Đồng chí Trường Chinh với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân (kỳ 2)

08:10, 24/11/2022

Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo
(Tiếp theo)

Để quân đội giữ được tính chất và có tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần quốc tế vô sản chân chính, có tinh thần xung phong chiến đấu và dũng cảm hy sinh vì quyền lợi tối cao của dân tộc, có ý thức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân vô điều kiện, có kỷ luật tự giác, luôn tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân và biết tuyên truyền để làm tan rã tinh thần quân địch thì phải tiến hành tốt công tác chính trị trong quân đội và đặt công tác chính trị trong quân đội có tính chất quyết định đối với xây dựng lực lượng cũng như đối với tác chiến. Theo đó, phải củng cố lập trường tư tưởng và đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội; xây dựng tư tưởng chiến lược và chiến thuật đúng đắn cho quân đội; coi trọng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ cho quân đội; cán bộ quân đội phải tích cực nghiên cứu các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin và những di cảo về quân sự mà tổ tiên ta đã để lại. Đồng thời, chú trọng nêu cao gương sáng của những anh hùng dân tộc trong lịch sử và anh hùng, liệt sĩ thời nay; giáo dục một cách có hệ thống về chính trị, văn hóa và quân sự, nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ; củng cố đoàn kết nội bộ đế cán - binh nhất trí; chăm lo xây dựng mối quan hệ quân - dân nhất trí, dựa vào nhân dân để thắng địch và làm cho nhân dân nhận rõ nhiệm vụ của mình là ra sức ủng hộ quân đội về mọi mặt theo đúng chính sách của Đảng và Chính phủ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quân đội địch.

Đồng chí Trường Chinh thăm căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị, tháng 1-1974.

Đồng chí Trường Chinh thăm căn cứ Dốc Miếu, Quảng Trị, tháng 1-1974.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh đến nghệ thuật quân sự, chỉ rõ phương châm đánh địch: phương châm chiến lược là đánh lâu dài nhưng phương châm chiến dịch và chiến thuật phải giải quyết mau; "trong các chiến dịch và chiến đấu, phải tìm chỗ yếu của địch mà đánh, phải tích cực tiến công để tiêu diệt địch". Đặc biệt, về cách đánh của từng trận chiến đấu (được đồng chí gọi là "phép đánh"), đồng chí chỉ rõ phải "năng dùng du kích chiến và vận động chiến" hoặc dùng "du kích vận động chiến", trong đó du kích chiến là lối đánh phổ biến nhất, là lối đánh chính, đồng thời kết hợp với lối đánh phụ là trận địa chiến; khi trình độ bộ đội được nâng cao và vũ khí, trang bị hiện đại hơn thì dùng vận động chiến; đến bước tổng phản công thì trận đại chiến chiếm ưu thế.

Không chỉ trong kháng chiến chống thực dân Pháp mà sau này, trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Trường Chinh đã căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của quân đội, nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin để cùng Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục cụ thể hóa thành đường lối, phương châm, nguyên tắc, lý luận xây dựng lực lượng vũ trang, quân đội, góp phần đưa hai cuộc kháng chiến thần thánh chống xâm lược của dân tộc ta đến toàn thắng.

Nếu coi sự kiện Hội nghị Trung ương 8, năm 1941 là sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lần thứ nhất để tạo bước ngặt cách mạng, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi thì cũng có thể coi Đại hội Đảng lần thứ VI là cuộc chuyển hướng chỉ đạo chiến lược lần thứ hai để tạo bước ngoặt đưa cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phát triển. Cả hai lần chuyển hướng chỉ đạo chiến lược này đều gắn với tên tuổi đồng chí Trường Chinh trong cương vị Tổng Bí thư của Đảng ta. Đặc biệt, với trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng đất nước (từ năm 1981) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (từ tháng 7-1986), trên cơ sở nhận rõ được xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, với tâm và tầm của mình, đồng chí Trường Chinh đã có những đóng góp to lớn vào quá trình tìm tòi đường lối đổi mới, tiến hành đổi mới từng phần tiến tới đổi mới toàn diện, đồng bộ, triệt để đất nước, trong đó có đổi mới xây dựng lực lượng vũ trang. Nhờ đó, công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội lần thứ VI ngày ấy đến nay đã giành được những thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử; bộ mặt đất nước có sự thay đổi cơ bản và toàn diện; vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng nâng cao, sức mạnh tổng hợp của quốc gia không ngừng tăng lên, tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Trong bài phát biểu tại Đại hội Đảng bộ quân đội lần thứ IV diễn ra từ ngày 13 đến ngày 18-10-1986 về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội, đồng chí nhấn mạnh, các lực lượng vũ trang nhân dân phải "luôn luôn kết hợp chặt chẽ xây dựng đất nước với bảo vệ Tổ quốc", "thấu suốt quan điểm chiến tranh nhân dân và quốc phòng toàn dân", "chăm lo xây dựng hậu phương", "chăm lo xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, xây dựng khoa học và nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam". Đồng chí chỉ rõ, quân đội cần đóng góp ý kiến nhằm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của Đảng và nêu cao tự phê bình và phê bình của cơ quan, đơn vị, cá nhân để tìm mọi biện pháp khắc phục những sai lầm, khuyết điểm; giữ vững truyền thống đoàn kết, nhất trí của quân đội, đoàn kết chung quanh Đảng, tuyệt đối phục tùng sự lãnh đạo của Đảng; phát huy đồng bộ các mặt công tác chính trị và tư tưởng, tổ chức, chính sách; nâng cao trình độ quản lý, chỉ huy; giữ vững và phát huy bản chất cách mạng và truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”; thi hành kỷ luật thật nghiêm minh; phấn đấu rèn luyện không ngừng; chăm lo củng cố quốc phòng và nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng; làm tốt nhiệm vụ dân tộc và nghĩa vụ quốc tế. Đây được coi là những chỉ dẫn mở đầu cho quá trình đổi mới quân sự, quốc phòng và lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồng chí Trường Chinh đã đi xa nhưng những chỉ dẫn, quan điểm của đồng chí về lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân vẫn mãi là đường hướng góp phần xây dựng dân quân, tự vệ, bộ đội địa phương vững mạnh, xây dựng quân đội nhân dân "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và ngày càng hiện đại"./.



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com