Đầu tư nâng cấp hệ thống thông tin cơ sở 

08:13, 04/01/2023

Thông tin cơ sở (TTCS) là kênh thông tin thiết yếu, có vai trò quan trọng trong phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới người dân. Thực hiện Kế hoạch phát triển TTCS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của UBND tỉnh (Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 23-12-2021), các địa phương trong tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống TTCS trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã mang lại hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu cung cấp, tiếp nhận thông tin của chính quyền cơ sở và người dân trong tình hình mới. 

Sản xuất chương trình truyền thanh tại Đài truyền thanh xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).
Sản xuất chương trình truyền thanh tại Đài truyền thanh xã Mỹ Thuận (Mỹ Lộc).

Trước đây, hoạt động TTCS còn nhiều bất cập như: cơ sở vật chất, kỹ thuật thiếu đồng bộ, lạc hậu; cách thức truyền tải thông tin một chiều, thiếu tính tương tác, chưa thể hiện chiều tiếp nhận và trả lời thông tin phản ánh của người dân từ phía chính quyền; năng lực của đội ngũ làm công tác TTCS còn hạn chế. Từ những phân tích, đánh giá thực trạng TTCS nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại trong hoạt động TTCS và thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống TTCS đó, ngày 23-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 146/KH-UBND về phát triển TTCS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm khắc phục các hạn chế; cung cấp, trao đổi thông tin đến cơ sở theo hướng chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả hơn. Thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch 146, Sở Thông tin và Truyền thông (TT và TT) đã hướng dẫn các địa phương xây dựng chương trình thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương; tổ chức tập huấn ứng dụng CNTT viễn thông cho cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao các huyện, thành phố; nâng cao năng lực cho cán bộ TTCS, bồi dưỡng các kỹ năng biên soạn, biên tập tin, bài; sử dụng CNTT, công nghệ số để quản lý và vận hành thiết bị kỹ thuật, an toàn, an ninh thông tin. Sở phát huy vai trò kết nối với Bộ TT và TT, các doanh nghiệp viễn thông để hỗ trợ các địa phương đầu tư phát triển hạ tầng CNTT, nâng cao năng lực cán bộ vận hành hệ thống TTCS. Sau một năm tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống TTCS trên nền tảng ứng dụng CNTT; cả 10 huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch phát triển TTCS giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của địa phương mình cả về hạ tầng kỹ thuật và năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS. Các địa phương đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS; gắn thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa hệ thống TTCS với chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu. Tốc độ đầu tư hiện đại hóa hệ thống TTCS diễn ra nhanh, mạnh ở hầu hết các địa phương. Đến nay, 9 đài truyền thanh xã, phường, thị trấn đã ứng dụng CNTT viễn thông trong sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh với hàng trăm cụm thu - phát thông minh. Nhiều đài truyền thanh cấp xã sử dụng song song 2 hình thức truyền thanh thông minh (không dây) và truyền thanh có dây để đảm bảo phục vụ công tác TTCS được thông suốt cả khi đường truyền bị trục trặc. Việc sử dụng hệ thống CNTT viễn thông đã thay thế hoàn toàn nhiệm vụ cán bộ, nhân viên trực phát sóng hàng ngày; thuận tiện cho khâu quản lý khắc phục lỗi chương trình sau khi sản xuất; giảm thiểu chi phí do không phải đầu tư máy phát sóng, cột ăng ten, chi phí bảo dưỡng và tình trạng mất an toàn khi cột ăng ten xuống cấp theo thời gian. Người dân nếu có nhu cầu còn có thể nghe lại chương trình truyền thanh đã phát thông qua phần mềm cài đặt trên điện thoại thông minh có kết nối internet mọi lúc, mọi nơi. Tại huyện Giao Thủy đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho 4 hệ thống đài truyền thanh thông minh ở các thị trấn Ngô Đồng, Quất Lâm và các xã Giao Thiện, Giao Hà. Xã vùng chân sóng Giao Thiện thường xuyên bị ảnh hưởng bởi đặc thù khí hậu biển khiến hệ thống truyền thanh của xã bị xuống cấp nhanh, nghiêm trọng mặc dù liên tục được khắc phục. Năm 2022, xã đã đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh do MobiFone cung cấp tới từng thôn xóm trên địa bàn. 100% chương trình đã được cài đặt tự động lịch phát sóng các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định và chương trình phát thanh định kỳ của huyện theo đúng thời gian, đảm bảo chính xác lịch phát sóng với chất lượng âm thanh cao và ổn định. Các bản tin được thực hiện đều đặn, hiệu quả hơn, giúp nhân dân nắm bắt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời.

Cùng với sự đồng bộ, hiệu quả của hệ thống truyền thanh, 100% các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn duy trì Trang thông tin điện tử, đăng tải thông tin giới thiệu, các tin tức hoạt động của địa phương với nhiều phương tiện khác nhau. Đồng thời tiến hành lắp đặt, kết nối bảng tin điện tử công cộng để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân. Ứng dụng CNTT để đổi mới hoạt động TTCS đã phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước và chỉ đạo điều hành sản xuất ở địa phương. Đặc biệt trong điều kiện xảy ra dịch bệnh, thiên tai, hệ thống TTCS là phương tiện hữu hiệu nhất đưa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước đến với người dân để thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, từng bước nâng cao trình độ dân trí, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai lộ trình nhân rộng mô hình truyền thanh thông minh; chủ động bố trí ổn định nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ làm công tác TTCS. Sở TT và TT tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh, đảm bảo kết nối, liên thông với hệ thống thông tin nguồn của Trung ương; chia sẻ, truy xuất dữ liệu đến các hệ thống TTCS. Thiết lập ứng dụng trên thiết bị di động thông minh và sử dụng các loại hình thông tin mới hiện đại để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân. Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh tập trung thực hiện đầu tư, chuyển đổi từ 40-50% số đài truyền thanh không dây FM, đài có dây cấp xã sang đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông và đến năm 2030 chuyển đổi đạt 100%; thiết lập bảng tin điện tử công cộng cấp xã, cấp huyện để cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân; sử dụng các thiết bị kỹ thuật số, các phần mềm phân tích dữ liệu lớn (big data) kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tổng hợp, phân tích, chọn lọc thông tin, phục vụ sản xuất, quản lý chương trình phát thanh, lưu trữ và tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng nội dung tuyên truyền./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com