Sản xuất CN-TTCN ở Nam Trực phát triển ổn định

08:07, 09/07/2010

Cty TNHH cơ khí Tiến Đạt, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tạo việc làm, thu nhập cho 30 lao động.
Cty TNHH cơ khí Tiến Đạt, thị trấn Nam Giang (Nam Trực) tạo việc làm, thu nhập cho 30 lao động.
6 tháng đầu năm 2010, giá trị sản xuất CN-TTCN huyện Nam Trực ước đạt 428 tỷ đồng, tăng 12,8% so cùng kỳ. Các doanh nghiệp, hộ sản xuất được tạo điều kiện xúc tiến thương mại, tiếp cận khai thác, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Cấp uỷ, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tìm hiểu KHCN. Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất khai thác huy động mọi nguồn vốn để đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, thiết bị. 6 tháng đầu năm, từ nguồn kinh phí khuyến công, đã hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 300 lao động nông thôn được học các nghề dệt khăn, may công nghiệp, thêu ren... Vì vậy, tất cả các ngành sản xuất mũi nhọn như cơ khí, dệt may, sản xuất VLXD đều có sự tăng trưởng ổn định.

Cơ khí là ngành công nghiệp thế mạnh của huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, ước đạt giá trị gần 259 tỷ đồng, chiếm 60,5% giá trị toàn ngành, tăng 14,8% so cùng kỳ. Các mặt hàng cơ khí truyền thống như phụ tùng xe đạp, xe máy, cán rút thép, phụ tùng cho ngành điện lực, đường sắt... sản xuất ổn định. Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đều mở rộng thị trường, mở rộng ngành nghề sản xuất như Cty TNHH Việt Thắng, Cty TNHH cơ khí Hà Ninh, Cty TNHH Hương Phẩm; các hộ sản xuất ở làng nghề Đồng Côi, Vân Chàng (thị trấn Nam Giang), Bình Yên (Nam Thanh). Các doanh nghiệp, các hộ sản xuất đã chủ động và tận dụng thời gian có điện để sản xuất nên vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh thu của Cty TNHH cơ khí Tiến Đạt, Cty cơ khí Quang Báo, cơ khí Hà Ninh đều tăng so cùng kỳ; đặc biệt Cty TNHH Việt Thắng doanh thu 6 tháng ước đạt 18 tỷ đồng. Các năm 2008, 2009, Cty cổ phần tàu thuỷ Huyền Trang gặp khó khăn về thị trường, sản phẩm tiêu thụ chậm. 6 tháng đầu năm nay, Cty đang đóng một tàu 3200 tấn và 2 tàu 900 tấn trị giá khoảng 40 tỷ đồng cho khách hàng. Cụm công nghiệp Vân Chàng thu hút, tạo việc làm cho 500 lao động. CCN Đồng Côi đang xây dựng cơ sở hạ tầng và đã có 27 nhà đầu tư xin vào CCN.

Ngành hàng dệt may của huyện ước đạt giá trị gần 81 tỷ đồng, chiếm 18,9% tổng giá trị sản xuất và tăng 11,7% so cùng kỳ. Ngành dệt may với thế mạnh là dệt khăn xuất khẩu tạo việc làm cho nhiều lao động ở các xã Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Lợi, Tân Thịnh, Nam Thắng… có thu nhập từ 900 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/tháng. HTX dệt Tiến Sơn, Cty cổ phần dệt may Liên Tỉnh, nhà máy may xuất khẩu Longyu - Việt Nam là những đơn vị có nhiều cố gắng trong tìm việc làm, sản xuất kinh doanh ổn định.

Ngành sản xuất VLXD ước đạt gần 45 tỷ đồng, chiếm 10,4% giá trị. Nam Trực có nhiều vùng bãi bồi ven sông được phù sa bồi lắng rất thuận lợi cho việc sản xuất gạch, ngói. Các dây chuyền sản xuất gạch tuynel của Cty cổ phần gạch ngói Nam Ninh, Cty cổ phần gạch ngói Nam An, Cty cổ phần vật liệu Châu Thành không ngừng đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất tạo ra sản phẩm có chất lượng cao không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã xuất ra các tỉnh trong khu vực. Ngành sản xuất VLXD bảo đảm việc làm cho 2000-3000 lao động. Các lò gạch truyền thống đã chú ý đến công tác bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên đất…

6 tháng cuối năm, huyện Nam Trực tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ hàng hoá, phấn đấu giá trị sản xuất CN-TTCN cả năm đạt 920 tỷ đồng./.

Bài và ảnh: Trần Hữu Quyết

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com