Trước nguy cơ các cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc sử dụng chất cấm đối với vật nuôi dẫn đến tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm, vi phạm quy định của pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm giám sát, quản lý các CSGM gia súc bảo đảm hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng của tỉnh lấy mẫu kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong thịt lợn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. |
Theo Bộ NN và PTNT, vừa qua các cơ quan báo chí truyền thông đưa tin nhiều trường hợp vi phạm quy định về sử dụng và nghi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (Salbutamol) đối với vật nuôi tại khu cách ly nhập khẩu, cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, CSGM gia súc, nhất là động vật nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam dẫn tới nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm, vi phạm quy định của pháp luật và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Tại Nam Định, mặc dù UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch các CSGM gia súc, gia cầm tập trung tỉnh Nam Định đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; tuy nhiên việc triển khai xây dựng CSGM tập trung của tỉnh còn chậm, gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.773 CSGM động vật, trong đó có 2 CSGM tập trung, 1.771 CSGM nhỏ lẻ (71 CSGM trâu, bò; 1.359 CSGM lợn; 288 CSGM gia cầm; 53 CSGM động vật khác). Trong đó, mới có 10 CSGM động vật được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 788 CSGM nhỏ lẻ đã ký với cơ quan chức năng cam kết tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; 976 CSGM nhỏ lẻ chưa ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thực phẩm. Điều đó cho thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định số 72/QĐ-UBND của UBND tỉnh và việc kiểm soát hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu, nguy cơ trà trộn giết mổ bừa bãi động vật ốm, chết làm lây lan dịch bệnh và mất an toàn thực phẩm là rất lớn.
Trước thực trạng trên, Sở NN và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 31/UBND-VP3 ngày 16-1-2023 về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp kinh doanh, mua, bán, vận chuyển, tiêu thụ chất cấm, sử dụng chất cấm trong nuôi vỗ béo tại cơ sở chăn nuôi, CSGM gia súc, gia cầm. Thực hiện nghiêm Công điện số 167/CĐ-BNN-TY của Bộ NN và PTNT, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật nhằm cung cấp đủ nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng và uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam; thông tin kịp thời về tình hình, danh tính của các đối tượng vi phạm quy định về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; hướng dẫn người buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, người chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, đặc biệt không sử dụng, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; không tiếp tay, kịp thời tố giác những hành vi mua, bán chất cấm trong chăn nuôi cho chính quyền địa phương; không vận chuyển giết mổ động vật ốm, chết, nghi mắc bệnh. Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước, nhất là các cơ quan chuyên môn, chính quyền cấp xã trong việc quản lý các cơ sở chăn nuôi, cơ sở buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, nhân viên tiếp thị vật tư chăn nuôi thú y, CSGM, buôn bán, vận chuyển động vật… để ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời việc buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát việc buôn bán, sử dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, CSGM gia súc, cơ sở buôn bán thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch giám sát việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương. Tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 các cấp; chỉ đạo, thành lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn chưa được kiểm dịch… Tiếp tục triển khai nhiệm vụ theo Công điện số 167/CĐ-BNN-TY của Bộ NN và PTNT về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc; Công văn số 31/UBND-VP3 của UBND tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã thành lập đoàn đi kiểm tra, lấy 14 mẫu (gồm: 9 mẫu thịt bò, 3 mẫu nước tiểu lợn và 2 mẫu thức ăn chăn nuôi lợn) tại 6 cơ sở để kiểm tra nhanh các chất cấm (Clenbuterol, Salbutamol, Ractopamine) sử dụng trong chăn nuôi, giết mổ. Kết quả, không phát hiện chất cấm trong các mẫu kiểm tra.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ động vật trên địa bàn tỉnh, ngày 1-2-2023 UBND tỉnh tiếp tục có Công văn số 56/UBND-VP3 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở NN và PTNT hướng dẫn, đôn đốc các địa phương trong việc xây dựng mạng lưới CSGM động vật có kiểm soát thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo Quyết định số 72/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Xây dựng và triển khai các chương trình giám sát, kế hoạch thanh tra, kiểm tra các CSGM về chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý kiểm soát giết mổ và việc thực hiện quy trình kiểm soát giết mổ tại CSGM; giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm dịch động vật, quản lý kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; ứng dụng hệ thống phần mềm trực tuyến để quản lý CSGM động vật, cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật sử dụng làm thực phẩm. Tuyên truyền nâng cao nhận thức người tiêu dùng, người kinh doanh, giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Các sở, ngành liên quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật theo quy định của Luật Thú y; nhất là Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, đồng thời thực hiện quản lý các CSGM động vật nhỏ lẻ trên địa bàn theo Quyết định số 44/2019/QĐ-UBND ngày 21-11-2019 của UBND tỉnh ban hành quy định phân công, phân cấp cơ quan thẩm định, cơ quan quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NN và PTNT.
Thực hiện tốt công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc của các CSGM động vật sẽ góp phần đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, hạn chế vi phạm quy định của pháp luật và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng./.
Bài và ảnh: Văn Đại
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin