Văn hóa giao thông

09:01, 18/01/2013

Vào dịp Tết, nhu cầu đi lại của nhân dân rất lớn. Những người đi làm ăn nơi xa đều muốn về quê ăn Tết với người thân, với gia đình, chính vì thế, mật độ giao thông tăng đột biến, khiến cho tai nạn giao thông cũng tăng lên. Thật đau lòng khi tất cả mọi người đang náo nức với niềm vui đón Tết lại có người bị tai nạn giao thông, không chỉ thiệt thòi cho bản thân còn mang đến nỗi đau khổ cho người thân, gia đình, không ít nhà "mất Tết" vì tai nạn giao thông.

Bên cạnh cơ sở hạ tầng giao thông yếu kém, đường sá, phương tiện vận tải không đáp ứng yêu cầu, còn một nguyên nhân sâu xa nhưng ít ai để ý tới, đó là ý thức của người tham gia giao thông kém. Gần đây, chúng ta đã tập trung tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện văn hóa giao thông, xây dựng con người có văn hóa, có ý thức khi tham gia giao thông. Dự án văn hóa giao thông do Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam triển khai đã được dư luận quan tâm hưởng ứng. Trong dịp Tết càng cần đẩy mạnh thực hiện văn hóa giao thông, nhất là tại các thành phố lớn.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Văn hóa giao thông cần được thực hiện ở khắp mọi nơi, mọi đối tượng để tạo ra môi trường giao thông trật tự - an toàn. Khi các bến tàu, bến xe chật ních người, đòi hỏi mỗi người có ý thức chấp hành nội quy, tuân thủ xếp hàng khi lấy vé, khi lên tàu, lên xe, nhường chỗ và giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có con nhỏ và trẻ em. Những hành vi, ứng xử văn hóa đó góp phần rất lớn cho việc giữ gìn trật tự - an toàn nơi công cộng, tránh được tình trạng trộm cắp, lừa đảo. Nhu cầu đi lại rất lớn, các chủ doanh nghiệp vận tải không thể vì lợi nhuận mà đưa ra sử dụng cả loại xe cũ nát, không bảo đảm an toàn. Đặc biệt, những người lái xe khách phải nhận thức rằng, mình đang "nắm trong tay" sự an toàn, tính mạng của rất nhiều người để chú tâm điều khiển phương tiện, không mất tập trung, lái bừa, lái ẩu, nhất là không lợi dụng đông khách mà "nhồi nhét", chở quá tải gây nguy hiểm.

Mật độ giao thông càng cao thì mỗi người càng phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Giao thông, tránh tâm lý ngày Tết đi lại cẩu thả, tùy tiện vì cho rằng, có vi phạm do năm mới cũng dễ dàng được "thông cảm" mà không bị phạt. Điều đáng lo ngại, do vui Tết, nhiều người uống rượu, bia say xỉn vẫn điều khiển phương tiện giao thông. Đã xảy ra những trường hợp "ô-tô điên" do lái xe say rượu gây hậu quả nghiêm trọng. Dư luận cho rằng, phải xử lý nghiêm những người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Ngày Tết, người đi lại đông dễ dẫn đến va quệt đòi hỏi mỗi người cần có ứng xử văn hóa như có lời xin lỗi, giúp đỡ người bị nạn, nhường nhịn khi đường đi bị ách tắc... Tránh tình trạng vừa xảy ra va chạm đã gây gổ, xô xát, hoặc gặp người bị tai nạn thì vô cảm, bỏ qua.

Trong dịp Tết, lực lượng quản lý giao thông rất vất vả nhưng mọi người vẫn đòi hỏi ở họ tinh thần trách nhiệm cao và hành vi ứng xử có văn hóa. Những người quản lý các cung đường phải thường xuyên kiểm tra cơ sở hạ tầng giao thông, phát hiện những đoạn đường xấu, đoạn đường nguy hiểm dễ gây tai nạn để sớm đưa ra cảnh báo cho người qua lại, đồng thời tìm cách khắc phục. Lực lượng công an giao thông không vì ngày Tết mà buông lỏng kiểm tra, kiểm soát, không được nể nang các cuộc gọi điện thoại "cầu cứu", nhất là không được nhận tiền để bỏ qua các lỗi vi phạm. Khi thi hành nhiệm vụ, công an cũng phải tỏ ra là người có văn hóa, gần gũi, giúp đỡ nhân dân...

Thực hiện tốt văn hóa giao thông không những chỉ góp phần làm giảm tai nạn giao thông mà còn làm tăng thêm vẻ đẹp văn hóa cho Tết cổ truyền của dân tộc./.

Theo nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com