Văn hoá ứng xử trong gia đình

10:06, 25/06/2010

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Từ xa xưa, văn hoá ứng xử trong gia đình đã được ông cha ta đặc biệt coi trọng. Trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam cho thấy có rất nhiều câu thể hiện điều này. Từ bài học ứng xử với những hành vi cụ thể như "học ăn, học nói, học gói, học mở" đến những bài học đạo lý lớn lao, ông bà xưa đặc biệt coi trọng tình nghĩa, sự gắn bó trong quan hệ gia đình. Từ lúc mới sinh ra, con người đã được đặt trong sự gắn bó thiêng liêng của tình mẫu tử, phụ tử: "Phụ tử tình thâm", "Xương cha, da mẹ", "Cá chuối đắm đuối vì con". Khi khôn lớn mỗi người không thể quên công ơn dưỡng dục của cha mẹ: "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Chữ "hiếu" luôn được đề cao trong quan hệ ứng xử với cha mẹ và được thể hiện bằng tục báo hiếu. Trước kia, khi bổ nhiệm hoặc tuyển chọn nhân tài, kẻ bất hiếu thường không bao giờ được bổ nhiệm chức vụ, bởi quan niệm: Một người không biết yêu thương, quý trọng cha mẹ mình làm sao có thể yêu nước, thương dân được. Mối quan thệ giữa cha mẹ với con cái, con cái đối với cha mẹ đã được ông cha ta nâng lên thành đạo làm cha mẹ, đạo làm con. Từ mối quan hệ chủ đạo này đã hình thành nên đạo thờ ông bà tổ tiên, đạo thờ cha mẹ, góp phần nuôi dưỡng cho con người tình cảm "Uống nước nhớ nguồn".

Trong quan hệ ứng xử, người xưa cũng đặc biệt coi trọng tình nghĩa giữa anh chị em trong một gia đình: "Anh em như thể chân tay", "Một giọt máu đào hơn ao nước lã", "Em thuận, anh hoà là nhà có phúc", "Chị ngã em nâng"… Mối liên hệ ruột thịt là mối liên hệ thiêng liêng không thể chia cắt: "Cắt dây bầu dây bí/ Chẳng ai cắt dây chị dây em". Vì lẽ đó, ông cha ta cũng lên án nghiêm khắc những ai không giữ được tình cảm anh em: "Người dưng có nghĩa thì đãi người dưng/ Anh em vô nghĩa thì đừng anh em"…

Đối với quan hệ vợ chồng, sự hoà thuận và tình nghĩa thuỷ chung luôn mang ý nghĩa thiêng liêng, sâu nặng, là mối ràng buộc trách nhiệm cao suốt đời người: "Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn", "Đốn cây ai nỡ dứt chồi/ Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương"…

Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hoá mang tính truyền thống của người Việt như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ, anh em. Nhiều gia đình Việt Nam xưa nhờ biết duy trì lối ứng xử có văn hoá đã tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo. Chính gia lễ, gia phong ấy là cái gốc của gia đình, giữ cho con người Việt Nam, gia đình và xã hội Việt Nam một sức sống mãnh liệt và sự trong sáng với cội nguồn.

Ngày nay, trong cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có gia đình. Nhiều chính sách kinh tế - xã hội mới làm cho sản xuất phát triển và mức sống của các gia đình tăng lên rõ rệt. Những điều kiện vật chất bảo đảm cho sự phát triển về năng lực thể chất, tinh thần của các thành viên trong gia đình, nhất là điều kiện hưởng thụ văn hoá đều được nâng cao. Cùng với cuộc sống ấm no, quan hệ bình đẳng giữa vợ - chồng, cha mẹ - con cái được xác lập và khẳng định. Tuy nhiên, mặt trái của nền kinh tế thị trường cũng đã tác động tiêu cực đến gia đình. Các giá trị truyền thống bị thay đổi. Ở nhiều gia đình, người vợ mải chạy theo lối sống thực dụng đã lãng quên thiên chức làm vợ, làm mẹ, thiếu trách nhiệm với con cái. Những người con do mê mải kiếm tiền đã không coi việc chăm sóc cha mẹ già là nghĩa vụ đạo đức cao quý nữa, thậm chí còn bạc đãi với ông bà, cha mẹ, khiến các cụ lâm vào cảnh cô đơn lúc tuổi già sức yếu. Quan hệ thực dụng, lối sống ích kỷ, chạy theo đồng tiền đã len lỏi vào không ít gia đình. Sự suy thoái văn hoá gia đình kéo theo nhiều nét đẹp mang tính văn hoá trong quan hệ ứng xử bị mai một. Nghĩa vụ đạo đức, sự hy sinh, lòng chung thuỷ, niềm tin lẫn nhau đang bị xói mòn. Do nhận thức chưa đầy đủ, nhiều người lầm tưởng rằng tất cả những cái mới được du nhập từ bên ngoài đều là giá trị, hiện đại, tiến bộ, văn minh trong khi những gì thuộc về quá khứ của dân tộc đều là cũ kỹ, bảo thủ, lạc hậu. Điều này dẫn đến việc tiếp nhận ồ ạt, thiếu chọn lọc những văn hoá ngoại lai, làm xáo trộn nếp sống gia đình, khiến mỗi người không tự xác định được những chuẩn mực trong ứng xử gia đình. Cuộc sống nơi này, nơi khác, chúng ta vẫn phải nghe và chứng kiến nhiều trường hợp quan hệ cha con, anh em, chồng vợ bị sứt mẻ vì tranh giành đất đai, nhà cửa, tiền bạc. Nạn bạo hành trong gia đình và tình trạng trẻ em phạm pháp gia tăng…

Thực tế cho thấy, muốn nâng cao đời sống văn hoá và tinh thần của nhân dân, muốn xây dựng được nền văn hoá mới, lối sống mới, con người mới thì khâu khởi đầu phải bắt nguồn từ việc xây dựng gia đình ổn định, phát triển bền vững. Chính vì thế, chủ trương gìn giữ nền nếp, kỷ cương gia đình làm nền tảng cơ bản cho xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Phong trào xây dựng gia đình văn hoá hiện nay với các tiêu chí "no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ" đang trở thành mục tiêu phấn đấu của nhiều gia đình, được các gia đình nhiệt tình hưởng ứng. Bởi phong trào không chỉ phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam truyền thống mà còn giáo dục, định hướng cho mỗi gia đình theo những chuẩn mực xã hội mới, những giá trị mới phù hợp với yêu cầu của thời đại như: Sự bình đẳng, tinh thần dân chủ, tính độc lập, năng động của các thành viên trong gia đình tri thức hiện đại… Tất cả đều nhằm hướng đến xây dựng gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người./.

Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com