Ý Yên phát huy hiệu quả ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp

08:10, 10/10/2016
Với mục tiêu tăng nhanh hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, thay thế dần phương thức sản xuất truyền thống sang ứng dụng tiến bộ kỹ thuật (TBKT), từng bước tiến tới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, huyện Ý Yên đã tập trung thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó tập trung vào 3 mũi nhọn là: tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng TBKT vào sản xuất; xây dựng các mô hình trình diễn và đầu tư, khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả ra sản xuất đại trà.
Kỹ thuật trồng lạc che phủ ni-lông ở huyện Ý Yên.
Kỹ thuật trồng lạc che phủ ni-lông ở huyện Ý Yên.
Để sẵn sàng ứng dụng TBKT vào sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho các đơn vị đề xuất nghiên cứu, thử nghiệm các kỹ thuật mới, UBND huyện  Ý Yên đã giao cho Trạm Khuyến nông chủ trì, phối hợp với Phòng NN và PTNT, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV), HND, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, UBND các xã, thị trấn, các HTXDVNN trong toàn huyện cùng hướng dẫn người dân đưa KHKT vào sản xuất theo chức năng nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng giống cây trồng, vật nuôi, chế phẩm sinh học, thuốc BVTV, tổ chức các chương trình giới thiệu giúp bà con nông dân tiếp cận, lựa chọn TBKT mới. Đồng thời vận động nhân dân tích cực hưởng ứng, nhân rộng các mô hình ứng dụng hiệu quả. Với cách làm đó, trung bình mỗi năm, huyện Ý Yên tổ chức đưa TBKT tới hàng nghìn lượt nông dân; xây dựng khoảng 20 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất. Từ đầu năm 2016 đến nay, huyện Ý Yên đã tổ chức được 50 lớp tập huấn, thu hút khoảng 3.600 người tham gia tìm hiểu về kỹ thuật về gieo sạ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh; canh tác lúa hiệu quả, bền vững và giảm phát thải khí nhà kính. Phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh tập huấn về nuôi trồng thủy sản tại các xã Yên Chính, Yên Phương; nâng cao kỹ năng khi sản xuất lúa cánh đồng mẫu lớn cho người dân thôn Thống Nhất và Phong Xuyên của xã Yên Quang. Đồng thời tổ chức hội thảo đầu bờ đối với những mô hình khuyến nghị nhân rộng ra sản xuất đại trà và bổ sung giống lúa mới vào cơ cấu giống của huyện. Nhiều mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: Sử dụng phân bón viên nén nhả chậm NPK 16:5:12 trên cây lúa tại xã Yên Khánh; sản xuất khoai tây giống chất lượng cao tại xã Yên Cường, Yên Đồng; sản xuất lúa chét vụ hè thu, không cấy lúa vụ mùa để dành thời gian làm vụ đông sớm... Trong đó, mô hình “Ứng dụng công nghệ cấy lúa theo phương pháp mới kết hợp hiệu ứng hàng biên” do Trạm Khuyến nông huyện tổ chức thí điểm tại xã Yên Phú đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Trên cơ sở nguyên tắc chung, các cán bộ Trạm Khuyến nông đã nghiên cứu, lựa chọn kỹ thuật, tỷ lệ khoảng cách cấy hàng rộng - hàng hẹp cho phù hợp nhất với điều kiện, tập quán canh tác của người dân địa phương. Theo đó lúa được cấy theo hướng đông tây. Trong đó lúa thuần áp dụng công thức cấy cứ hai hàng hẹp cách nhau khoảng 15cm (khóm cách khóm 15cm) thì lại cấy một hàng sông rộng cách nhau 38-40cm. Tương ứng với đó, lúa thuần cấy 18-20 khóm/m 2, lúa lai cấy 15-16 khóm/m 2 và áp dụng cho cả hai vụ trong năm. Cách làm này sẽ phát huy được hiệu ứng hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa vừa đẻ sớm, đẻ khoẻ lại vừa ít sâu bệnh. Phương pháp này khác xa so với phương pháp truyền thống hiện nay đang áp dụng là cấy dày tới 40-50 khóm/m 2. Toàn bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất công nghệ cấy lúa hàng biên được cán bộ khuyến nông hướng dẫn các hộ dân thực hành trên diện tích 0,5ha với các giống lúa Bắc thơm số 7, Khang dân 18. Ngay vụ đầu thu hoạch, kết quả đã rất khả quan, năng suất lúa đã tăng 10% so với cách cấy lúa truyền thống; công cấy lúa, chăm bón và sâu bệnh giảm đáng kể (khoảng 70 nghìn đồng/sào). Bên cạnh đó, do cây lúa sinh trưởng phát triển nhanh nên trỗ tập trung, rút ngắn thời gian đứng chân trên ruộng, tạo điều kiện giải phóng đồng ruộng đưa cây vụ đông xuống chân ruộng 2 lúa. Điều đặc biệt quan trọng là từ việc ứng dụng mô hình hiệu ứng hàng biên trong vụ lúa xuân, người dân của xã Yên Phú và nhân dân các xã khác trong huyện đến tham quan mô hình đều nhận ra hạn chế của cách cấy lúa truyền thống và đề xuất với các phòng chức năng của huyện hỗ trợ nhân rộng mô hình với nhiều giống lúa và địa hình khác nhau để đánh giá thực tế, khuyến cáo nhân dân áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất đại trà. Cùng với thành công của mô hình cấy lúa hàng biên, các cán bộ kỹ thuật và người dân huyện Ý Yên còn thành công ở các mô hình ứng dụng các loại phân bón thế hệ mới vào trồng trọt; đưa giống cây, con mới vào sản xuất; sử dụng chế phẩm sinh học làm sạch môi trường trong ao nuôi thủy sản…  Đồng thời tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân nhân rộng những mô hình đã được đánh giá hiệu quả như: Canh tác lúa - cá kết hợp; xử lý môi trường chăn nuôi theo phương pháp làm đệm lót sinh học, sản xuất lúa tái sinh…
 
Tích cực ứng dụng TBKT trong sản xuất nông nghiệp, nên tốc độ tăng trưởng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Ý Yên những năm vừa qua bình quân đạt 3,5%/năm; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác đạt trên 100 triệu đồng/năm. Sản xuất nông sản hàng hóa đã trở thành thế mạnh của địa phương với nhiều sản phẩm làm nguyên liệu xuất khẩu như: lạc, ngô ngọt, hành lá, dưa chuột bao tử, ớt… Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng TBKT bám sát nội dung Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các vấn đề trọng điểm của ngành Nông nghiệp. Trong đó tập trung nghiên cứu lựa chọn những TBKT mới liên quan đến những lĩnh vực có nhiều diễn biến phức tạp trong sản xuất nông nghiệp hiện nay như: Phòng chống và khắc phục thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, liên kết sản xuất để giảm thiểu chi phí, hạ giá thành sản phẩm, xúc tiến tiêu thụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hương


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com