Tiếp tục trợ giúp doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ

08:31, 27/09/2023

Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với ngành công nghiệp do đây là ngành sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Ngành CNHT cũng góp phần hiệu quả trong việc khai thác nguồn lực tại chỗ, giảm nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu tài nguyên và các sản phẩm chế biến thô, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp; giảm nhập siêu, bảo đảm cân bằng xuất, nhập khẩu; mở rộng khả năng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài; phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa. 

Sản xuất tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định.
Sản xuất tại Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định.

Những năm qua, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã tích cực bám sát chỉ đạo của Trung ương, triển khai thực hiện các chương trình thúc đẩy phát triển CNHT. Trong đó, đã chú trọng hỗ trợ các ngành, các sản phẩm công nghiệp có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển CNHT gồm: ngành dệt may; da giày; điện tử; sản xuất và lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo. Tỉnh cũng chú trọng thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển lĩnh vực CNHT cho công nghiệp công nghệ cao. Cùng với các cơ chế chính sách, các chương trình hỗ trợ từ nhà quản lý, bản thân không ít doanh nghiệp đã nỗ lực áp dụng hệ thống quản lý; đào tạo, tuyển dụng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng, đổi mới công nghệ và đầu tư nâng cao chất lượng thiết bị, máy móc đảm bảo đủ điều kiện sản xuất các sản phẩm CNHT. Tích cực phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp cùng ngành, các doanh nghiệp quy mô lớn hơn ở trong và ngoài nước để thuận tiện hơn và gia tăng các điều kiện đủ trong gia nhập vào chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ các sản phẩm CNHT. 

Ông Đào Văn Phương, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định cho biết: “Công ty Dệt lụa Nam Định có 5 nhà máy, gồm 1 nhà máy kéo sợi công suất 1.000 tấn/năm; 1 nhà máy kéo sợi và pha lông cừu với công suất 800 tấn/năm với liên doanh nước ngoài; 1 nhà máy dệt; 1 nhà máy nhuộm có hệ thống xử lý nước thải riêng và 1 chi nhánh tại Hà Nội. Công ty có lợi thế là sản xuất theo chuỗi cung ứng sợi - dệt - nhuộm hoàn chỉnh; đã xây dựng được thị phần vững chắc, tiêu thụ ổn định các sản phẩm vải cao cấp tại thị trường Nhật Bản trong nhiều năm. Tuy nhiên với mục tiêu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng ngành dệt may, Công ty đã tập trung đầu tư, đổi mới, đưa các thiết bị hiện đại vào sản xuất theo hướng xanh hóa và sản xuất tuần hoàn. Trong đó, Công ty đã trang bị hệ thống điện áp mái với công suất 1Mb; hoàn thiện hệ thống xử nước thải của Nhà máy Nhuộm sau khi chuyển ra KCN Hoà Xá; đã đầu tư hệ thống tự động pha hóa chất thuốc nhuộm với công nghệ hiện đại nhất hiện nay; đầu tư hệ thống lò hơi theo công nghệ mới... giúp tối ưu hoạt động sản xuất, giảm lượng nước, hóa chất sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí nguyên vật liệu, hạ giá thành sản phẩm. Tổng kinh phí đầu tư chiều sâu của Công ty trong năm 2022 đạt khoảng 40 tỷ đồng. Trong năm 2023, Công ty tiếp tục đầu tư mới hệ thống nước thải theo công nghệ RO, tiến tới tái sử dụng nguồn nước trong quá trình nhuộm, tuần hoàn hệ thống xử lý nước trong khâu nhuộm hoàn tất; khi đưa hệ thống này vào sử dụng sẽ giảm trên 10% hóa chất nhuộm dư thừa so với quy trình cũ. Đặc biệt, Công ty còn chủ động liên kết với một doanh nghiệp tại Nhật Bản sản xuất các loại vải cao cấp may áo vest theo kỹ thuật và công nghệ của đối tác với sản lượng khoảng 8.000 tấn/năm. Từ hướng đi riêng bằng cách xây dựng các sản phẩm đặc thù cho các thị trường “khó tính” bậc nhất là Nhật Bản; cộng với việc đầu tư đồng bộ, hiện đại hoá dây chuyền sản xuất giúp Công ty nâng cao công suất, gia tăng chất lượng sản phẩm, Công ty đã được Tổng Công ty Đức Giang - CTCP (là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam và là nhà sản xuất, cung cấp hàng may mặc uy tín cho nhiều khách hàng nổi tiếng trên thế giới và trong nước) và một số doanh nghiệp may nội địa đặt mua vải sản xuất đồng phục, veston. Bên cạnh sản phẩm truyền thống là vải đồng phục chất lượng cao, Công ty còn tiếp tục nghiên cứu và đưa các sản phẩm vải chất lượng cao mới như: CVC, CV, vải pha lông cừu, cotton… Nhờ đó Công ty Dệt lụa Nam Định nhanh chóng thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm CNHT của ngành dệt may Việt Nam, đáp ứng các yêu về xuất xứ cho sản phẩm của doanh nghiệp may trong nước”.

Trong lĩnh vực cơ khí, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ khâu thiết kế, chế tạo kết cấu, các chi tiết linh kiện, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa chi tiết trong các sản phẩm. Trong đó, linh kiện kim loại sản xuất nội địa của tỉnh đáp ứng được 85-90% nhu cầu sản xuất xe máy; khoảng 15-40% nhu cầu linh kiện cho sản xuất ô tô; khoảng 20% cho sản xuất thiết bị đồng bộ; 40-60% cho sản xuất các loại máy nông nghiệp, máy động lực và 40% cho máy xây dựng; cung ứng khoảng 10% nhu cầu linh kiện kim loại cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. 

Với việc áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất nhiều doanh nghiệp trong ngành CNHT trên địa bàn tỉnh đã tham gia tích cực vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành Công Thương, ngành CNHT của tỉnh chưa thực sự phát triển hết tiềm năng; phần lớn các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế tạo trong ngành CNHT có quy mô nhỏ và vừa nên gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn. Bên cạnh đó, thị trường CNHT của Việt Nam vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên chưa thu hút các doanh nghiệp đối tác, vì thế, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm công nghiệp của tỉnh còn nhiều khó khăn. Đến nay, thị trường CNHT của Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn ở quy mô nhỏ, sản lượng thấp nên công tác thu hút đầu tư sản xuất, chế tạo các sản phẩm CNHT mang hàm lượng công nghệ cao, tinh vi, phức tạp chưa đạt kết quả như kỳ vọng, chưa có được những nhà máy CNHT đáp ứng yêu cầu này. Các sản phẩm CNHT của tỉnh mới chỉ tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí… Dư địa của ngành CNHT còn rất lớn, đặt ra yêu cầu các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh cần tiếp tục gia tăng các chương trình, biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đáp ứng công tác quản lý Nhà nước, hỗ trợ phát triển ngành CNHT, thời gian tới, tỉnh sẽ căn cứ vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được điều chỉnh hoàn thiện sau thẩm định để phê duyệt, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể ưu tiên tập trung phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp trọng điểm. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng và tăng tốc thu hút đầu tư vào KCN Dệt may Rạng Đông, đây là KCN được quy hoạch phục vụ riêng cho nhu cầu phát triển CNHT ngành dệt may; tiếp tục thúc đẩy đầu tư xây dựng các khu, CCN được quy hoạch theo hướng phục vụ sản xuất liên kết ngành, quy mô lớn để thu hút đầu tư, xây dựng các chuỗi sản xuất. Đối với nhóm các doanh nghiệp đang hoạt động cùng ngành nhưng quy mô nhỏ, đẩy mạnh khuyến khích việc thực hiện hợp tác nâng cao sức mạnh, gia tăng tiềm lực, từ đó liên kết đầu tư các dự án ưu tiên sử dụng nhiều nguyên liệu, linh phụ kiện nội địa. Đồng thời, khuyến khích những doanh nghiệp lớn hỗ trợ, dẫn đường cho doanh nghiệp nhỏ cùng hợp tác để phát triển CNHT. 

Hiện Bộ Công Thương đã triển khai thành lập 3 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp tại 3 vùng kinh tế trọng điểm khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam, với mục tiêu sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp và CNHT đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất thử nghiệm, nâng cao năng suất chất lượng, tạo giá trị gia tăng cũng như tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy tỉnh sẽ gia tăng kết nối với Bộ để nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển CNHT; tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com