Năm 2022, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của huyện Xuân Trường đạt kết quả khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, xét chi tiết nhiều lĩnh vực không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng. Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp không đạt kế hoạch đề ra. Một số địa phương vẫn còn diện tích ruộng bỏ hoang nhiều nhưng chưa có phương án khắc phục hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền một số địa phương còn lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu và phát triển sản phẩm OCOP. Hầu hết các địa phương không quan tâm chỉ đạo đầy đủ các mô hình sản xuất theo tiêu chí NTM cũng như việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đất lúa. Số lượng và quy mô doanh nghiệp của huyện còn hạn chế, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh năm 2010) ước đạt 7.820 tỷ đồng bằng 100% kế hoạch, tăng 16,2% so với năm 2021, giá trị hàng hóa xuất khẩu quy đổi ước đạt 40,2 triệu USD bằng 100% kế hoạch, tăng 4% so với năm 2021. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 195,350 tỷ đồng, bằng 106% dự toán.
Sản xuất chi tiết cơ khí tại cơ sở của anh Ngô Văn Hiến, xóm 5, xã Xuân Kiên (Xuân Trường). |
Trước thực trạng này, năm 2023 huyện Xuân Trường chủ trương gia tăng các biện pháp để tập trung nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành sản xuất, dịch vụ.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các phòng chức năng, các địa phương tích cực hướng dẫn, tạo điều kiện về hồ sơ, thủ tục thuộc thẩm quyền của huyện cho các nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Cụm công nghiệp (CCN) Xuân Tiến giai đoạn 2; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường năng lực cạnh tranh; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu. Tạo điều kiện phát triển các ngành có lợi thế, các loại hình và sản phẩm là thế mạnh của huyện, có giá trị gia tăng cao; đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Tăng cường kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng, sản phẩm thiết yếu; xử lý kịp thời các hành vi gian lận, vi phạm thương mại nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà sản xuất, người tiêu dùng. Trong sản xuất nông nghiệp, các xã, thị trấn quyết tâm thực hiện hiệu quả nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết của Huyện ủy về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, đẩy mạnh đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tăng cường thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất kết nối thị trường, quảng bá sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng tích tụ ruộng đất tập trung, xây dựng cánh đồng lớn, liên kết sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ các nông sản chủ lực. Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; khuyến khích tổ chức chăn nuôi khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị; khuyến khích các hộ nuôi trồng thủy sản đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với quy hoạch phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Chú trọng duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của các xã, nhất là tiêu chí về sản xuất; tiếp tục triển khai đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của các địa phương.
Để tăng cường các điều kiện cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuận lợi, huyện chú trọng khai thác tốt các nguồn thu, tăng cường công tác kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế, phấn đấu tăng thu. Quản lý chặt chẽ chi ngân sách, giảm bội chi, triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Từ đó, dồn lực đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, bao gồm: xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; xây dựng đường trục trung tâm huyện Hải Hậu đoạn qua huyện; xây dựng điểm đón trả khách kinh doanh dịch vụ và bến xe tĩnh Thành Nam tại xã Xuân Ninh; xây dựng khu dân cư tập trung tại các xã Xuân Phương, Xuân Trung, Xuân Vinh, Xuân Hồng. Triển khai thi công các dự án đường giao thông thuộc huyện quản lý, đường giao thông liên xã bằng nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất khu dân cư tập trung. Đồng thời, tập trung huy động nguồn lực, kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng các khu, CCN, nhất là Khu công nghiệp Thượng Thành, CCN Nam Điền, CCN Xuân Hồng, CCN Xuân Tiến. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng mới, nâng cấp các cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại, văn minh theo quy hoạch đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quản lý và thực hiện hiệu quả các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội định hướng đến năm 2030 của huyện và các xã, thị trấn; quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030; quy hoạch xây dựng chung cấp xã và các quy hoạch khác để phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư. Không ngừng cải thiện chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” huyện và bộ phận “một cửa” các xã, thị trấn. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, Đề án xây dựng đô thị thông minh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước tỉnh giai đoạn 2021-2030 và các kế hoạch đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư của huyện. Tăng cường sự phối hợp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp theo hướng linh hoạt, sáng tạo, thông thoáng; hỗ trợ để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư lớn về tìm hiểu và nhanh chóng hoàn thành các thủ tục về đất đai và thủ tục đầu tư tại huyện.
Bằng việc gia tăng các biện pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, huyện Xuân Trường phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản năm 2023 là: tốc độ gia tăng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 13,21%; Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thủy sản đạt 9,79%; công nghiệp xây dựng, dịch vụ đạt 90,21%; Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 2,35%, năng suất lúa đạt 124,3 tạ/ha; sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt 68 nghìn tấn, giá trị thu được trên ha canh tác theo giá hiện hành đạt 107 triệu đồng trở lên; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 16 nghìn tấn. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng (theo giá so sánh 2010) đạt 11.627 tỷ đồng; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 41,9 triệu USD; thu ngân sách trên địa bàn vượt dự toán tỉnh giao. Giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lượt người./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin