Kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023): Ký ức những ngày đàm phán tại Paris

08:27, 13/01/2023

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam. Đây là thành quả của một quá trình đàm phán kéo dài gần 5 năm với biết bao phiên họp chính thức và nhiều cuộc gặp gỡ bí mật. Chừng ấy năm, là biết bao kỷ niệm đối với những người trong cuộc, đặc biệt là các nhà báo - những người góp mặt tạo nên thắng lợi huy hoàng.

Đồng chí Xuân Thủy thăm Tổ Báo chí đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1968.
Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Đồng chí Xuân Thủy thăm Tổ Báo chí đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, năm 1968.

Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

1. “Nụ cười Xuân Thủy”!

Trong cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, nhà báo Xuân Thủy đã được Đảng, Chính phủ giao nhiều trọng trách, đặc biệt, trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao, ông được bạn bè quốc tế vinh danh là nhà ngoại giao “có nụ cười chiến thắng” với những cống hiến to lớn cho cuộc đàm phán tại Paris.

Trong cuốn hồi ký “Những ngày ở Paris”, nhớ về phiên họp đầu tiên với phái đoàn Mỹ, nhà báo Xuân Thủy có viết:

“...13-5-1968

Phiên họp đầu tiên với Mỹ...

Xuân Thủy đi đầu với Phương (phiên dịch), Bắc (bảo vệ). Các nhà báo đã chờ sẵn ở chân thang máy và cửa ngoài. Nhiều câu hỏi: “Xin ngài cho biết cảm tưởng trước phiên họp đầu tiên? Xin ngài cho biết ý nghĩ trước khi vào hội nghị. Ngài định nói gì trong phiên họp này?”. Xuân Thủy chỉ mỉm cười, cảm ơn. Chưa có gì để nói.

Ngoài đường, hai bên hè, quần chúng xúm đông vẫy tay.

Nơi họp, ở cạnh “Khải hoàn môn”, là một ngôi nhà cổ kính, nhiều tầng, mang tên “Trung tâm hội nghị quốc tế”. Thường những cuộc họp quốc tế mà Chính phủ Pháp đứng ra tổ chức một cách long trọng thì diễn ra ở đây.

Người hai bên đường đông nghịt, chờ xem phái đoàn. Tất cả sau hàng rào sắt trước lối đi vào cửa nhà hội nghị. Cảnh sát xếp thành hàng, đứng hai bên.

Một đại diện lễ tân Bộ Ngoại giao Pháp giới thiệu Harriman với Xuân Thủy. Harriman, 75 tuổi nhưng còn khỏe, tóc còn đen, hơi điểm bạc, gương mặt càu cạu. Harriman vừa bắt tay Xuân Thủy vừa nói: “Rất mừng lại được gặp ngài”. Vance cũng bắt tay Xuân Thủy một cách niềm nở. Mọi người cùng bắt tay nhau.

Vào họp lúc 10 giờ 30 mà gần 3 giờ chiều mới kết thúc...”.

2. Ấn tượng Nguyễn Thành Lê

Nhà báo Nguyễn Thành Lê bước vào nghề báo khá sớm, từ một phóng viên dịch thuê các bản tin của hãng ARIP (tiền thân của hãng AFP) vào đầu những năm 1940.  Sau Cách mạng Tháng Tám, Nguyễn Thành Lê đã trở thành một nhà lãnh đạo báo chí cách mạng. Ông từng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Báo Độc Lập, Chủ bút Báo Cứu Quốc, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập Báo Giải Phóng. Ngoài ra, ông còn là Tổng Thư ký đầu tiên của Hội những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam).

Tại Hội nghị Paris 1968-1973, ông là phát ngôn viên chính thức Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đấu trí với hàng trăm nhà báo nước ngoài - có người cố tình lạm dụng danh nghĩa báo chí làm công việc khiêu khích qua những câu hỏi hàm ý xấu nhưng nhà báo Nguyễn Thành Lê với thái độ từ tốn nhưng sắc sảo, làm sáng tỏ lập trường của đoàn ta, bác bỏ lập luận sai trái, khiến một số người có mưu đồ đen tối nhiều lần sượng mặt. Nguyễn Thành Lê luôn tỏ ra là người chủ động trong việc xử lý các câu hỏi của phóng viên quốc tế, và ông khéo léo dẫn chứng bằng những câu trả lời mang phong vị, đậm nét văn hóa dân gian của người Việt Nam, hài hước nhưng đầy tính mở. Chẳng hạn, khi được hỏi về diễn biến của các cuộc họp giữa hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ, biết là cuộc họp đang ở thế bế tắc nhưng ông không trực tiếp trả lời thẳng mà hài hước đọc những câu ca dao Việt Nam như: “Con kiến mà leo cành đa/ Leo phải cành cụt, leo ra leo vào” hay “Con kiến mà leo cành đào/ Leo phải cành cụt leo vào, leo ra”... Qua đó, khi hiểu thêm về ý nghĩa của những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam, các phóng viên phần nào sẽ biết được câu trả lời và rất thích thú vì họ được khám phá thêm về văn hóa Việt Nam thông qua những câu trả lời của vị phát ngôn có thân hình nhỏ bé, hàm răng hơi hô, trên tay thường cầm điếu thuốc đang cháy dở nhưng đôi mắt vô cùng tinh anh, ánh lên vẻ sắc sảo, nhưng không kém phần dí dỏm và khiêm nhường này.

Một cuộc sinh hoạt của phái Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam, năm 1969 (Trong ảnh: Nhà báo Hà Đăng đứng bên phải).
Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Một cuộc sinh hoạt của phái Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam, năm 1969 (Trong ảnh: Nhà báo Hà Đăng đứng bên phải).

Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam

3. Nhà báo Hà Đăng, Phái Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Nhà báo Hà Đăng trước khi sang đàm phán tại Paris giữ chức Phó Trưởng Ban miền Nam của Báo Nhân Dân, chuyên viết về chiến sự nên lúc đầu được cử theo đoàn sang đàm phán, ông không khỏi lo lắng cho nhiệm vụ mới của mình. Tuy nhiên, khi sang Paris, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mặc dù đặc thù công việc là viết về đàm phán không hề đơn giản. Ông cho biết:

“Tôi đi Paris từ 1968, ký kết xong đầu năm 1973 tôi mới quay về Việt Nam. Lúc đầu tôi cứ tưởng sang làm báo, sang đến nơi thì các anh nói tôi tham gia đoàn miền Nam với tư cách là chuyên viên. Công việc chủ yếu là biên tập những bài phát biểu chuẩn bị sẵn của Trưởng đoàn. Tôi còn tham gia tổ nghiên cứu về đấu pháp của Mặt trận, cùng với tổ nghiên cứu của miền Bắc. Hồi tôi mới sang, nguyên tắc đàm phán là đoàn miền Nam cũng như đoàn miền Bắc, văn bản là công trình tập thể chứ không phải của cá nhân ông trưởng đoàn. Người viết tài liệu căn cứ vào ý kiến chỉ đạo chung của lãnh đạo đoàn Mặt trận và của cả bên đoàn miền Bắc. Lúc đầu cách làm thế này, tôi là người dự thảo các bài phát biểu, đưa cho tập thể đoàn góp ý kiến, nếu thông qua xong là dự thảo 2, đưa dự thảo 2 cho các đồng chí lãnh đạo đoàn miền Nam xem. Nếu đồng ý xong thì hoàn chỉnh nó rồi gửi sang để đồng chí Xuân Thủy và Lê Đức Thọ duyệt”.

Nhà báo Hà Đăng cũng cho biết thêm, khi đi Paris làm phụ tá cho đồng chí Nguyễn Thị Bình, ông quyết định lấy tên Đặng Ninh Đăng để làm giấy tờ (ghép tên vợ là Ninh với tên mình) để đảm bảo yêu cầu bí mật và giữ an toàn cho người thân. Bởi vì, bọn địch biết danh sách những cán bộ trong đoàn đàm phán, chúng sẽ tra lai lịch người đó và đó hạch sách, gây áp lực. Riêng nhà báo Hà Đăng lấy tên mới là Đặng Ninh Đăng thì chúng không biết được bởi ông tên khai sinh là Đặng Ha, khi về Báo Nhân Dân mới đổi thành Hà Đăng.

4. Nhà báo Lý Văn Sáu - Người phát ngôn

Trong cuộc đấu tranh ngoại giao kéo dài 5 năm, điều quan trọng nhất là giữ được yếu tố bí mật. Paris lúc bấy giờ là tâm điểm của cuộc đàm phán. Với chừng đó thời gian, chúng ta giữ được bí mật về đường lối, chính sách, về chủ trương, lập trường, đó là một thành công rất lớn. Với tư cách là người phát ngôn của Phái Đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi nói về yếu tố bí mặt của cuộc đàm phán, nhà báo Lý Văn Sáu cho biết:

“Hội nghị Paris có hai hình thức họp, họp công khai 4 bên và họp riêng giữa đồng chí Xuân Thủy và Harriman, hay về sau là giữa Cố vấn Lê Đức Thọ, Trưởng đoàn Xuân Thủy và Kissinger. Nội dung những cuộc gặp riêng đó chỉ có người dự họp và phiên dịch biết, không ai bên ngoài được biết. Ngay cả những cuộc họp công khai cũng giữ bí mật đến cuối cùng. Ví dụ, những lúc chúng ta sắp đưa ra một lập trường thương lượng, bản thân tôi làm báo chí, cũng đến trước Hội nghị mới biết. Tôi là người sửa chữa góp ý cuối cùng, sau đó bài phát biểu được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi cũng là người duyệt cuối cùng. Việc phổ biến những chủ trương lớn, ở nhà cho người qua nói miệng chứ không được đem giấy tờ gì cả. Tại Paris, mỗi đoàn có một phòng hội nghị, có một nguyên tắc là không trao đổi với nhau. Phòng họp của từng đoàn thiết kế rất đặc biệt, làm tường hai lớp, có một loạt loa phóng thanh ở xung quanh. Ta vào trong, đóng cửa lại rồi phát nhạc. Trong này mình nói chuyện với nhau, bên ngoài chỉ nghe thấy nhạc. Cũng chỉ người nào có trách nhiệm mới vào, bàn việc gì thì người liên quan việc đó vào”.

Hay khi trả lời họp báo, cũng là những kỷ niệm đáng nhớ của nhà báo Lý Văn Sáu. Ông nói tiếng Pháp rất giỏi nhưng không khi nào nói tiếng Pháp khi ra họp, ông luôn nói tiếng Việt để người khác dịch. Ông nhớ mãi, trong một lần trả lời phỏng vấn của một nhà báo Mỹ, anh ta đưa ra một bức ảnh bản đồ nước Việt Nam, và nói: “Các ông là Việt cộng, các ông vỗ ngực giải phóng 2/3 miền Nam Việt Nam, ông chỉ cho tôi xem vùng giải phóng của ông ở đâu”. Đó là câu hỏi rất hiểm và nếu không trả lời thận trọng sẽ không khác nào “lạy ông tôi ở bụi này” bởi vùng giải phóng của ta đang bị địch tấn công dữ dội. Ý thức được điều đó, nhà báo Lý Văn Sáu đã dõng dạc trả lời: “Ông về hỏi Bộ Tư lệnh Mỹ, ngày hôm nay ném bom ở đâu, nơi bị ném bom là vùng giải phóng của chúng tôi”. Câu trả lời tình huống đầy sự khôn khéo, trí tuệ của ông được cả phòng họp vỗ tay.

Thắng lợi trong cuộc đàm phán ngoại giao tại Paris là chiến thắng vẻ vang của một nền ngoại giao non trẻ nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, trong đó vai trò của báo chí là yếu tố rất quan trọng góp phần tạo nên thành công của cuộc đàm phán và những nhà báo của chúng ta đã mang theo hành trang văn hóa và sự trí tuệ, kiên cường của dân tộc Việt Nam anh hùng đến với bạn bè thế giới./.

Nguyễn Ba

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com