Hiệu quả mô hình tổ hợp tác trồng hoa cây cảnh ở Nam Phong

07:04, 22/04/2017
Cuối năm 2015, thực hiện sự chỉ đạo của HND tỉnh về việc mỗi cơ sở Hội xây dựng ít nhất một mô hình kinh tế tập thể, HND xã Nam Phong đã thành lập mô hình tổ hợp tác (THT) trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến và xây dựng trở thành điểm sáng về mô hình kinh tế tập thể của xã Nam Phong và Thành phố Nam Định. 
Mô hình trồng hoa của gia đình anh Trần Viết Duy, thành viên tổ hợp tác trồng hoa cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong với giống hoa hồng cổ có giá trị 2-3 triệu đồng/gốc.
Mô hình trồng hoa của gia đình anh Trần Viết Duy, thành viên tổ hợp tác trồng hoa cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong với giống hoa hồng cổ có giá trị 2-3 triệu đồng/gốc.
Theo đó, được sự hướng dẫn, tuyên truyền, vận động của HND xã Nam Phong, THT trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến được thành lập và đi vào hoạt động có 16 thành viên tham gia với mục đích tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Với đặc điểm là xã ngoại thành ở phía nam Thành phố Nam Định, Nam Phong từ lâu đã nổi tiếng với nhiều làng nghề phát triển mạnh mẽ như: làng quất Vạn Diệp, làng hoa Phù Long..., tuy nhiên, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Để THT hoạt động hiệu quả, các thành viên trong THT đã xây dựng quy chế hoạt động, hợp đồng hợp tác, quy định mức đóng góp cho mỗi thành viên. Tổ hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên trong tổ được trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nhau về giống, vốn, đầu ra cho sản phẩm. Đồng thời, HND xã đã xây dựng dự án “Trồng hoa cây cảnh” và được HND tỉnh phê duyệt cho vay với tổng số vốn 500 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Nguồn vốn đã giúp các thành viên trong tổ đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đầu ra dần được ổn định, đời sống các thành viên được nâng lên rõ rệt. Bên cạnh đó, HND xã còn đóng vai trò kết nối các thành viên trong tổ với các chuyên gia chuyển giao khoa học kỹ thuật, cập nhật tài liệu, kiến thức kỹ thuật canh tác mới cho tất cả các thành viên trong tổ. Từ đó, các thành viên trong tổ đã bổ khuyết cho nhau, cùng nhau phát triển kinh tế với tinh thần hợp tác cùng có lợi. Từ 16 hộ sản xuất cá thể, phân tán sau khi tham gia THT đã hình thành một vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung có diện tích hơn 2,5ha, giải quyết việc làm cho 41 lao động nông thôn, với doanh thu 1,8 tỷ đồng/năm; lợi nhuận đạt 1,3 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như mô hình sản xuất và tiêu thụ giống hoa của anh Trần Đình Hiếu. Trao đổi với chúng tôi, anh Hiếu cho biết, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về quê để phát triển kinh tế, anh đã tập trung phát triển nghề truyền thống của địa phương là trồng hoa, cây cảnh. Tháng 11-2015, anh và 16 thành viên đã được HND tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, quyền và lợi ích của việc tham gia THT, anh đã mạnh dạn tham gia và được các thành viên bầu làm tổ phó THT. Hiện, diện tích các hộ bình quân trồng từ  8 sào đến 1 mẫu hoa các loại như hoa cúc, hoa ly, lay ơn… Riêng gia đình anh trồng 1 mẫu hoa và 6 sào cây cảnh (sanh, si) ở giáp vùng bãi sông Đào. Với các loại hoa chủ yếu là hoa cúc và hoa vàng anh tiêu thụ ở thị trường Nam Định và các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình… Bên cạnh việc sản xuất, anh còn liên kết với các đầu mối ở địa phương khác để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên THT. Giá trị sản phẩm tiêu thụ hằng năm của gia đình anh cùng với thành viên THT lên đến 5 tỷ đồng, nhờ đó mà thương hiệu “cây hoa giống làng Mỹ Tiến” đã dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và vươn ra các tỉnh bạn như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... Ngoài ra anh Hiếu còn hỗ trợ các thành viên trong tổ về giống, vật tư cũng như trao đổi kinh nghiệm làm vườn, kỹ thuật ươm giống và trồng các loại hoa. Gia đình anh Trần Viết Duy, một thành viên của THT trồng hoa cây cảnh Mỹ Tiến có hơn 1 mẫu vườn chủ yếu là hoa cúc, hoa hồng cổ. Trước khi tham gia THT, sản phẩm hoa, cây cảnh của anh tiêu thụ chủ yếu ở địa phương. Sản xuất ra sản phẩm đã khó nhưng đến khâu tiêu thụ sản phẩm còn khó hơn vì phụ thuộc rất nhiều vào tư thương. Từ khi tham gia THT trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến, sản phẩm của gia đình anh có đầu ra ổn định, thu nhập đạt cao hơn. Riêng năm 2016 vừa qua, doanh thu từ hoa, cây cảnh của gia đình anh Duy đạt trên 300 triệu đồng, trừ chi phí giống vốn anh cũng có lãi trên 180 triệu đồng.
 
Từ thực tế cho thấy, việc chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tập thể như mô hình kinh tế THT trồng hoa, cây cảnh Mỹ Tiến là sự thay đổi tư duy đúng hướng về nhận thức và phương pháp quản lý trong sản xuất kinh doanh, vì vậy mô hình rất cần được nhân rộng và phát triển./.
 
Bài và ảnh: Hoàng Tuấn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com