Tiền Giang: Đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

08:03, 17/03/2021

Đến nay, tỉnh Tiền Giang có 119 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm 83,21% số xã trong toàn tỉnh. Trong đó, 10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; ba đô thị được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hai huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Để tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống nông thôn, giai đoạn 2021-2025, tỉnh quyết định đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tập trung vào nhiệm vụ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đưa khu vực nông thôn trở thành nơi đáng sống. Các giải pháp được triển khai là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cấp huyện, cấp xã, bảo đảm tính thực tế, khả thi, hiệu quả, phát huy lợi thế của từng địa phương; thường xuyên rà soát, điều chỉnh cho phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của từng xã, huyện, thị xã.

Tỉnh cũng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới bảo đảm phù hợp điều kiện thực tế của tỉnh; quan tâm phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đẩy mạnh thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi tiêu thụ sản phẩm và thu hút đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bến Tre: Huy động nguồn lực phát triển bền vững

Theo UBND tỉnh Bến Tre, giai đoạn 2012-2020, toàn tỉnh đã huy động tổng số vốn đầu tư cho các hoạt động lâm nghiệp là hơn 80,3 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách hơn 23 tỷ đồng, vốn vay ODA là hơn 47 tỷ đồng, còn lại là vốn các tổ chức phi chính phủ. Trong giai đoạn này, toàn tỉnh trồng mới và khoanh nuôi tái sinh thêm 516,03ha rừng. Bình quân mỗi năm trồng 57ha, đạt 60,1% so với Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra.

Đến nay, Bến Tre đã đo đạc và cấp giấy chứng nhận cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng gần 3.150ha, đạt 45,45% diện tích được giao. Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tiến hành giao khoán hơn 2.940ha, cho 507 cá nhân và hộ gia đình quản lý, bảo vệ rừng theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tỉnh thường xuyên phối hợp các lực lượng liên quan tuần tra, kiểm tra rừng nhằm kịp thời ngăn chặn các vụ việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng và xử lý nghiêm khi có vi phạm. Giai đoạn 2012-2020, qua tuần tra, ngành chức năng tỉnh đã phát hiện và xử lý vi phạm 274 vụ (bình quân khoảng 30 vụ/năm), tổng diện tích rừng thiệt hại là 6,17ha.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh Bến Tre, diện tích rừng hàng năm có tăng nhưng không nhiều, chưa đạt mục tiêu đã đề ra; rừng trồng cũng như rừng tự nhiên năng suất và chất lượng thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngoài ra, tăng trưởng lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh còn chậm, đóng góp của lâm nghiệp trong cơ cấu chung của toàn tỉnh đạt rất thấp; tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác tổng hợp và hợp lý, nhất là tiềm năng phát triển du lịch sinh thái… UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng tỉnh rà soát đất đai ba loại rừng phù hợp thực tế để tích hợp vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia trong thời gian tới./.

PV

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com