Đẩy mạnh hoạt động khuyến công tạo động lực cho phát triển công nghiệp địa phương

08:06, 06/06/2016

Năm 2015 có 20 chương trình, đề án khuyến công được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện với tổng số tiền là 4,34 tỷ đồng đã phát huy hiệu quả tích cực đối với phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn, nhất là trong tư duy kinh tế, khởi nghiệp của người dân.

Sản phẩm máy trộn đảo bê tông của Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy).
Sản phẩm máy trộn đảo bê tông của Cty TNHH Cơ khí Quyết Tiến, xã Giao Tiến (Giao Thủy).

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2015, để các chương trình, dự án khuyến công năm 2016 được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh thực sự hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN nông thôn phát triển sản xuất, ngay từ đầu năm 2016 Sở Công thương đã phối hợp với UBND các huyện, Thành phố Nam Định nghiên cứu, đề xuất các biện pháp đổi mới phương thức thực hiện và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) phối hợp với Phòng Công thương, Phòng Kinh tế các huyện và Thành phố Nam Định triển khai rà soát, xây dựng kế hoạch và phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn thực hiện có hiệu quả các đề án dạy nghề cho lao động nông thôn; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức… Theo Quyết định số 35/2015/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp kinh tế đối với hoạt động khuyến công tỉnh Nam Định ngày 26-10-2015 của UBND tỉnh, mức hỗ trợ tối đa cho các chương trình, đề án khuyến công nâng từ 250 triệu đồng/mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới lên mức 400 triệu đồng/mô hình. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng quyết định hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đây là một quyết định thể hiện mạnh mẽ quyết tâm thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh. Qua thực tiễn khuyến công các năm trước cho thấy mức hỗ trợ thấp so với tổng mức đầu tư dự án nên giảm tính khích lệ doanh nghiệp, người sản xuất. Sự “linh hoạt” này thực sự tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp nông thôn. Mục tiêu các chương trình, đề án khuyến công năm 2016 là tập trung hỗ trợ từ 7-8 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới (mức hỗ trợ từ 300-400 triệu đồng/mô hình), 5-6 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất (mức hỗ trợ từ 170-200 triệu đồng/đề án); tổ chức từ 4-5 lớp tập huấn cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn và tham gia hội chợ thương mại khu vực phía Bắc (tháng 10-2016 tại tỉnh Ninh Bình) với tổng kinh phí 200 triệu đồng; hỗ trợ xử lý nước thải tại các CCN làng nghề trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Thực hiện chỉ đạo của Sở Công thương, Trung tâm Khuyến công và Phát triển Công nghiệp đã phối hợp với Phòng Công thương các huyện: Xuân Trường, Giao Thủy, Nam Trực để rà soát, lựa chọn được 2 mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; 2 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất đáp ứng các tiêu chí đề nghị UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ trợ 1 tỷ 187 triệu đồng. Các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới được đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ mức 400 triệu đồng/mô hình là: sản xuất cửa ca-bin tàu thủy của Cty TNHH Việt Tiến (Xuân Trường); kỹ thuật sản xuất tôn ép xốp chất lượng cao của Cty CP Vật tư kim khí Tùng Nam (Giao Thủy); 2 đề án ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất là: sản xuất viên nang mềm của Cty TNHH Dược phẩm Hoàng Liên (TP Nam Định) mức hỗ trợ 200 triệu đồng và ứng dụng công nghệ mới trong đúc phôi thép của Cty CP Xuất nhập khẩu Huyền Trang (CCN Đồng Côi, Nam Trực) mức hỗ trợ 187 triệu đồng. 

Thời gian tới, nền kinh tế trong nước nói chung và trong tỉnh nói riêng sẽ chịu tác động mạnh mẽ rõ nét hơn từ việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực như: việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN; tham gia các Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với phạm vi cam kết rộng, mức độ tự do hóa rất sâu, phần lớn các dòng thuế sẽ được giảm xuống còn 0-5%, với những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản… vừa mang lại cơ hội, nhưng cũng là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp. Với mức hỗ trợ được nâng lên, hình thức hỗ trợ linh hoạt của các dự án, chương trình khuyến công đã giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất có điều kiện đầu tư đổi mới nâng cao công nghệ, hoàn thiện hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất, là nền tảng để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; tổ chức hội nghị trình diễn kỹ thuật sản xuất các sản phẩm mới đảm bảo các yếu tố: thiết thực, đảm bảo chất lượng, được thị trường chấp nhận và tiêu thụ tốt. Ngoài tác dụng kích cầu, động viên các doanh nghiệp, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn là động lực thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đầu tư thiết bị, dây chuyền, đổi mới công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, tạo thêm việc làm mới và thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Phấn đấu đạt các chỉ tiêu ở mức cao nhất: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 13-14%/năm, năm 2020 đạt khoảng 72.460 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với năm 2015. Giá trị hàng xuất khẩu đạt 1,8-2 tỷ USD. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng trong giá trị tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đạt 47% vào năm 2020./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com