May - rủi mua hàng khuyến mại

07:01, 04/01/2014

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng để thúc đẩy sức mua, đặc biệt là các dịp lễ, tết, các doanh nghiệp và nhà phân phối sản phẩm thường đưa ra nhiều chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như: công tác quản lý thị trường, ý thức kinh doanh, nhiều nhà sản xuất, kinh doanh đã lạm dụng “biến tướng” mục đích của việc bán hàng khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng cận date (hạn sử dụng) vào tiêu thụ.

Vừa thấy tôi, chị hàng xóm đã hồ hởi khệ nệ bưng giỏ hàng khuyến mại ra khoe. Nào là mua bột giặt được tặng chậu nhựa, mua sữa Milo được tặng thêm bình uống nước, mua nước mắm được tặng thêm bát, đĩa thủy tinh và không quên đưa cho tôi xem danh mục hàng giảm giá, khuyến mại được in rõ ràng trên ca-ta-lô và nhắc tôi đi mua kẻo hết. Nhẩm tính nhanh giỏ hàng của chị hàng xóm mang sang thì sản phẩm khuyến mại chiếm quá 30% giá trị hóa đơn thanh toán. Tuy nhiên, khi xem kỹ hóa đơn từng món hàng mới thấy hầu hết các sản phẩm đều tính cao hơn so với sản phẩm cùng loại ngoài thị trường. Như vậy, dù người mua được khuyến mại tặng thêm 1 sản phẩm nữa thì tổng chi phí cũng không giảm; người bán không phải chi phí cho món hàng tặng khách mà vẫn đạt được mục đích tiêu thụ sản phẩm và thu hồi vốn nhanh. Các sản phẩm đều đã sắp hết hạn nên phải sử dụng gấp, nếu không cũng phải đổ bỏ. Sản phẩm khuyến mại là những mặt hàng bán chậm, đã tới hạn. Như vậy người bán đồng thời tiêu thụ được các loại hàng hoá đã nhập. Để che mắt người tiêu dùng, các đơn vị phân phối đã dính phần in hạn sử dụng hoặc tên cơ sở, đơn vị sản xuất áp vào sản phẩm khác hoặc dùng băng keo in lô-gô khuyến mại che đi. Do đó, dù muốn kiểm tra xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa trước lúc mua, người tiêu dùng cũng khó nhận biết… Cùng với cách thức bán kèm sản phẩm, nhiều hình thức khuyến mại khác được các đơn vị phân phối hàng hóa đưa ra như tặng thẻ tiết kiệm, tích lũy điểm mua hàng, cào trúng thưởng, đổi vỏ hộp, vỏ lon sản phẩm lấy quà, ghép hình, ghép chữ trúng thưởng…

Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng có khuyến mại.
Người tiêu dùng lựa chọn mua hàng có khuyến mại.

Nhằm tăng sức hấp dẫn của hàng khuyến mại, các nhà sản xuất thường sử dụng những món quà đắt tiền, có giá trị, chiêu thức mua hàng càng nhiều thì quà tặng càng lớn, thậm chí còn có “thông tin mật” từ phía nhân viên bán hàng là sản phẩm sắp tăng giá đồng loạt để kích thích tâm lý mua “chạy giá” của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cách thức này không hướng đến bản chất của khuyến mại là giới thiệu sản phẩm, đẩy nhanh lượng tiêu thụ hàng hóa, quảng bá thương hiệu, hỗ trợ khách hàng… mà khiến người tiêu dùng ngày càng cảnh giác hơn với hàng khuyến mại. Khi được hỏi về các chương trình khuyến mại, chị Trần Thị Hà, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Văn Cao (TP Nam Định) cho biết: “Hầu hết các đại lý được hưởng chiết khấu lớn từ doanh số bán hàng nên nhiều quà tặng đại lý tự ý đưa ra để “câu” khách mặc dù có giá trị nhưng không nhiều so với số tiền chênh lệch họ được hưởng. Bên cạnh đó việc kiểm chứng những sản phẩm khuyến mại có thực sự đến được tay người tiêu dùng hay không vẫn chưa được các nhà sản xuất có chương trình khuyến mại kiểm chứng nên nhiều người bán hàng đã quy sản phẩm đó thành tiền rồi bán để hưởng lợi nhuận…”. Đây chỉ là những “tiểu xảo” trong cách bán hàng khuyến mại của các đơn vị phân phối lớn trên địa bàn. Điều đáng lo ngại hơn là việc bán hàng khuyến mại bị một số đối tượng lợi dụng lấy danh nghĩa của các Cty, doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu mạnh (mũ bảo hiểm ASIA, bếp ga Rinnai, võng xếp Duy Lợi, đồ gia dụng Căng-gu-ru, bóng đèn, phích nước Rạng Đông, đồ nhôm Hải Phòng…) mang sản phẩm giả đến giao bán ở khu vực nông thôn để thu lợi bất chính, gây thiệt hại đáng kể cho người tiêu dùng.

Trước thực trạng này, lực lượng chức năng đã tập trung kiểm tra cơ sở trưng biển bán hàng khuyến mại. Qua kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã yêu cầu dừng bán hàng, tịch thu hàng hóa được các đơn vị, cơ sở quảng cáo bán hàng khuyến mại mà không có giấy phép của cơ quan chức năng, quảng cáo sai sự thật so với thực tế sản phẩm. Từ tháng 5-2013 đến nay, tại các huyện, thành phố, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh của các cửa hàng bán hàng trợ giá mũ bảo hiểm cho người tiêu dùng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện hầu hết các điểm đổi mũ bảo hiểm trợ giá đều giả danh của Ban ATGT quốc gia và tỉnh mở tại địa phương để cung ứng tới người tiêu dùng mũ bảo hiểm đạt chuẩn hoặc bán quá số lượng nhãn hiệu, kiểu dáng mũ được cấp phép. Bên cạnh đó, giá bán của mỗi chiếc mũ đều cao hơn so với giá thực. Lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng bán hàng và tịch thu sản phẩm ngoài danh mục, xử lý theo quy định của pháp luật.

Để không bị sa bẫy vào chiêu bài khuyến mại, người tiêu dùng cần trang bị cho mình kỹ năng mua sắm, kiểm tra thông tin khuyến mại chính xác qua các kênh thông tin, đồng thời trực tiếp đánh giá cân nhắc về chất lượng sản phẩm trước khi quyết định mua một món hàng khuyến mại. Bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng trong việc cấp phép cho mở điểm bán hàng khuyến mại, giá trị khuyến mại và thời hạn khuyến mại để tạo lập lòng tin của người tiêu dùng đối với kênh tiếp thị mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm quan trọng này./.

Bài và ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com