Giải pháp phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

20:36, 10/01/2023

Để tiếp tục xây dựng, phát triển, nâng cao năng lực khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đạt trình độ khá, tạo nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Sở KH và CN đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KH và CN) thực hiện Đề tài KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu xây dựng định hướng Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045”. Từ đó đề xuất các giải pháp phát triển KHCN và ĐMST của tỉnh trong thời gian tới.

Sản xuất rau, quả công nghệ cao tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường).
Sản xuất rau, quả công nghệ cao tại xã Xuân Hồng (Xuân Trường).

Thời gian qua, KHCN và ĐMST đã có những đóng góp mạnh mẽ cho sự phát triển của các ngành chủ chốt ở Việt Nam nói chung và cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh ta nói riêng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu KHCN được các sở, ngành và địa phương đẩy mạnh với nhiều chương trình, cụ thể là xây dựng Đề án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2012-2015, kéo dài đến 2018”; Chương trình “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Nam Định” các giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 cùng với nhiều đề tài, dự án KH và CN trong các lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên môi trường, y dược, công nghệ thông tin, khoa học xã hội và nhân văn, kỹ thuật dân dụng… Trong đó nhiều nghiên cứu, dự án ứng dụng được triển khai có hiệu quả với kết quả nổi bật như: sản xuất một số giống lúa thơm, lúa thuần, lúa lai chất lượng cao, giá thành giảm (Thiên Trường 900, ĐH11; TBR 225, TBR279, KOJI, CS6-NĐ, Hương Cốm 4…); tiếp nhận và xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong việc sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật và phương pháp khí canh, dự kiến sẽ xây dựng được một hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh từ nguồn củ giống gốc sản xuất theo công nghệ khí canh quy mô công nghiệp cung cấp 50% giống khoai tây sạch bệnh trên địa bàn tỉnh; xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng hữu cơ, sử dụng công nghệ sinh học thay thế thuốc kháng sinh và hóa chất… đã góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh.

Sở KH và CN đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho tỉnh ban hành văn bản và chỉ đạo thúc đẩy hoạt động về KHCN; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất và đời sống, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; lấy doanh nghiệp là trung tâm, triển khai hỗ trợ có hiệu quả việc phát triển các sản phẩm địa phương; từng bước hình thành thị trường công nghệ, thúc đẩy ĐMST và hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường cơ sở lý luận - thực tiễn trong phát triển các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn… Trong giai đoạn 2016-2020 ngành KH và CN đã tổ chức quản lý và triển khai thực hiện trên 94 nhiệm vụ KH và CN với tổng kinh phí trên 78,3 tỷ đồng. Các nhiệm vụ KH và CN này đã hướng vào việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN tập trung vào một số lĩnh vực kinh tế - xã hội. Sự phát triển của KHCN và ĐMST đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,5%/năm, năm 2022 tăng trưởng 9,07%, là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh có mức tăng trưởng cao của cả nước. Ở khía cạnh khác, các chỉ số về phát triển KHCN và ĐMST của tỉnh liên tục có sự gia tăng: chỉ số CPI tăng 32 bậc từ vị trí 56 năm 2012 lên 24 năm 2021 với tổng số 64,99 điểm; năng suất lao động năm sau cao hơn năm trước, đạt 86,4 triệu đồng/lao động năm 2022, tăng 7,2% so với năm 2021…

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng định hướng Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045” đã tập trung nghiên cứu các vấn đề về phát triển KHCN và ĐMST của tỉnh đã triển khai như quy hoạch phát triển KHCN tỉnh giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các đối tượng nghiên cứu là các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, các tổ chức KHCN và các doanh nghiệp… Từ đó có những phân tích đánh giá hoạt động KHCN của tỉnh đảm bảo tính khoa học, đồng thời chỉ ra những mặt tồn tại trong hoạt động KHCN và ĐMST của tỉnh như: một số đề tài, dự án có tính ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế; hoạt động đầu tư đổi mới, ứng dụng các dây chuyền, thiết bị công nghệ đồng bộ, hiện đại vào sản xuất còn chưa được đáp ứng như kỳ vọng; trình độ KHCN trên địa bàn tỉnh nhìn chung vẫn chưa cao; khả năng thương mại hóa sản phẩm KHCN còn hạn chế; việc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, sản xuất vẫn ở mức trung bình, chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa - hiện đại hóa… Để nâng cao năng lực KHCN và ĐMST của tỉnh, từ kết quả khảo sát, phân tích dữ liệu đề tài đưa ra các đề xuất giải pháp cần thực hiện đồng bộ về tổ chức, cơ sở vật chất, nhân lực, tài chính, hợp tác, cơ chế chính sách KHCN và ĐMST. Theo đó tỉnh định hướng chiến lược phát triển một cách dài hạn, tập trung xây dựng năng lực đổi mới mang tính tích lũy. Xác định lại đối tượng, phạm vi, chức năng và nhiệm vụ của các sở, ban, ngành liên quan đến quản lý Nhà nước về KHCN và ĐMST trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Sở KH và CN với chức năng quản lý Nhà nước về KHCN và ĐMST tập trung xây dựng cơ chế, chính sách kiến tạo môi trường thuận lợi cho các liên kết giữa viện nghiên cứu, trường và doanh nghiệp, hỗ trợ và thúc đẩy khu vực doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm của hệ thống đổi mới. Xây dựng và triển khai Đề án xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST vào thời điểm phù hợp (bao gồm cả vườn ươm công nghệ); xúc tiến mạnh phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST, doanh nghiệp KHCN và triển khai các chương trình, đề án, dự án, kế hoạch phát triển KHCN và ĐMST. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khả thi có tính đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu xem xét hoạt động trở lại Quỹ phát triển KH và CN của tỉnh nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ cho doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ một cách có hiệu quả. Tăng cường đầu tư tài chính cho KHCN và ĐMST nhằm thúc đẩy quá trình đưa KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực, là nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thống kê KHCN và hoạt động đổi mới trên địa bàn tỉnh để cung cấp số liệu về một số chỉ số: TFP (năng suất nhân tố tổng hợp), nhân lực KH và CN, đổi mới công nghệ, hoạt động KHCN và ĐMST trong doanh nghiệp… phục vụ công tác định hướng, kế hoạch quy hoạch và quản lý Nhà nước về KHCN và ĐMST.

Thực hiện tốt các giải pháp phát triển, nâng cao năng lực KHCN và ĐMST sẽ đóng vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và phát triển bền vững của tỉnh./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com