thải của xã gặp nhiều khó khăn; đề nghị cấp có thẩm quyền tập trung xây dựng khu xử lý chung của toàn huyện để giải quyết khó khăn về xử lý rác thải.

 Để giải quyết các bất cập kể trên, thời gian qua tỉnh và các ngành, các địa phương tích cực thực hiện chủ trương huy động xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công trình xử lý rác thải theo Quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt (gồm 1 khu xử lý vùng tỉnh tại Khu liên hợp xử lý rác thải Lộc Hòa và 12 khu xử lý CTR vùng liên huyện). Tại một số địa phương như thị trấn Nam Giang (Nam Trực), thị trấn Xuân Trường (Xuân Trường), thị trấn Ngô Đồng (Giao Thuỷ)... từ nhiều năm trước đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư các công trình đốt rác thải tập trung theo hướng cải tạo, nâng cấp trên chính phần nền của các khu xử lý rác thải bằng hình thức chôn lấp. Mới đây, tại xã Mỹ Thành (Mỹ Lộc), Công ty Cổ phần năng lượng Greenity Nam Định đã triển khai thực hiện dự án Xây dựng khu xử lý rác thải cho thành phố Nam Định và các huyện lân cận với công suất xử lý khoảng 495 tấn rác hỗn hợp/ngày đêm bằng công nghệ lò đốt nguyên khối sử dụng bộ ghi đốt động trên sàn nghiêng nhiều bậc của Hitachi, Nhật Bản hoặc công nghệ tương tự có xuất xứ từ các nước G7. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai thực hiện các dự án nâng cấp khu xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh với diện tích 1,7ha; khu xử lý rác thải thị trấn Nam Giang (Nam Trực); khu xử lý rác thải thị trấn Lâm (Ý Yên).

Tuy vậy, việc triển khai thực hiện Quy hoạch CTR vùng tỉnh Nam Định đến năm 2030 và huy động nguồn lực đầu tư các khu xử lý rác thải theo hình thức xã hội hóa giai đoạn gần đây gặp nhiều khó khăn do người dân tại nhiều địa phương không đồng thuận với việc lựa chọn địa điểm đầu tư các khu xử lý CTR tập trung, mặc dù trong quá trình lập quy hoạch đã tiến hành tham vấn và đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng; đến nay UBND tỉnh mới có quy hoạch vị trí và phân vùng địa bàn vận chuyển.

Căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế tại các địa phương, tỉnh đã chủ động điều chỉnh phương án đầu tư các khu xử lý CTR tập trung, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Theo đó, tỉnh xác định giai đoạn 2021-2030: Tiếp tục vận hành và quy hoạch 12 khu vùng huyện, liên huyện: khu Lộc Hòa, Mỹ Thành (thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc); khu xử lý CTR công nghiệp, nguy hại tại Khu công nghiệp Hòa Xá; Khu liên hợp xử lý rác thải phía bắc huyện Trực Ninh; Nhà máy xử lý chất thải, tái chế phế liệu Nam Giang (Nam Trực); khu xử lý CTR thị trấn Xuân Trường, khu xử lý CTR Xuân Ninh (Xuân Trường); khu xử lý CTR thị trấn Lâm (Ý Yên); khu xử lý CTR thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); khu xử lý CTR Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); khu xử lý CTR thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); khu xử lý CTR Liên Bảo (Vụ Bản); khu xử lý CTR Yên Minh (Ý Yên). Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh sẽ tập trung đầu tư 3 khu xử lý CTR liên huyện, liên vùng: Lộc Hòa, Mỹ Thành (thành phố Nam Định và huyện Mỹ Lộc); khu xử lý CTR xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng); khu xử lý CTR thị trấn Quất Lâm (Giao Thủy); đồng thời từng bước đóng cửa các khu xử lý rác còn lại.

Trong thời gian chờ xây dựng các khu xử lý chất thải quy mô huyện, liên huyện, tỉnh sẽ tiếp tục sử dụng các khu xử lý rác thải hiện có để duy trì hoạt động xử lý CTR của địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương sẽ cải tạo, chỉnh trang các khu xử lý CTR nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; từng bước đóng cửa hoặc chuyển đổi dần các khu xử lý, bãi chôn lấp, lò đốt rác thải quá tải, không còn phù hợp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thành các điểm tập kết, trạm trung chuyển CTR tương thích với nhu cầu sử dụng của các khu xử lý chất thải quy mô lớn, liên huyện.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2030, đảm bảo 100% CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; đến năm 2050 đảm bảo 100% các loại CTR phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế đến mức thấp nhất lượng CTR phải chôn lấp./.

Bài và ảnh: Thanh Thuý

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com