Nghĩa Hưng phát triển công nghiệp chế biến

07:04, 14/04/2016
Huyện Nghĩa Hưng được bao bọc bởi sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy, phía nam giáp biển với trên 12km bờ biển. Đó là những điều kiện tự nhiên thuận lợi để huyện phát triển kinh tế nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản… tạo nguồn nguyên liệu nông, thủy sản dồi dào cho ngành công nghiệp chế biến. 
Sản xuất miến dong, miến gạo tại làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm.
Sản xuất miến dong, miến gạo tại làng nghề chế biến lương thực - thực phẩm xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm.
Công nghiệp chế biến hiện nay của huyện Nghĩa Hưng phát triển đa dạng các lĩnh vực như: chế biến thủy, hải sản; thức ăn chăn nuôi; sản xuất và chế biến muối; chế biến gỗ; chế biến lương thực, thực phẩm… Đến nay, toàn huyện đã có gần 30 doanh nghiệp, hàng trăm cơ sở sản xuất quy mô gia đình, nhóm hộ tham gia chế biến nông, lâm, thủy sản… đang hoạt động hiệu quả. Quý I-2016, nhóm ngành công nghiệp chế biến của huyện vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với các sản phẩm chủ yếu như: nước mắm các loại đạt 1,083 triệu lít; chế biến hải sản đạt trên 663 tấn; chế biến lương thực, thực phẩm đạt trên 26 nghìn tấn thóc, gạo và 265 tấn bánh đa, miến dong, miến gạo, bún khô; gỗ xẻ các loại đạt trên 13 nghìn m 3; mộc gia dụng xấp xỉ 35 nghìn sản phẩm (bàn, ghế, giường, tủ)… Ngành công nghiệp chế biến của huyện đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở các địa phương. Nghề chế biến thủy, hải sản phát triển mạnh ở các xã: Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải, Nghĩa Bình và Thị trấn Rạng Đông… Xã Nghĩa Hải hiện có trên 200 tàu thuyền công suất từ 18-90CV thường xuyên bám biển khai thác; mỗi năm sản lượng thủy, hải sản của xã đạt hàng nghìn tấn. Ngoài đánh bắt, xã còn quy hoạch vùng nuôi thủy sản mặn lợ rộng trên 300ha với các loại con nuôi có giá trị kinh tế cao là: tôm, cua biển, cá song, cá bống bớp… làm nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu; quy hoạch vùng đất bãi ven sông Ninh Cơ thuộc xóm Ngọc Lâm thành bến cá, nơi các cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm trực tiếp thu mua nguyên liệu từ các tàu, thuyền khai thác thuỷ, hải sản và tổ chức sản xuất. Hiện nay tại làng Ngọc Lâm có trên 30 cơ sở chế biến thủy, hải sản, trong đó 10 cơ sở sản xuất nước mắm, mắm tôm đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm bảo đảm ATVSTP. Hộ các ông: Lại Văn Quang, Nguyễn Ngọc Doanh, Lại Văn Quân, Trần Văn Phú, Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Vĩnh… mỗi năm sản xuất gần 100 tấn mắm tôm, hàng nghìn lít nước mắm được tiêu thụ mạnh ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Xã Nghĩa Thắng có 10 cơ sở chuyên sản xuất nước mắm, mắm tôm, chế biến bột cá phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Cùng với nghề chế biến thủy, hải sản, nghề chế biến lương thực, thực phẩm ở Nghĩa Hưng cũng phát triển mạnh. Ngoài làng nghề chế biến miến dong, miến gạo ở xóm 13, 14 xã Nghĩa Lâm, toàn huyện còn có gần 30 hộ chuyên sản xuất các loại bún khô, bánh phở khô và hàng chục dây chuyền xay xát, chế biến gạo. Xã Nghĩa Lâm hiện có gần 40 hộ tham gia. Trong năm 2015, các hộ đã sản xuất được gần 700 tấn sản phẩm miến gạo, miến dong, trị giá sản phẩm đạt trên 15,6 tỷ đồng. Trong số 16 hộ sản xuất miến dong đã có gần chục hộ đầu tư dàn máy công suất tối đa 1 tấn/ngày để mở rộng sản xuất. Anh Trần Văn Bân ở xóm 13 với kinh nghiệm trên 20 năm làm miến dong và là hộ đầu tư dàn máy sớm nhất cho biết: Mỗi ngày, cơ sở của anh sản xuất được từ 5-7 tạ miến dong, những tháng sát Tết máy chạy tối đa công suất được trên 1 tấn/ngày cung cấp sản phẩm cho thị trường. Những ngày bình thường, ngoài 2 lao động của gia đình, anh phải thuê thêm 5-6 lao động phụ việc, dịp Tết phải tăng thêm 4-5 người mới kịp sản xuất. Cty TNHH Thương mại Đương Báu, xã Nghĩa Sơn có dây chuyền xay xát hiện đại với năng lực sản xuất 20-22 tấn thóc/ngày, hệ thống kho chứa 700 tấn. Sản phẩm gạo thương phẩm của Cty luôn bảo đảm trắng và đồng nhất, tỷ lệ gạo nguyên hạt cao, chất lượng bề mặt hạt gạo tốt, tỷ lệ gạo/thóc đạt 65%, tỷ lệ tấm dưới 3% và 3 đầu xe tải để vận chuyển hàng. Nhờ đó, Cty đã trở thành đối tác của nhiều doanh nghiệp lớn như Cty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Cty CP Bia NaDa… và cung ứng nguyên liệu cho hàng trăm hộ làm miến gạo, bún khô, bánh phở khô trên địa bàn huyện. Cty tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động địa phương, doanh thu bình quân đạt từ 10-15 tỷ đồng/năm. Trong lĩnh vực sản xuất và chế biến gỗ, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ của huyện cũng phát triển mạnh. Tại các xã: Nghĩa Sơn, Nghĩa Minh, Nghĩa Bình, Nghĩa Lạc, Nghĩa Thái… đã có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến đồ gỗ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Chế biến gỗ là nghề truyền thống của xã Nghĩa Lạc. Từ năm 2011 đến nay, nghề mộc đã có những bước phát triển mới, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, mở rộng nhà xưởng tăng quy mô sản xuất với quy mô từ 3-5 lao động/cơ sở. Trong đó, một số hộ tiêu biểu như các ông: Lưu Văn Nhật, xóm Đồng Tâm; Phạm Văn Đẳng, xóm Nguyên Lực; Hoàng Văn Toàn, xóm Đồng Thành… thường xuyên có từ 7-10 lao động tham gia. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN, xây dựng của xã ước đạt 145 tỷ đồng, tỷ trọng ngành sản xuất CN-TTCN, thương mại, dịch vụ chiếm trên 60% cơ cấu kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 22,3 triệu đồng/người/năm. Tại xã Nghĩa Thái, nghề mộc dân dụng cũng phát triển với gần chục cơ sở, quy mô từ 3-10 lao động/cơ sở. Tiêu biểu là cơ sở của ông Đàm Văn Khiêm, đội 16. Cuối năm 2014, được sự tạo điều kiện về mặt bằng của xã, ông Khiêm đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng gần 1.000m 2 nhà xưởng và đầu tư hệ thống máy móc chuyên dụng như: cẩu tự hành (công suất 5 tấn), máy cưa CD và các loại máy phay, bào, đục vương, đánh chỉ, bóc huỳnh… chuyên nhận phục dựng nhà cổ, sản xuất nội thất cho các công trình xây dựng (sàn, trần, cầu thang, cửa, bàn ghế…). Cơ sở của ông Khiêm hiện thu hút trên 10 lao động thường xuyên với bình quân thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng; mỗi tháng tiêu thụ từ 15-17m 3 gỗ nguyên liệu. 
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp chế biến của huyện Nghĩa Hưng vẫn còn một số hạn chế như: nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, chưa có doanh nghiệp lớn đầu tư vào những lĩnh vực huyện có tiềm năng thế mạnh, công nghệ sản xuất còn chưa đồng bộ nên khối lượng, chất lượng sản phẩm hàng hóa chưa có tính cạnh tranh cao, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh trên thị trường. Hầu hết các sản phẩm nông sản đều ở mức chế biến thô, nhất là các loại thủy, hải sản nên chưa nâng cao được giá trị kinh tế. Thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện về thủ tục, cơ chế để thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, thu hút và tạo việc làm cho người lao động… đưa ngành công nghiệp chế biến của huyện phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt trên 1.209,3 tỷ đồng./.
 
Bài và ảnh: Thành Trung


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com