Hà Nội: Tập trung xây dựng tiêu chuẩn cho lúa, gạo Japonica

08:12, 17/12/2020

Từ đầu năm 2020 tới nay, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung xây dựng 4 tiêu chuẩn cơ sở cho lúa gạo Japonica.

Cụ thể, đó là các tiêu chuẩn cơ sở sản xuất lúa Japonica xuất khẩu, lúa Japonica VietGAP, lúa Japonica hữu cơ, gạo Japonica hữu cơ. Theo đó, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, giám sát trong quá trình sản xuất, hướng dẫn ghi chép nhật ký sản xuất để truy xuất nguồn gốc, bảo đảm 100% diện tích sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn, VietGAP, hữu cơ và hướng hữu cơ...

Kết quả, hiện trên địa bàn thành phố đã có 1 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ, 1 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn chuyển đổi hữu cơ của Mỹ, 2 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn chuyển đổi hữu cơ, 8 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn Việt Nam và 9 điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn.

Thái Nguyên: Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7%

Tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu năm 2021 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,3%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 28 tỷ USD. Thu nhập bình quân đạt 98 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 15.600 tỷ đồng. Số hộ nghèo giảm 1,5% so năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 71%; có thêm bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt hơn 98%...

Để đạt mục tiêu nêu trên, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp xây dựng; chú trọng quy hoạch và đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp phía nam của tỉnh. Khôi phục, phát triển các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh, nhất là ngành cơ khí chế tạo, thu hút đầu tư chế biến sâu trong khai thác khoáng sản. Tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến mở rộng thị trường trong và ngoài nước, vận hành sàn thương mại điện tử để giới thiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao thương và thu hút đầu tư. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thế mạnh. Tăng cường tư vấn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng dự án sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, thực hiện tốt công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững,...

TP Hồ Chí Minh: Kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại 3.385 trang trại

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống truy xuất nguồn gốc thịt lợn, thịt gia cầm và trứng gia cầm được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 đã bước đầu hoạt động hiệu quả, ổn định.

Cụ thể, hiện đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt lợn từ khi lợn được xuất bán tại 3.385 trang trại, được vận chuyển đến 116 cơ sở giết mổ và kinh doanh tại 2 chợ đầu mối (Hóc Môn và Bình Điền) và 1.240 cơ sở bán lẻ.

Ngoài ra, đã tổ chức kiểm soát, quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm từ giai đoạn gà giống xuất trại đến điểm bán với số cơ sở tham gia gồm 60 trang trại gà giống, 775 trang trại gà lấy thịt, 29 cơ sở giết mổ, đóng gói và 476 điểm bán lẻ. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm này từ các cơ sở cung cấp nằm ngoài địa bàn thành phố./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com