Bình Dương: Chăm lo phụ nữ, trẻ em gặp khó khăn do dịch bệnh

07:07, 01/07/2021

Thực hiện Tháng hành động vì trẻ em, tỉnh Bình Dương thông tin, cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh thực hiện chuỗi các hoạt động chủ đề “Mỗi gia đình là một mặt trận nòng cốt phòng ngừa COVID-19”. Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng các đơn vị: Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh, Hội nữ Doanh nhân tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Bình Thạnh tổ chức đến thăm và tặng quà cho các đối tượng phụ nữ, trẻ em. Đoàn đã thăm hỏi, tặng quà tại khu nhà trọ, khu cách ly, khu phong tỏa... trên địa bàn 9 phường của ba thành phố (Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một) và 3 phường của thị xã Tân Uyên. Đây là những địa bàn có số ca mắc COVID-19 nhiều trong tỉnh đã ảnh hưởng lớn đến đời sống an sinh xã hội. Cũng do ảnh hưởng của dịch, đoàn tiến hành phương án trao quà cho người đại diện các khu vực, sau đó phân bổ đến đối tượng được nhận. Đoàn đã trao các nhu yếu phẩm gồm: 300 thùng sữa, 200 hộp hạt điều, 500 vở trắng, 100kg khoai lang tím, 1,5 tấn rau củ quả các loại… và 300 triệu đồng tiền mặt. Bên cạnh đó, với truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái, Hội LHPN tỉnh Bình Dương đã phát động trong cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn phong trào “Tiết kiệm ít nhất 5.000 đồng ủng hộ tỉnh Bình Dương mua vaccine phòng, chống dịch COVID-19”. Các cấp Hội còn thực hiện các hoạt động nấu ăn, phát cơm miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, trao tặng vật tư y tế tại chốt kiểm soát phòng, chống dịch.

Hà Tĩnh: Ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải

Trong những năm gần đây tại Hà Tĩnh, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mang lại hiệu quả trong xử lý môi trường. Tuy vậy, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ (KH và CN) trong xử lý môi trường cũng còn những tồn tại, hạn chế. Để xử lý chất thải sinh hoạt, Hà Tĩnh đã chuyển giao, ứng dụng một số công nghệ như: Ủ phân vi sinh, công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu tại 6 địa phương gồm các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ và thị xã Kỳ Anh. Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền phân loại rác, hướng dẫn người dân dùng những chế phẩm sinh học như: EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic, EMIC... để tự chế biến phân bón từ rác thải hữu cơ. Tỉnh Hà Tĩnh cũng chú trọng đưa KH và CN vào xử lý chất thải y tế. Toàn tỉnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 13 bệnh viện tuyến huyện, phát sinh lượng nước thải khoảng 800m3/ngày đêm. Cho đến nay, hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sử dụng các công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO... nên kết quả xử lý nước thải đã đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành./.


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com