Kiên quyết xử lý việc dựng rạp lấn chiếm lòng đường

04:06, 07/06/2019

Từ nhiều năm qua, tình trạng những hộ dân sinh sống dọc hai bên các tuyến đường dựng rạp dưới lòng đường để tổ chức đám hiếu, hỉ, tiệc liên hoan của khu dân cư... diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương. Nhiều đoạn vỉa hè, thậm chí cả lòng đường trước cửa nhà bị chiếm dụng làm chỗ để xe máy, dừng đỗ ô tô tràn lan. Tình trạng này gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao, hậu quả không thể lường hết.

Dựng rạp tổ chức đám cưới chiếm dụng trái phép lòng đường trên tuyến Quốc lộ 38B đoạn qua xã Cộng Hòa (Vụ Bản).
Dựng rạp tổ chức đám cưới chiếm dụng trái phép lòng đường trên tuyến Quốc lộ 38B đoạn qua xã Cộng Hòa (Vụ Bản).

Từ khi giao thông nông thôn được cải tạo, nâng cấp đã mang lại diện mạo khang trang và sự tiện lợi trong đời sống sinh hoạt ở nhiều khu dân cư. Tuy nhiên, sự lỏng lẻo và lúng túng trong quản lý trật tự giao thông, đô thị đã dẫn đến tình trạng các hộ dân, khu dân cư ven đường lạm dụng vỉa hè, lòng đường vào các mục đích phi giao thông, dựng rạp tổ chức các việc hiếu, hỉ và các hoạt động cộng đồng (liên hoan, sinh nhật...). Anh Phạm Hùng Kiền, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu), người có công việc thường xuyên phải di chuyển trên các tuyến đường trong tỉnh cho biết: “Tôi thường xuyên gặp tình trạng dựng rạp chiếm dụng lòng đường, có hôm trên cùng một tuyến đường gặp 2-3 đám. Rạp được dựng bằng khung cứng rồi quây vải ren, trang trí rườm rà đủ thứ hoa, đèn nháy, cộng với đó là hệ thống âm thanh loa đài mở rất to. Nhiều đám dựng rạp dài đến hơn 20m, rộng từ 2-3m gần hết làn đường, người đi xe bắt buộc phải lấn sang làn đường ngược chiều rất nguy hiểm. Khổ nhất là gặp phải rạp ở những khúc cua, khuất tầm nhìn khiến lái xe vừa phải xử lý gấp vừa lo va chạm với xe ngược chiều. Mặc dù đã giảm tốc độ tối đa nhưng có lần vẫn xảy ra va quệt với xe ngược chiều hoặc người, phương tiện từ trong rạp đi ra”. Không chỉ người đi đường lo lắng, bản thân nhiều khách mời cũng không khỏi nơm nớp lo sợ khi ngồi trong rạp mà các phương tiện cơ giới đi sát bên ngoài. Việc dựng rạp trên lòng đường không chỉ gây mất mĩ quan, cản trở giao thông mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, là nguyên nhân gây mâu thuẫn dẫn đến các va chạm xã hội đáng tiếc. Mặc dù đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện và các ngành chức năng tuyên truyền, chấn chỉnh nhiều nhưng tình trạng trên vẫn phổ biến trên các tuyến đường ở nhiều địa phương. Nguyên nhân là do thói quen tâm lý của người dân sinh sống dọc hai bên đường với suy nghĩ việc hỉ thì “trăm năm mới có một lần”, thêm nữa điều kiện kinh tế gia đình có hạn, không thể thuê mượn địa điểm tổ chức sự kiện chuyên nghiệp; việc hiếu thì do “tang gia bối rối” và thời gian “lợi dụng” mặt đường cũng không kéo dài; đối với cơ quan quản lý, nhất là cán bộ cơ sở còn thiếu kiên quyết... nên công tác chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tại các hội nghị đánh giá về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của tỉnh, đại diện các địa phương từng nêu khó khăn trong việc xử lý triệt để tình trạng dựng rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, kể cả trường hợp có hộ dân khi tổ chức sự kiện có đến UBND xã, thị trấn xin phép và dù không được chấp thuận thì cũng vẫn làm; chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng thường rất khó khăn trong việc xử lý vì tư duy “trăm cái lý không bằng tí cái tình” khi nhà dân đang có việc, “người làng, người xã thân quen cả”. Luật Giao thông đường bộ quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông; nghiêm cấm việc sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép. Các trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị xử lý theo Khoản 4, Điều 12, Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: hành vi dựng rạp trái phép trong phạm vi dành cho đường bộ sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức. Trong trường hợp việc dựng rạp trái phép trên hè phố, lòng đường được xác định là nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông, tùy theo tính chất, mức độ của vụ việc, cá nhân thực hiện vi phạm có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 261, Bộ luật Hình sự.

Để kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, tháng 4-2019, Ban An toàn giao thông tỉnh đã có văn bản yêu cầu Ban An toàn giao thông các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng: Công an tỉnh, Thanh tra Giao thông; Công ty quản lý đường; Phòng Công thương các huyện thực hiện ngay một số biện pháp cấp bách để ngăn chặn tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để tổ chức các hoạt động không vào mục đích giao thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để nhân dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ; tổ chức cho các hộ dân sống hai bên đường ký cam kết không vi phạm; khi công dân đến đăng ký kết hôn hoặc báo tử cần phối hợp nhắc nhở, yêu cầu ký cam kết không lấn chiếm lòng đường để dựng rạp. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng các hộ dân trên địa bàn dựng rạp lấn chiếm lòng đường để tổ chức việc hiếu, hỉ. Tạo dư luận rộng rãi không đồng tình và lên án hành vi vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; nêu gương các tổ chức, cá nhân chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông; yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Các đơn vị quản lý đường bộ tăng cường tuần kiểm, lập biên bản vi phạm, báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để xử lý các trường hợp vi phạm. Công an tỉnh, Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng chức năng (Cảnh sát giao thông; Thanh tra Giao thông) phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện, xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Để hạn chế, chấn chỉnh tình trạng mất an toàn giao thông do dựng rạp lấn chiếm trái phép lòng đường… ngoài việc tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho nhân dân nói chung; nghiêm túc thực hiện việc xử phạt đối với các trường hợp cố tình lấn chiếm nói riêng… còn cần những giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn. Đồng chí Nguyễn Minh Thụy, Chánh Thanh tra Sở Giao thông Vận tải cho rằng: việc ngặn chặn tình trạng dựng rạp lấn chiếm lòng đường ngoài nỗ lực của các lực lượng chức năng còn cần sự vào cuộc quyết liệt hơn của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Bên cạnh việc yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm khi có việc hiếu, hỉ; chính quyền địa phương phải huy động sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể như: Mặt trận Tổ quốc, Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Cựu chiến binh... vận động trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên nêu gương nghiêm túc chấp hành (không vi phạm và không tham gia các sự kiện dựng rạp vi phạm của các hộ khác). Nghiên cứu cơ chế sử dụng hệ thống nhà văn hóa, các khu đất trống cho hộ dân mượn địa điểm dựng rạp tổ chức sự kiện, vừa văn minh lịch sự, vừa bảo đảm an toàn, phòng tránh được những tai nạn đáng tiếc xảy ra./.

Bài và ảnh: Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com