Nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội

10:09, 17/09/2010

Dạy nghề may công nghiệp cho lao động trẻ tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh.  Ảnh: Xuân Thu
Dạy nghề may công nghiệp cho lao động trẻ tại Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh.
Ảnh: Xuân Thu
Thành lập từ năm 1985, cơ sở chủ yếu dạy nghề cắt may cơ bản, giáo viên là cán bộ hội kiêm nhiệm, đến tháng 8-2001, cơ sở được nâng cấp thành Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh. Trung tâm có nhiệm vụ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho người lao động, quy mô đào tạo 1000 lao động/năm. Từ đó đến nay, quy mô và chất lượng đào tạo, cơ cấu ngành nghề đào tạo của Trung tâm ngày càng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Ngoài 3 nghề truyền thống là dạy cắt may, tin học và nữ công gia chánh, Trung tâm còn mở thêm nhiều ngành nghề mới như dệt, thêu ren, khán hộ công (giúp việc gia đình), tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng khởi sự doanh nghiệp. Trung bình mỗi năm Trung tâm đào tạo khoảng 2000 học viên, trong đó nghề may công nghiệp khoảng 1100 học viên, nghề dệt 120 học viên, nghề thêu ren móc sợi 350 học viên, đào tạo tin học 320 học viên, nữ công gia chánh 320 học viên… Ngoài các lớp mở tại Trung tâm, đối tượng người lao động mà Trung tâm luôn hướng tới là lao động nữ ở khu vực nông thôn. Bởi vậy hàng năm, bám sát chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm đều xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Hoạt động dạy nghề hướng vào mục tiêu mở rộng, đa dạng hoá ngành nghề phục vụ các đối tượng lao động, trong đó ưu tiên lao động nữ. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của phụ nữ và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội, Trung tâm thường xuyên liên kết với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các Cty, xí nghiệp, các trường dạy nghề để đào tạo; phối hợp với Hội LHPN các huyện tiến hành khảo sát và vận động những cá nhân có điều kiện đứng ra thành lập các cơ sở dạy nghề đầu mối của tỉnh trong đó phát huy hiệu quả là các cơ sở dạy nghề may công nghiệp ở các huyện Giao Thuỷ, Xuân Trường, Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh… Đối với các cơ sở này, thời gian đầu, Hội LHPN tỉnh đầu tư 500 máy may công nghiệp đồng thời cử cán bộ xuống giúp cơ sở trong công tác chiêu sinh mở lớp, đào tạo đội ngũ giáo viên… Đến nay, nhiều cơ sở đã được mở rộng và phát triển như cơ sở Khánh Loan, xã Trực Phú (Trực Ninh), cơ sở Minh Vuông, xã Xuân Trung (Xuân Trường), doanh nghiệp Thu Hà, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản)…, tạo việc làm tại chỗ cho hàng trăm lao động đồng thời giúp hàng nghìn chị có tay nghề tìm được việc làm tại các Cty, xí nghiệp… Bên cạnh đó, các cấp Hội Phụ nữ cơ sở còn chủ động tìm kiếm, mở mang ngành nghề mới cho phụ nữ tập trung vào một số nghề có xu hướng phát triển như nghề thêu ren, mây tre đan, móc hộp sợi xuất khẩu, tin học, giúp việc gia đình… Một số địa phương còn mở mang nghề trồng nấm, các hình thức đào tạo nghề cũng linh hoạt, người có nghề dạy người chưa có nghề, chị em trong các chi hội truyền nghề cho nhau từ đó hình thành nên các làng nghề, xã nghề, tạo cơ hội có việc làm ổn định tại chỗ cho hàng nghìn lao động nữ ở nông thôn. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên quan tâm đến công tác dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách, người tàn tật, đối tượng phụ nữ nghèo… Riêng năm 2009, Trung tâm đã phối hợp với Sở LĐ-TB và XH mở 13 lớp dạy các nghề may công nghiệp, móc túi sợi, thêu thảm, thêu ren cho 335 lao động nông thôn ở các huyện Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Mỹ Lộc, đào tạo nghề cho 48 lao động thuộc hộ nghèo tại xã Minh Thuận (Vụ Bản), 20 lao động là đối tượng người tàn tật tại xã Vĩnh Hào. Trước đó năm 2007, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức dạy nghề miễn phí cho 30 phụ nữ khuyết tật tại huyện Xuân Trường, giúp chị em có nghề nghiệp ổn định, xóa bỏ mặc cảm, hoà nhập cuộc sống.

Đi đôi với hoạt động dạy nghề, Trung tâm còn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và các đơn vị tuyển dụng lao động. Từ năm 2006 đến nay, Trung tâm đã tư vấn, giới thiệu trên 8000 lao động vào làm tại các Cty, xí nghiệp trong tỉnh và đi xuất khẩu lao động; tổ chức hàng trăm lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp cho khoảng 3000 lượt phụ nữ ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, giúp chị em nâng cao kiến thức cũng như địa vị kinh tế, xã hội cho phụ nữ nghèo ở khu vực nông thôn. Do phương thức đào tạo đa dạng, linh hoạt, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nên số học viên tìm được việc làm sau đào tạo chiếm tỷ lệ cao đạt trên 90%, học viên do Trung tâm đào tạo có chất lượng được các đơn vị sử dụng lao động luôn tin tưởng khi tiếp nhận. Với những cố gắng nỗ lực bền bỉ trong suốt 25 năm qua, vượt qua những khó khăn ban đầu, Trung tâm dạy nghề Hội LHPN tỉnh đã vươn lên trở thành một địa chỉ đào tạo nghề có uy tín với người lao động, đào tạo hàng vạn lao động, góp phần nâng cao tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo của tỉnh lên 26%./.

Phương Mai



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com