Quản lý chặt chẽ việc sản xuất và cung ứng ngư lưới cụ đúng tiêu chuẩn

06:01, 26/01/2018

Là địa phương có nghề khai thác thủy, hải sản phát triển mạnh quanh năm nên nhu cầu về ngư lưới cụ của ngư dân tỉnh ta rất lớn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ phát triển ngày càng nhiều ở cả 3 huyện ven biển: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng.

Cơ sở sản xuất ngư lưới cụ của anh Trần Phương Dương, xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu).
Cơ sở sản xuất ngư lưới cụ của anh Trần Phương Dương, xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu).

Thời gian qua, nghề đi biển khai thác thủy hải sản tỉnh ta đã có những tàu to, máy lớn vươn khơi khai thác những đối tượng hải sản có giá trị kinh tế cao, hiệu quả sản xuất được nâng lên. Nhưng bên cạnh đó, còn những nỗi lo bởi nhiều ngư dân vì lợi ích kinh tế trước mắt vẫn khai thác thủy sản bằng các ngư cụ mang tính hủy diệt gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái cũng như nguồn lợi thủy sản. Đối với khai thác thủy sản ven bờ, nhiều người dân đã dùng mọi biện pháp để tăng sản lượng khai thác sau mỗi chuyến đi biển như giảm kích thước mắt lưới, tăng cường độ khai thác hoặc dùng xung điện đánh bắt theo kiểu tận diệt… Để từng bước hạn chế tình trạng sử dụng các loại ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản thì việc quản lý, củng cố các cơ sở sản xuất ngư cụ là vô cùng cần thiết bảo đảm cung ứng cho thị trường các sản phẩm ngư cụ đúng quy định, góp phần hạn chế vi phạm trong khai thác thủy, hải sản. Quán triệt chủ trương đó các cơ quan chức năng đã nâng cao trách nhiệm, tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ, chỉ cấp phép hoạt động kinh doanh, cung ứng vật tư cho các cơ sở có cửa hàng, biển hiệu, địa chỉ rõ ràng; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại ngư lưới cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đã công bố, thực hiện ghi nhãn hàng hóa đúng quy định của pháp luật, hàng hoá không thuộc danh mục những loại ngư lưới cụ bị cấm sử dụng do Bộ NN và PTNT quy định hoặc quy định bổ sung của UBND tỉnh như: không sản xuất, kinh doanh ngư lưới cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định; không sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, kíp nổ, dây cháy chậm, công cụ kích điện hoặc tạo xung điện… Khi phát hiện các cơ sở sản xuất ngư cụ mang tính hủy diệt như lưới quét, giã cào… các cơ quan chức năng đều tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời. Hiện toàn tỉnh có gần 20 cơ sở kinh doanh ngư lưới cụ có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do các cơ quan có thẩm quyền cấp. Cơ sở của anh Trần Phương Dương ở xóm Tân Minh, xã Hải Triều (Hải Hậu) nơi có nghề truyền thống làm lưới chấp. Các sản phẩm lưới của cơ sở anh Dương nói riêng và của xóm Tân Minh nói chung là những sản phẩm đã có “thương hiệu”, được thị trường tin cậy vì là những sản phẩm đảm bảo chất lượng và đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật. Cơ sở tạo việc làm cho 10 lao động. Anh Dương cho biết: “Gia đình tôi làm nghề đan lưới và cũng là những người trực tiếp vươn khơi xa, lao động trên biển nên chúng tôi đan lưới bằng cái tâm của người làm nghề. Mọi công đoạn đều được làm tỉ mỉ, cẩn thận để khai thác đảm bảo hiệu quả và không gây hại cho nguồn lợi thủy sản”. Hay làng nghề kéo sợi PE và dệt lưới cước Minh Châu, Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) chuyên sản xuất ngư cụ phục vụ cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân. Làng nghề có gần 200 hộ làm nghề sản xuất lưới cước. Nghề đã hình thành từ lâu đời nhưng người dân không ngừng học hỏi sáng tạo để cải tiến sản phẩm với nhiều loại, mẫu mã đa dạng, sao cho phù hợp với điều kiện đánh bắt của ngư dân, sợi lưới cứng, chắc chắn, đảm bảo không để cá lọt ra ngoài trong quá trình khai thác. Đồng chí Lê Mạnh Đương, Chủ tịch UBND Thị trấn Thịnh Long cho biết: “Thịnh Long là địa phương có thế mạnh về khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, sản phẩm lưới cước do người dân địa phương sản xuất cũng là sản phẩm truyền thống lâu năm, tạo được uy tín đối với ngư dân không chỉ ở địa phương mà còn ở nhiều tỉnh lân cận”.

Để củng cố và phát triển các cơ sở sản xuất ngư cụ cũng như để nâng cao hiệu quả khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân nâng cao ý thức, chủ động chọn mua các loại ngư lưới cụ phù hợp. Đồng thời tăng cường phối hợp với ngành liên quan, các địa phương ven biển nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh, cung ứng ngư lưới cụ không đảm bảo tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT còn chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, khuyến cáo ngư dân lựa chọn, sử dụng các loại ngư lưới cụ đảm bảo chất lượng yêu cầu để khai thác có hiệu quả và giảm thiểu tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản, gây thiệt hại cho hệ sinh thái tự nhiên. Việc quản lý, củng cố, phát triển các cơ sở sản xuất ngư cụ có ý nghĩa lớn trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi sinh, môi trường biển, giúp cho ngư dân khai thác thủy, hải sản bền vững và hiệu quả, đảm bảo sinh kế lâu dài của chính người dân./.

Bài và ảnh: Thanh Hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com