Trên mặt trận mới

06:04, 28/04/2017

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình, xóm 15 xã Hải Đường và nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Trí Dũng, Thị trấn Yên Định (Hải Hậu) là những cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, làm vườn. Họ là hai thế hệ: Người trực tiếp cầm súng, đánh giặc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người thuộc lớp sinh ra sau chiến tranh. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, họ vượt lên khó khăn, vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Chàng trai nhiễm chất độc da cam làm giàu từ trồng lan

Nhắc đến các loại phong lan hay địa lan quý hiếm trên đất Hải Hậu, ai cũng nể phục anh Nguyễn Trí Dũng ở khu 2 - Thị trấn Yên Định. Biệt danh và cũng là “thương hiệu” Lan “Dũng Gù” đã nổi tiếng khắp trong huyện.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà 2 tầng khang trang tại Khu 2 Thị trấn Yên Định, Dũng chia sẻ cơ duyên đến với nghề trồng lan, đó là cả quá trình đầy gian nan, trở ngại. Sinh năm 1978, sau khi tốt nghiệp Khoa công nghệ môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Dũng vào Nam lập nghiệp. Song, di chứng chất độc da cam từ bố là cựu chiến binh, thương binh hạng 3/4 Nguyễn Ngọc Đáng, khiến sức khỏe anh giảm sút. Di chứng của chất độc da cam để lại trên lưng, ban đầu anh cũng mặc cảm. Nhưng với suy nghĩ mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người, có kiến thức và lòng quyết tâm anh quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Ban đầu Dũng vay vốn Ngân hàng CSXH và từ anh em bạn bè được 70 triệu đồng, thuê 7 sào đất của HTX đầu tư nuôi thỏ, nuôi cá nhưng dịch bệnh từ vật nuôi rồi sức khoẻ…, anh mất trắng tất cả. Không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, anh trăn trở suy nghĩ tìm hiểu và nghĩ tới trồng lan không tốn nhiều sức lực mà đem lại giá trị kinh tế cao. Năm 2005, anh tiếp tục vay thêm ngân hàng và vay mượn từ gia đình được 100 triệu đồng mua 2 loại địa lan và phong lan về trồng. Tham gia các hội lan ở Hải Hậu rồi Hà Nội, đi giao lưu ở các tỉnh phía Bắc và sang cả Trung Quốc, Thái Lan để học hỏi kinh nghiệm cũng như trau dồi thêm kiến thức về nghề trồng lan. Sau đó, anh mở rộng diện tích và chuyển sang trồng thêm nhiều giống lan khác. Hiện vườn lan của anh đang có đầy đủ các loại phong lan và địa lan đang được ưa chuộng như Thanh Ngọc, Hoàng Vũ, Mạc Biên, Đại Hoàng, Đại Mạc, Đai Trâu, Hoàng Kim Bảo... Đặc biệt vườn nhà anh còn đang sở hữu những loại địa lan có giá trị từ 10-20 đến 35 triệu đồng 1 thân như Thanh Ngọc, Minh Nguyệt, Hoàng Kim Tố Hà. Anh cho biết những loại địa lan này có giá trị bởi là những cây đột biến gen về màu sắc, về giống xuất xứ từ rừng. Trong hàng nghìn gốc địa lan màu socola mới xuất hiện 1 gốc đột biến cho ra hoa màu vàng, khuôn đẹp, cách trồng cũng khó lại cho ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình, xã Hải Đường (Hải Hậu) làm giàu từ nghề trồng cam.
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bình, xã Hải Đường (Hải Hậu)
làm giàu từ nghề trồng cam.

Sau 10 năm với bao tâm huyết và đam mê, hiện diện tích trồng địa lan của anh Dũng đã mở rộng hơn 500m2 với hàng trăm chậu. Từ năm 2010 đến nay, mỗi năm anh thu được từ vườn lan 200-300 triệu đồng, tập trung vào dịp Tết Nguyên đán. Là người đã có nhiều năm kinh nghiệm nên anh Dũng nắm bắt rất nhanh nhạy thị trường nên người chơi lan tìm đến anh đều hài lòng khi lựa chọn được chậu ưng ý. Hiện anh sở hữu vườn lan trị giá hàng tỷ đồng. Anh Dũng đang là thành viên có tiếng trong Hội Hoa lan của huyện Hải Hậu, đồng thời anh còn là một trong 9 người thành lập nên Hội Địa lan Thăng Long (Hà Nội) với số lượng thành viên đông đảo, quy tụ nhiều người chơi lan của các tỉnh, thành phố phía Bắc.

Người cựu chiến binh xây dựng thương hiệu cam Hải Đường

Năm 1976, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, Nguyễn Văn Bình, xóm 15, xã Hải Đường (Hải Hậu) luôn mang trong mình nỗi trăn trở làm sao để thoát nghèo? Tại Hải Đường, đất đai phù sa màu mỡ, lại được biết đến với những vườn cam, ao cá nhưng giữa thời buổi giao thương, hai vợ chồng vất vả làm lụng cũng chỉ đủ ăn. Trong chiến tranh, là bộ đội công binh, đóng quân ở Khu 4, vùng đất của cam Vinh và những am hiểu về kỹ thuật trồng cam, ông luôn mong muốn khôi phục lại và nâng cao chất lượng cam Hải Đường quê ông. Năm 2006, ông lặn lội lên Hoài Đức (Hà Nội) mang về 10 gốc cam đầu tiên rồi tự mày mò lai tạo, ghép cành để tạo ra giống cam phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương. Sau 3 năm vất vả vun trồng tỉ mẩn bắt từng con sâu vẽ bùa, diệt từng con nhện đỏ, chăm chút đến từng cái lá, nụ hoa, vườn cam đã cho những trái ngọt đúng như mong đợi.

Khi bản thân đã tự tin về kiến thức, kinh nghiệm, ông Bình bắt tay cải tạo khu vườn, vượt đất đưa vào trồng 7 sào đất với hơn 200 gốc cam được lai tạo thành công. Hướng tới những thực phẩm sạch, an toàn từ khâu sản xuất, ông tự mình nghiên cứu sách, báo, ti vi, rồi đi các nơi học hỏi các phương pháp trị bệnh bằng thuốc vi sinh và các chế phẩm sinh học để tập trung chăm sóc theo quy trình khoa học nhằm có được những mùa thu hái tốt nhất, cho ra những trái cam sạch, nhưng vẫn phải thơm ngon, bóng bảy. Ông Bình cho biết, hiện tại, gia đình ông đang chuyên trồng 3 loại cây ăn quả cho năng suất, giá trị kinh tế cao là cam đường canh, cam Vinh và bưởi Diễn. Hiện nay, vườn nhà ông có trên 100 gốc cam đường đã cho quả. Theo ông Bình, cam đường canh là một giống quýt nhưng từ lâu nhân dân ta vẫn quen gọi là cam. Cam đường canh được trồng ở hầu khắp các địa phương trong nước, có nơi gọi là cam giấy vì có vỏ mỏng và dai. Tên giống được gọi theo tên địa phương nơi trồng và chọn lọc. Cam đường canh là loại cây sinh trưởng khoẻ, ít gai, cây phân cành mạnh, cành nhỏ, có dạng hình lá to hoặc lá nhỏ, nhưng hình thái giống nhau: mép lá gợn sóng dài, đuôi lá nhọn và dài, gần như không có eo lá. Quả hình cầu hơi dẹp, vỏ mỏng, nhẵn, ít túi dầu tinh, khi chín có màu đỏ gấc; giống chín sớm có màu vàng, đa số chín vào trước Tết Nguyên đán 1 tháng. Thịt quả mọng nước, ít hạt vách múi hơi dai, ít xơ bã, ngọt mát nếu là giống chín muộn, giống chín sớm có vị ngọt đậm. Cam đường canh là giống có năng suất cao, thích nghi rộng, trồng được trên núi cao, vùng đồng bằng và ven biển thoát nước, đặc tính chống chịu với sâu bệnh hại khá tốt. Những nỗ lực của ông Bình đã được đền đáp xứng đáng. Từ năm 2010 trở lại đây, hơn 100 gốc cam của gia đình ông cho năng suất từ 40 đến 50 kg/gốc/năm, với giá bán tại vườn 60 nghìn đồng/kg. Không cho đất nghỉ, gia đình ông trồng thêm rau màu dưới tán cây, hết 2 vụ lúa lại trồng thêm 2 sào bí xanh vụ đông, cho thu hoạch gần 2 tấn/năm. Những năm mưa thuận gió hòa, vườn cây cho thu nhập trên 200 triệu đồng, trở thành một trong những mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương.

Say mê tìm tòi, sáng tạo trong sản xuất không chỉ giúp cho mô hình trồng cây ăn quả của ông Bình mang lại hiệu quả kinh tế mà còn từng bước thay đổi nhận thức, cách làm ăn của nhân dân trong vùng. Từ những kinh nghiệm của mình, ông luôn cởi mở chia sẻ với mong muốn mô hình vườn cây sạch được nhân rộng, để tiếng thơm của cam Hải Đường đi xa hơn nữa. Nói về ông Bình, đồng chí Lê Tiến Vĩ, chi hội trưởng chi Hội CCB xóm 15 Hải Đường chia sẻ: “Đồng chí Bình là điển hình cho CCB và những hộ gia đình làm giàu bằng kinh tế vườn tạp của địa phương. Sắp tới, chi hội sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên noi theo, vừa có kinh tế, lại cải tạo cảnh quan môi trường”.

Trên mặt trận mới, CCB Nguyễn Văn Bình và nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Trí Dũng đã trở thành tấm gương điển hình về nghị lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, xây dựng quê hương giàu đẹp./.

Bài và ảnh: Việt Hải



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com