Người lưu giữ ký ức xưa

02:11, 25/11/2016

Nằm khuất sâu trong một con ngõ thuộc đường Nguyễn Khuyến, phường Trường Thi (TP Nam Định), từ số nhà 12 thỉnh thoảng lại vang lên tiếng ngân trong vắt của loại đồng hồ Odo treo tường trứ danh nước Pháp. Tiếng nhạc vang xa, giòn, lảnh lót mà êm tai. Và, khi anh Đinh Mạnh Cường mở cửa nhà, cả một thế giới đồng hồ xưa cũ mở ra trước mắt chúng tôi, sống động. Xen giữa những giá kê đồng hồ là những chiếc ấm tráng đồng Samova bóng loáng, những chiếc điện thoại quay số có lịch sử hàng trăm năm. Góc nhà, khiêm tốn một chiếc radio cũ hãng Philip được sản xuất từ năm 1972 đang phát nhạc… Tất cả gợi nhớ về những khoảnh khắc rất bình yên, xa vắng đã lùi khá xa so với nhịp sống ồn ã hôm nay.

“Thế giới” đồng hồ của anh Cường
 
“Thế giới” đồng hồ của anh Cường bây giờ ước tính cũng có khoảng 300 chiếc. Riêng bộ sưu tập các loại đồng hồ để bàn của anh đã có khoảng trên 200 chiếc còn đồng hồ treo tường cũng ngót 100 chiếc. Để trưng bày hết số lượng đồng hồ này, anh Cường phải chia nhỏ số lượng ra để ở 3 nơi, nhà chính và cửa hàng. Đam mê những chiếc đồng hồ quả lắc từ những ngày còn nhỏ, anh Cường kể: “Hồi trước nhà tôi nghèo, cơm còn chả đủ ăn nói gì đến việc sắm sanh trong nhà. Hồi đó, cả làng có một cái ti vi đen trắng, xem trên phim thấy người ta trưng bày nhiều kiểu đồng hồ đẹp, tôi “thèm” quá, chỉ ước sau này mua được những thứ đó về để trong nhà. Rồi lớn lên, nỗi lo cơm áo gạo tiền càng nặng, ước mơ thời niên thiếu cũng nhạt dần. Cho đến một ngày, cũng vô tình trông thấy những chiếc đồng hồ cũ được bày bán ở một khu chợ, mong ước khi xưa lại thức dậy, nhen nhóm. Cách đây khoảng chục năm, vì những chiếc đồng hồ cũ này, tôi sẵn sàng bán đi vật dụng trong nhà, dành dụm hàng tháng trời để mua”, anh Cường chia sẻ. 5-7 năm nay, anh Cường chuyên tâm vào việc sưu tập đồng hồ cũ. Mặc dù mua số lượng khá lớn các loại đồng hồ song những “thương hiệu” anh yêu thích là các loại đồng hồ của Nga, Đức, Pháp, Thụy Sỹ. Phần nhiều trong bộ sưu tập đồng hồ để bàn là các thương hiệu Jaz, Bayard (Pháp), Majak (Nga), Kundo, Linder (Đức)… với giá trị không hề rẻ. Ít nhất cũng vài trăm nghìn đồng, có chiếc lên đến vài triệu đồng. Để thỏa thú chơi, riêng loại đồng hồ Majak anh sắm tới 20 chiếc khác nhau. Kỳ công, đáng giá nhất trong bộ sưu tập đồng hồ của anh Cường phải kể đến những chiếc đồng hồ treo tường với đủ các kiểu dáng, chủng loại, thương hiệu. Tuy nhiên, giống đồng hồ để bàn, anh Cường yêu thích các loại đồng hồ treo tường đến từ các cường quốc chế tác đồng hồ Pháp, Đức, Nga... Dẫn chúng tôi đi xem, tỉ mỉ thuyết trình về từng nhãn hiệu đồng hồ, “hoàn cảnh” mua được từng con, anh Cường thận trọng dỡ xuống chiếc Odo của Pháp được sản xuất năm 1962. Giá của dòng đồng hồ này được giới nghề trả vào khoảng 15 triệu đồng/chiếc. Hiện, anh Cường có 1 chiếc Odo 1962 và 2 chiếc được sản xuất năm 1957 có giá bán từ 20-30 triệu đồng. “Đây là “của quý”, tôi mua lại từ một người bạn. Cũng phải mất khá nhiều công sức tìm hiểu, đi lại tôi mới “đón” được nó về nhà. Năm 1955, hãng đồng hồ Odo tung ra mẫu đồng hồ “Jaquemar Odo” với hình người đánh chuông (người máy đánh chuông). Hoa văn này cũng có trên 2 chiếc Odo 1957 của tôi. Ở mỗi thời kỳ, nhà sản xuất lại thiết kế hoa văn trang trí vỏ hộp hay đưa vào những bản nhạc khác nhau”, anh Cường say sưa kể. Ngoài Odo, anh Cường hiện còn sở hữu nhiều dòng treo tường Vivier, Westminster (Đức),  Majak (Nga). Và, đương nhiên những chiếc đồng hồ này đều có giá khá cao, dao động từ 20 đến 30 triệu đồng/chiếc, tùy loại. Để phục vụ cho thú chơi của mình cũng tốn khá nhiều tâm sức. Chính vì vậy, ban đầu anh không được gia đình ủng hộ. “Bởi thú chơi này quá tốn tiền, trung bình mỗi tháng tôi dành ra khoảng 10 triệu chỉ để mua các đồ cũ “linh tinh”. Anh Cường tìm đến các loại đồng hồ qua nhiều nguồn, trên mạng internet, nhờ bạn bè xách tay nước ngoài, mua trong nhà dân… Cứ nhìn thấy cái gì hay hay, vừa mắt là anh mua, đắt hơn một chút cũng không sao. “Vì khi tìm được món đồ ưng ý, cảm thấy thích lắm, vui vui cả một ngày”. Thế mới biết nghề chơi quả lắm công phu.
Anh Đinh Mạnh Cường, số nhà 12, ngõ 75, đường Nguyễn Khuyến, phường Trường Thi (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ.
Anh Đinh Mạnh Cường, số nhà 12, ngõ 75, đường Nguyễn Khuyến, phường Trường Thi (TP Nam Định) giới thiệu bộ sưu tập đồng hồ.
Những chiếc Samova đồng
 
“Quãng những thập niên 1980-1990, ai đi Nga về cũng tay xách nách mang một cái ấm Samova sáng lóa làm quà. Ấm Samova là loại ấm nấu nước quen thuộc, một trong những “biểu tượng” văn hóa ẩm thực của nước Nga. Tôi thích những cái ấm nhỏ xinh, qua bao nhiêu năm vẫn giữ được màu sáng của đồng, chạm trổ, thiết kế khéo léo, tinh xảo”, anh Cường nói. Ngoài thú chơi đồng hồ, anh Cường sưu tầm khá nhiều ấm Samova, điện thoại bàn quay số, đài, ti vi, quạt cũ... Riêng ấm Samova anh có 50 cái, giữ kỷ lục người chơi ấm Samova nhiều nhất tỉnh. Giá mỗi chiếc ấm Samova anh mua về rẻ nhất cũng từ 500 nghìn đồng, nhiều thì khoảng 5-6 triệu đồng. Đáng kể nhất trong bộ sưu tập ấm của anh là chiếc Samova có kích thước khá lớn, đường kính vài chục cm nấu bằng than. Anh Cường cẩn trọng mở nắp ấm giới thiệu cho chúng tôi cấu tạo của chiếc ấm này. Khác với những chiếc Samova hiện đại cắm điện, chiếc “Samova than” thiết kế cồng kềnh hơn (để chứa than). Lõi của ấm là một ống khói hình trụ kéo dài từ đáy cho đến miệng ấm. Muốn nấu được nước, người ta bỏ than vào ống khói và đun ở dưới, rót nước vào ấm. Nhiệt độ trong ống khói nóng lên giúp nước ở ấm sôi và duy trì được độ nóng lâu dài. Sưu tầm nhiều ấm Samova, anh Cường cho biết, cách đây không lâu, có người chơi ấm từ Hà Nội xuống đã trả anh trên 10 triệu đồng/cặp ấm nhưng anh không bán. Dẫn chúng tôi đến chỗ để chiếc đài Philips, anh Cường dò một vài kênh phát thanh, tỉ mỉ giới thiệu thêm về cách hoạt động. “Dù được sản xuất cách đây vài chục năm, lớp vỏ bên ngoài sờn cũ nhưng âm thanh của nó nghe vẫn “sướng tai” lắm. Còn chiếc ti vi Sanyo 20 Deluxe cửa lùa được sản xuất khoảng những năm 1970-1980, khi mất tín hiệu, màn hình đột nhiên co lại. Có người chơi đến trả tôi hàng chục triệu đồng mà tôi cương quyết không bán”, anh Cường kể. Trong bộ sưu tập đồ cũ của anh Cường hiện còn khoảng 20 chiếc điện thoại bàn quay số. Với bộ sưu tập điện thoại này, anh đã từng cho một người bạn mượn để làm đạo cụ quay phim về Nhà máy Dệt những năm mới thành lập. Ngoài ra anh còn sưu tập các loại bật lửa Zippo, quạt cũ… Mua đồ cũ, anh Cường đã tốn nhiều tâm sức nhưng việc “độ”, sửa chữa các chi tiết hư hỏng còn khiến anh phải bỏ nhiều thời gian hơn nữa. “Những chiếc đồng hồ cũ, đặc biệt là loại đồng hồ để bàn thường mất núm lên dây cót, đồng hồ treo tường thì có cái vẫn chạy được nhưng bị mất quả lắc hoặc bộ phận đánh chuông… Khi đó, tôi phải tìm thợ sửa, tìm những bộ phận thay thế mới sao cho tương đồng. Mất thời gian vô cùng. Cũng có lúc phải tặc lưỡi, đành chịu để một vài món đồ thiếu khuyết”, anh Cường thật lòng chia sẻ. Chúng tôi lại hỏi anh, sưu tầm nhiều như vậy, trong số đó có rất nhiều món đồ có giá cao, anh có bán không. Anh Cường nói: “Tôi mua với ý thức về chơi, tôi sưu tầm để thỏa cái mong muốn khi xưa, do đó nhất định không bán. Càng những thứ đắt tiền, càng không bán”. Vì vậy, bộ sưu tập các loại đồ cũ của anh hầu như chỉ tăng lên về mặt số lượng chứ không giảm đi. Chỉ những ai rất thân quen, anh có thể mang tặng hoặc “vừa bán vừa cho” nếu biết họ có cùng sở thích. 
 
Mong muốn sưu tầm lại những “hoài niệm” đồ vật cũ khi xưa, anh Đinh Mạnh Cường bây giờ đã có bộ sưu tập kha khá những thứ mà anh khao khát, yêu thích. Và, khi có ai hỏi, anh sẵn sàng ngồi hàng giờ để thuyết trình, giới thiệu về từng loại một. “Không phải để khoe khoang vì những người chơi đồ cổ hầu như đều “kín” tiếng. Vì tôi cũng nhận ra, nếu một người trẻ tuổi chịu ngồi hàng giờ chỉ để chờ tiếng chuông đánh lên ngân nga, chứng tỏ họ rất kiên trì, nhẫn nại để thưởng thức, cảm nhận”… Và, khi nghe một tiếng chuông ngân nga, trong trẻo như thế mới thấy lòng mình lắng đọng, sống chậm lại để cảm nhận, suy ngẫm, bỏ lại sau lưng mọi ồn ào, náo nhiệt ngoài kia!
 
Bài và ảnh: Nguyễn Hoa Xuân


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com