Giúp thanh niên sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

07:04, 27/04/2017

Những năm qua, Tỉnh Đoàn Nam Định đã tích cực, chủ động thực hiện tốt công tác ủy thác nguồn vốn tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH tỉnh, tạo điều kiện cho nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có thêm nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên khá giả.

Để tìm hiểu về việc sử dụng nguồn vốn vay chính sách của các ĐVTN tại địa phương, chúng tôi đã được anh Vũ Đình Thi, Bí thư Đoàn xã Phương Định (Trực Ninh) đưa đến gia đình đoàn viên Vũ Quang Vinh ở thôn Cự Trữ. Mặc dù nơi đây có nghề dệt truyền thống khá phát triển nhưng Vinh lại chọn cho mình hướng đi khác là nghề mộc. Trong khu nhà xưởng rộng gần 200m2, không khí làm việc khá nghiêm túc và khẩn trương, với các loại máy phay, máy bào, máy đục… đang được 4 người thợ vận hành một cách thành thục để gia công các loại bàn, ghế, tủ phục vụ nhu cầu trang trí nội thất của khách hàng. Trao đổi với chúng tôi, Vinh cho biết: Đồng hành với quá trình “lập thân, lập nghiệp” của mình luôn có nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh. Từ cách đây 6 năm, khi mới chập chững bước vào nghề mộc, được sự hỗ trợ tổ tiết kiệm và vay vốn thôn cùng Đoàn Thanh niên xã, Vinh đã được Ngân hàng CSXH cho vay 20, rồi 30, 40 triệu đồng theo chương trình giải quyết việc làm để cùng với nguồn vốn của gia đình đầu tư mua các loại máy, gỗ nguyên liệu phục vụ làm nghề. Với bản chất cần cù, chịu khó và sáng tạo của mình, Vinh đã nhanh chóng chiếm được niềm tin của khách hàng ở trong và ngoài xã bằng chất lượng, mẫu mã các loại sản phẩm luôn phong phú, đa dạng. Giờ đây theo yêu cầu của khách hàng, các loại giường, tủ, bàn, ghế hay cánh cửa, cầu thang, đồ gỗ nội thất đều được Vinh và đội ngũ thợ của mình thi công một cách thành thục, nhanh chóng, bảo đảm chất lượng và kỹ, mỹ thuật, với giá cả phải chăng nên đã thường xuyên nhận được nhiều đơn hàng có giá trị từ 200 đến 350 triệu đồng. Nhờ đó đến nay Vinh và các anh em thợ làm không hết việc, trung bình mỗi tháng doanh thu của xưởng đạt từ 35-40 triệu đồng, ngày công của thợ bình quân 250 nghìn đồng/ngày. Làm ăn hiệu quả nên việc trả tiền gốc, tiền lãi và thực hiện việc gửi tiết kiệm theo quy định của Ngân hàng CSXH được Vinh thực hiện nghiêm túc…

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, đoàn viên Vũ Quang Vinh ở thôn Cự Trữ, xã Phương Định đã có vốn đầu tư phát triển nghề mộc, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Trực Ninh, đoàn viên Vũ Quang Vinh ở thôn Cự Trữ, xã Phương Định đã có vốn đầu tư phát triển nghề mộc, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Không chỉ anh Vũ Quang Vinh mà hiện nay hàng nghìn thanh niên ở các địa phương trong tỉnh đang được nguồn vốn tín dụng chính sách đồng hành trong quá trình lập nghiệp. Đồng chí Triệu Văn Thái, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: Những năm qua, cùng với vận động ĐVTN phát huy tinh thần xung kích trong các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Tỉnh Đoàn đã làm tốt công tác ủy thác quản lý vốn cho vay từ Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện thuận lợi cho các ĐVTN có vốn đầu tư làm ăn, từng bước vươn lên khá giả. Được Ngân hàng CSXH tỉnh ủy thác cho vay, Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trực thuộc xây dựng và ký kết chương trình thỏa thuận với Ngân hàng CSXH các huyện, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, ĐVTN có nhu cầu vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với khả năng cũng như điều kiện thực tế ở các địa phương. Tính đến hết tháng 3-2017, tổng dư nợ ủy thác vốn vay thông qua Đoàn Thanh niên tỉnh quản lý là gần 133 tỷ đồng với 185 tổ và 5.519 hộ vay. Nguồn vốn cho vay đã giúp cho nhiều ĐVTN nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt, phát triển ngành nghề; nhiều hộ nghèo từ làm ăn nhỏ lẻ đã phát triển trở thành các trang trại có quy mô, sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa, thu hút và tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động, qua đó không chỉ xóa nghèo cho mình mà còn hỗ trợ, giúp đỡ nhiều hộ khác thoát nghèo bền vững. Để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Tỉnh Đoàn đã chủ động phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh chỉ đạo các cấp bộ Đoàn ở các địa phương phân công cán bộ thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ số hộ vay; chú trọng phối hợp với các cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH cùng các tổ tiết kiệm và vay vốn thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay bảo đảm đúng mục đích. Huyện Đoàn Vụ Bản là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt công tác ủy thác vốn vay của Ngân hàng CSXH. Anh Trần Thanh Hà, Bí thư Huyện Đoàn Vụ Bản khẳng định: Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện thực sự là kênh tín dụng quan trọng giúp ĐVTN huyện có thêm nguồn lực để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống gia đình. Đã có nhiều mô hình kinh tế làm ăn hiệu quả và đang được Huyện Đoàn tổ chức cho ĐVTN ở các xã, thị trấn học hỏi và nhân rộng. Tiêu biểu là mô hình kinh tế trang trại của đoàn viên Phùng Trung Dũng ở thôn Định Trạch, xã Liên Bảo. Được Ngân hàng CSXH huyện Vụ Bản cho vay 100 triệu đồng, Dũng đã đầu tư xây dựng chuồng nuôi 20 con lợn nái ngoại, 100 con lợn thịt và các loại gia cầm. Mạnh dạn đầu tư nên đến nay trang trại mang lại nguồn thu ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm… Hay như ĐVTN Phạm Văn Phong ở Thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu), ban đầu lập nghiệp với chỉ 50 triệu đồng được vay từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hậu, đến nay anh đã thành lập được Cty TNHH Quý Thịnh hoạt động khá hiệu quả. Cty chuyên chế biến sứa với các sản phẩm chính là sứa ăn liền và sứa muối mặn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm doanh thu Cty đạt khoảng 5 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 9 lao động thường xuyên và 60 lao động thời vụ… Không chỉ giúp các ĐVTN vươn lên khá giả mà thông qua hoạt động ủy thác vốn vay, đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp cũng có điều kiện nắm bắt sâu sát tâm tư, nguyện vọng của các ĐVTN ở cơ sở. Đồng thời Tỉnh Đoàn còn phối hợp với các hội, đoàn thể, các ban, ngành tổ chức hỗ trợ, tập huấn cho ĐVTN về nhu cầu nghề nghiệp việc làm, chuyển giao khoa học công nghệ kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế, tạo sự gắn kết giữa ĐVTN với tổ chức Đoàn.

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn chương trình này, thời gian tới Tỉnh Đoàn sẽ phối hợp với Ngân hàng CSXH tỉnh tổ chức các lớp đào tạo nghề, các hội thảo, hoạt động tham quan học tập các mô hình kinh tế điển hình ở trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, biểu dương, giới thiệu các gương người tốt, việc tốt… giúp các ĐVTN có thêm kinh nghiệm thực tiễn để áp dụng, làm theo. Chú ý tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay tín dụng chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả ở các địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com