Hiếu tử, trung thần

09:02, 06/02/2015

Vương Tôn được bổ làm Thứ sử châu Ích.

Quan Thứ sử trước ở đây là Vương Dương, lúc đi kinh lược trong hàng châu, qua một đường núi rất cheo leo, than rằng:

- Thân ta là thân của cha mẹ ta. Ta nỡ nào xông pha vào những nơi nguy hiểm này.

Bèn quay lại, không đi rồi cáo bệnh về nhà.

Lúc Vương Tôn đến thay Vương Dương, đi tuần phòng, cũng phải qua con đường ấy, hỏi nha lại rằng:
- Có phải con đường này là con đường quan Thứ sử trước sợ không dám đi không?

Nha lại thưa:
- Phải.

Vương Tôn bảo xe cứ đi và nói rằng:
- Vương Dương trước là người hiếu tử, Vương Tôn đây là người trung thần.

Hán Thư Vương Tôn Truyện

Lời bàn: Đối với gia tộc, Hiếu là trọng; đối với quốc gia, Trung là quý. Người ta ở đời, đáng lẽ ai cũng phải cố giữ cho trọn cả Trung lẫn Hiếu. Nhưng khốn nỗi, có lắm cảnh ngộ khiến người ta khó mà giữ cho cả Trung lẫn Hiếu được lưỡng toàn; được Hiếu thì mất Trung, được Trung thì mất Hiếu.

Kể như bài này, Vương Dương vì gia tộc mà giữ thân cũng là phải, nhưng so với Vương Tôn thì Vương Tôn phải hơn. Vì cứ theo cái chủ nghĩa “ở đời thân ta không phải của riêng ta, lúc nhỏ là thân của cha mẹ, lúc lớn là thân của quốc gia, lúc già là thân của thiên hạ, hậu thế trông mong vào đấy” thì lúc ta đã ra làm việc nước, chính là lúc thân ta thuộc về quốc gia, ta há lại còn tiếc mà không làm cho trọn vẹn nghĩa vụ của ta đối với quốc gia hay sao! Đã đem hết thân phụng sự Tổ quốc, thì Tổ quốc phải để trên hết, chính thế cũng là hiếu lắm, vì cha mẹ ta cũng kỳ vọng cho ta phải thế kia mà./.

Theo Cổ học tinh hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com