Quản lý phương tiện cơ giới cần các biện pháp đồng bộ

10:09, 17/09/2010

Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký phương tiện, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt (Công an tỉnh) cải cách thủ tục hành chính trong đăng ký phương tiện, tạo thuận lợi cho nhân dân.
Khi lực lượng CSGT triển khai thực hiện xử phạt vi phạm giao thông qua kết quả chụp ảnh (còn gọi là "phạt nguội"), khó khăn nảy sinh là việc xác minh đối tượng vi phạm để xử lý. Việc xác định chủ phương tiện vi phạm căn cứ theo biển kiểm soát nhưng trên thực tế xe đã được bán cho người khác. Có những trường hợp xe đã bán qua 3-4 chủ nhưng không ai làm thủ tục sang tên. Trong 10 trường hợp vi phạm do CSGT thành phố ghi hình, qua xác minh chỉ còn 5 phương tiện chính chủ, các trường hợp còn lại đều ở địa bàn khác, phương tiện đã được chuyển qua nhiều chủ. Đây là một thực trạng gây khó khăn kéo dài trong nhiều trường hợp giải quyết các vụ tai nạn giao thông do mất thời gian xác minh chủ phương tiện. Tình trạng mua bán phương tiện không sang tên đổi chủ, nhất là loại phương tiện mô tô, xe máy hiện nay khá phổ biến. Có nhiều nguyên nhân cả từ công tác quản lý, sự thiếu đồng bộ, lỏng lẻo trong quy định pháp luật… Luật Giao thông đường bộ quy định rõ, khi mua bán, chuyển nhượng phương tiện, chủ phương tiện phải làm thủ tục sang tên, đổi chủ cho người sở hữu mới. Nghị định 34 của Chính phủ cũng quy định rõ chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không sang tên đổi chủ, tuy nhiên cơ chế ràng buộc để các chủ phương tiện phải chấp hành quy định không rõ ràng nên trên thực tế phần lớn các chủ phương tiện không sang tên đổi chủ để trốn thuế. Qua công tác kiểm tra, kiểm soát trên đường, trong trường hợp phát hiện vi phạm, người điều khiển có thể lấy lý do là mượn phương tiện. Mặt khác, hồ sơ đăng ký phương tiện hiện nay lưu địa chỉ chủ phương tiện theo giấy chứng minh nhân dân, thời gian sử dụng chứng minh nhân dân có thể kéo dài hàng chục năm, nhưng công dân đã chuyển đổi chỗ ở, địa chỉ nhiều lần. Những lý do nêu trên đã dẫn đến người dân "nhờn" luật, không tự giác chấp hành quy định về sang tên đổi chủ khi chuyển nhượng phương tiện, gây khó khăn cho công tác quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Tốc độ gia tăng phương tiện cơ giới, đặc biệt là xe máy ngày càng nhiều, là phương tiện đi lại chủ yếu. Tình trạng phức tạp về TTATGT, gia tăng tai nạn giao thông liên quan đến mô tô, xe máy hiện nay chiếm đa số. Do vậy việc tăng cường quản lý phương tiện cơ giới, trong đó có nội dung quản lý đăng ký phương tiện chính chủ là một yêu cầu quan trọng cần được quan tâm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân, chống thất thu ngân sách. Để thực hiện mục tiêu này, cần tăng cường tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của nhân dân về quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sở hữu phương tiện, bắt buộc phải sang tên đổi chủ khi thay đổi. Mặt khác cần bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật nhằm tăng tính ràng buộc truy cứu trách nhiệm liên đới và xử phạt nặng các trường hợp cố tình không sang tên đổi chủ khi bị phát hiện nhằm tăng hiệu lực răn đe của pháp luật. Ngành thuế nghiên cứu quy định mức thuế trước bạ phù hợp mang tính khuyến khích khi làm thủ tục sang tên đổi chủ, để người có phương tiện tự giác thực hiện, không tìm cách trốn thuế./.

Bài và ảnh: Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com