Chuyển biến mới trong công tác cán bộ ở Văn phòng Tỉnh ủy Nam Định

07:10, 23/10/2019

Quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy, hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về công tác cán bộ, những năm qua Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã chú trọng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo bước chuyển biến mới trong công tác cán bộ, thông qua việc xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, kế hoạch về công tác cán bộ; lựa chọn các khâu khó, việc khó như: bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ… để triển khai thực hiện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đổi mới hình thức bổ nhiệm; tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ

Trong công tác bổ nhiệm cán bộ, để lựa chọn được những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Văn phòng Tỉnh ủy đã báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng ban hành quy chế bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng theo hình thức thi tuyển. Các ứng viên tham gia thi tuyển ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm... phải báo cáo chương trình hành động cá nhân; các ứng viên không khép kín quy hoạch tại chỗ mà còn được mở rộng từ nguồn quy hoạch các phòng chuyên môn khác của Văn phòng, vừa đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, vừa phù hợp với chủ trương quy hoạch “động” và “mở”; mỗi chức danh thi tuyển đều đảm bảo có số dư ít nhất từ 2 ứng viên trở lên và ứng viên phải trình bày chương trình hành động, trả lời các câu hỏi trước Hội đồng thi tuyển. Tất cả các cuộc thi tuyển đều đảm bảo theo nguyên tắc, phương châm: dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng và đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của Đảng ủy. Kết quả sau 2 năm (2018-2019) triển khai thực hiện việc bổ nhiệm bằng hình thức thi tuyển Văn phòng Tỉnh ủy đã lựa chọn và bổ nhiệm được 1 trưởng phòng và 4 phó trưởng phòng. Thông qua hình thức thi tuyển, những cán bộ được bổ nhiệm đã phát huy được năng lực, sở trường trên cương vị công tác, tinh thần trách nhiệm công việc được nâng cao, qua đó đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Rà soát chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, người lao động ở Văn phòng Tỉnh ủy. Ảnh: Xuân Thu
Rà soát chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, người lao động ở Văn phòng Tỉnh ủy. Ảnh: Xuân Thu

Để thực hiện tốt việc luân chuyển, điều động cán bộ, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã thống nhất ban hành quy định về luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trong nội bộ Văn phòng Tỉnh ủy, mục tiêu nhằm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đồng thời khắc phục tình trạng thụ động của một bộ phận cán bộ, công chức. Trong thực hiện luôn đảm bảo phương châm “Một người giỏi nhiều việc và có thể kiêm nhiệm nhiều việc”, từ đó lựa chọn những cán bộ tốt nhất để bổ sung vào nguồn quy hoạch cấp ủy và lãnh đạo cơ quan. Đến nay, đã thực hiện luân chuyển 1 Phó Trưởng phòng Tài chính Đảng sang làm Phó Trưởng phòng Quản trị; luân chuyển, bổ nhiệm 1 chuyên viên phòng Tổng hợp làm Phó Trưởng phòng Quản trị; 1 chuyên viên phòng Lưu trữ đến phòng Hành chính, sau thời gian luân chuyển đã bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng Lưu trữ; luân chuyển kế toán Văn phòng thuộc phòng Quản trị đến nhận nhiệm vụ tại phòng Tài chính Đảng; điều động tạm thời 3 chuyên viên phòng Lưu trữ đến làm công tác văn thư tại phòng Hành chính, điều động 1 chuyên viên phòng Cơ yếu - Công nghệ thông tin, 1 chuyên viên phòng Tài chính đảng đến làm việc tại phòng Lưu trữ. Do làm tốt công tác luân chuyển, điều động cán bộ, công chức giữa các phòng nên bước đầu đạt được mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ trưởng thành về mọi mặt, tạo hiệu ứng tích cực cả về động lực lẫn công việc ở mỗi vị trí luân chuyển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan.

Đổi mới, tăng cường công tác đánh giá cán bộ

Đánh giá cán bộ là khâu quan trọng trong công tác cán bộ, bởi việc đánh giá không chỉ cho thấy chất lượng của cán bộ mà còn liên quan mật thiết đến các hoạt động khác của công tác cán bộ như quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm... Hiện nay tình trạng nể nang, ngại va chạm, sợ phiền phức, do vậy công tác đánh giá cán bộ chỉ dừng lại ở mức hình thức, không thực chất; cán bộ được đánh giá không nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để tự sửa chữa khắc phục. Nhận thức rõ những hạn chế đó, để đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; ngoài việc đảm bảo thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ hàng năm theo quy định của Đảng, từ tháng 6-2018, Đảng ủy, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy đã tăng cường đổi mới phương thức đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý từ 1 năm một lần lên 6 tháng một lần và thực hiện đánh giá hàng quý (khi cần thiết) theo Bộ tiêu chí đã được xây dựng cụ thể phù hợp, sát với từng chức danh cán bộ và nhiệm vụ được phân công. Các tiêu chí, nội dung đánh giá gồm: tính nêu gương của cán bộ; tinh thần trách nhiệm của cán bộ; phương pháp lãnh đạo, tổ chức, điều hành công việc; về mối quan hệ công tác; về hiệu quả công việc... so với thời điểm đánh giá lần trước. Trong quá trình triển khai thực hiện, các tiêu chí này sẽ được thay đổi theo từng thời điểm cho phù hợp với thực tế công tác. Đối tượng được đánh giá gồm các đồng chí đảng ủy viên, lãnh đạo Văn phòng, trưởng phòng chuyên môn. Thực hiện dân chủ khi mở rộng phạm vi, đối tượng lấy ý kiến nhận xét, đánh giá bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan Văn phòng. Quy trình nhận xét, đánh giá được đổi mới, thống nhất theo hình thức thông qua phiếu: Đảng ủy nhận xét, đánh giá các thành viên trong đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng, trưởng các phòng chuyên môn; cán bộ, công chức các phòng đánh giá Chánh Văn phòng, Phó chánh Văn phòng phụ trách và trưởng phòng. Kết quả đánh giá được công khai và là một trong những căn cứ để đánh giá xếp loại đối với cán bộ hàng năm. Từ khi triển khai thực hiện đến nay Văn phòng đã tiến hành 2 đợt khảo sát, đánh giá đối với cán bộ năm 2018 và 6 tháng đầu 2019. Đây không phải là vấn đề mới trong công tác đánh giá cán bộ nhưng cách làm này là bước cụ thể hóa hơn so với quy định, quy trình của Trung ương, của tỉnh về công tác đánh giá cán bộ về phương pháp cách làm có điểm mới là đánh giá trực diện cán bộ, quản lý, kết quả bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực, giúp cán bộ được đánh giá phát huy điểm mạnh, nhận thức được những điểm còn hạn chế, từ đó xây dựng kế hoạch sửa chữa phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Việc đổi mới nội dung, phương thức đánh giá đối với cán bộ đã phát huy tính tích cực, góp phần mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ; nâng cao cơ chế phối hợp, giám sát lẫn nhau giữa cán bộ lãnh đạo, quản lý và đối tượng chịu sự lãnh đạo, quản lý; tạo thêm công cụ để giám sát cán bộ.

Có thể khẳng định công tác cán bộ của Văn phòng Tỉnh ủy thời gian qua bước đầu đã đạt được kết quả đáng khích lệ, nhất là việc thực hiện thi tuyển bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng; luân chuyển, điều động cán bộ, công chức trong nội bộ Văn phòng; đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý. Để duy trì và làm tốt công tác cán bộ, thời gian tới Văn phòng Tỉnh ủy tiếp tục bổ sung, cụ thể các bước trong quy chế, quy định của việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ; gắn chặt chẽ việc thi tuyển bổ nhiệm các chức danh cán bộ, công tác đánh giá cán bộ với thực hiện các khâu trong quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhằm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy ngang tầm nhiệm vụ trong tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao./.

Văn phòng Tỉnh ủy

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com