Tăng cường quản lý về an toàn thực phẩm

08:11, 22/11/2016

Thực hiện Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong quản lý nhằm bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về ATTP vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, bức xúc trong xã hội. Tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tuy không gia tăng nhưng diễn biến phức tạp. Trong các vụ NĐTP, số người mắc thường lớn, xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người. Khi để xảy ra NĐTP, các cơ sở thường giấu thông tin, gây khó khăn cho công tác điều tra, khắc phục hậu quả. Chất lượng ATTP hàng hóa vẫn còn một tỷ lệ đáng kể không đạt tiêu chuẩn, chủ yếu do lạm dụng các hóa chất trong sản xuất, chế biến, bảo quản trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, việc sử dụng hóa chất cấm trong chế biến thực phẩm vẫn còn tồn tại. Việc quy hoạch vùng trồng rau sạch, quy hoạch khu vực giết mổ tập trung, quy hoạch chợ an toàn, xây dựng mô hình kiểm soát chất lượng VSATTP tiên tiến (GMP, GHP, HACCP, ISO) cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa được phổ biến.

Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá, TP Nam Định).
Chuẩn bị bữa ăn cho công nhân tại Cty TNHH Nam Dược
(KCN Hòa Xá, TP Nam Định).

Trước thực trạng trên, thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 19-7-2016, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-UBND về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các đơn vị, các ngành, các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm quản lý ATTP. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh và các ngành đã ban hành trên 30 văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác ATTP, góp phần cải thiện hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về ATTP, kiểm soát hiệu quả việc đảm bảo ATTP trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP từ tỉnh đến các huyện, thành phố được kiện toàn, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện công tác quản lý về ATTP. Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, kiểm tra đột xuất được triển khai đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh; đặc biệt tập trung vào dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu... Các ngành chức năng của tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với ngành hàng được phân công, quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP, giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm và các cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP. Trong 10 tháng đầu năm 2016, các đoàn thanh tra, kiểm tra về VSATTP các tuyến đã thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm được 7.991/11.037 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm; phát hiện 2.182 cơ sở vi phạm; trong đó có 532 cơ sở vi phạm bị xử lý, 270 cơ sở bị cảnh cáo, 225 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 509 triệu đồng, 10 cơ sở bị buộc thu hồi tiêu hủy sản phẩm hàng hóa có chất lượng không phù hợp đang lưu thông trên thị trường, 9 cơ sở phải khắc phục về nhãn sản phẩm, 18 cơ sở phải đóng cửa. Riêng từ tháng 7 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức hơn 200 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra gần 3.000 cơ sở. Qua kiểm tra, đã phát hiện 645 cơ sở vi phạm, trong đó có 119 cơ sở vi phạm bị xử lý, 41 cơ sở bị cảnh cáo, 45 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt trên 87 triệu đồng.

Cùng với công tác thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện ATTP. Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh; hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ tỉnh xuống cơ sở tăng cường chuyên mục, chuyên trang về ATTP; thông tin, tuyên truyền kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATTP… Trong 10 tháng đầu năm 2016, từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn đã tổ chức 240 hội nghị triển khai công tác bảo đảm ATVSTP với 4.435 người tham dự; 76 buổi truyền thông trực tiếp thông qua nói chuyện chuyên đề ATTP với 9.390 người tham dự; 6 cuộc hội thảo về ATTP với 380 người dự; chăng treo 888 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, 1.288 áp phích; nhân bản 480 băng đĩa tuyên truyền nội dung về ATTP. Công tác phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn được quan tâm.

Các ngành, các địa phương còn tích cực tuyên truyền, vận động tới từng hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp thực hiện các quy định đảm bảo ATTP, ký cam kết bảo đảm vệ sinh ATTP. Tập trung chỉ đạo xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGAP, các mô hình sản xuất an toàn khác và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đặc biệt, Sở Y tế siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm chức năng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm. Sở NN và PTNT bước đầu đã tạo chuyển biến rõ nét trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Sở Công thương tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm ATTP tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại lớn của tỉnh. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình thực phẩm an toàn như: 3 mô hình điểm ATTP thức ăn đường phố tại 3 phường: Quang Trung, Thống Nhất, Trần Tế Xương (TP Nam Định); 2 mô hình điểm về ATTP làng nghề tại xã Nam Dương (Nam Trực) và xã Yên Phú (Ý Yên); 5 mô hình điểm về ATTP khu vực lễ hội… và một số mô hình trồng rau, chăn nuôi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; duy trì việc áp dụng hệ thống quản lý GMP, HACCP tại 4 doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng trên địa bàn tỉnh… Các ngành chức năng cũng từng bước đầu tư trang thiết bị xét nghiệm, đo kiểm di động, tăng cường phát huy năng lực của các đơn kiểm nghiệm để hướng dẫn người dân nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn.

Việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về ATTP đã giảm sự chồng chéo trong quản lý về ATTP giữa các ngành. Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP của các cơ quan chức năng được thực hiện thường xuyên, qua đó phát hiện nhiều vi phạm, xử lý kiên quyết, ngăn chặn việc tiêu thụ và thu hồi nhiều loại thực phẩm không đảm bảo ATTP. Ngộ độc thực phẩm, sự cố về ATTP được phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên không xảy ra tử vong. Một số mô hình điểm ATTP đã được xây dựng, phát huy hiệu quả và được nhân rộng./.   

Bài và ảnh: Minh Thuận 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com