Quốc hội thảo luận 2 luật và Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

06:05, 25/05/2020

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 25-5-2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp trực tuyến tại hội trường, nghe: Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này; cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu; Nghe và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDÐNN).

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; quyền, nghĩa vụ của Hòa giải viên tại Tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; trách nhiệm của Tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp trước và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về phạm vi hoạt động của hòa giải viên đã được mở rộng nhằm tạo điều kiện tốt hơn để đương sự lựa chọn được hòa giải viên mà họ tín nhiệm, bảo đảm sự tự nguyện lựa chọn hòa giải viên của người tham gia hòa giải, đối thoại. Về chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án, do đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới, nhằm khuyến khích người dân lựa chọn, đa số các trường hợp Nhà nước không thu chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra và thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế SDÐNN.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế SDÐNN nêu rõ: Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế SDÐNN cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh COVID 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.

Ða số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc thực hiện miễn thuế SDÐNN đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24-11-2010 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6-9-2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Kết luận số 54-KL/TW ngày 7-8-2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11-11-2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế SDÐNN. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế SDÐNN sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Ðến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế SDÐNN để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế SDÐNN trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận). Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế SDÐNN thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Cũng có ý kiến đại biểu cho rằng Quốc hội nên ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế SDÐNN. Bởi vì Nghị quyết 55 của Quốc hội về miễn thuế SDÐNN được xây dựng từ năm 2010, còn Nghị quyết 28 của Quốc hội có bổ sung và kéo dài Nghị quyết 55 đến năm 2020; Ðiều 47 Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tại khoản 1 Ðiều 5 của Luật Thuế năm 2019 cũng đã nêu là mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tham gia Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA thì cũng nên nghiên cứu, xem xét đối kỹ đối tượng miễn thuế cho phù hợp với điều kiện hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, việc miễn thuế SDÐNN cũng ảnh hưởng đến thu nhập ngân sách Nhà nước, hội nhập quốc tế trong cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và tốn nhiều thời gian, công sức quản lý cũng như chi phí khác. Với những bất cập trên, khi thực hiện miễn thuế SDÐNN, Quốc hội cần xem xét nghiên cứu, xây dựng một Nghị quyết mới cho phù hợp, hiệu quả hơn với thực tiễn.

Do vậy một số đại biểu cho rằng Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết mới về miễn thuế SDÐNN, có quy định đối tượng được thụ hưởng rõ ràng để dễ dàng quản lý và bảo đảm ổn định đối nông dân, góp phẩn thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển. Thời hạn thực hiện Nghị quyết mới về miễn thuế SDÐNN có thể đến 31-12-2030.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định: Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế SDÐNN đã góp phần thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Ðảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Phần lớn thời gian làm việc buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, biểu quyết gồm 7 chương, 44 điều. Dự thảo Luật không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực để tránh trùng lặp trong hệ thống pháp luật, chỉ dành 1 điều quy định chung về vai trò, quyền và nghĩa vụ của thanh niên; đồng thời nhấn mạnh trách nhiệm, sứ mệnh của thanh niên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, dự thảo Luật bổ sung 1 chương quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, Nhà nước, gia đình và xã hội, đặc biệt là trách nhiệm đối với bản thân thanh niên.

Bên cạnh đó, để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm của mình, dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước đối với thanh niên, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, nhà trường, gia đình đối với thanh niên.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh niên. 

Cuối phiên thảo luận, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com