Thảo luận và thẩm tra các dự án Luật

10:11, 19/11/2019

Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Ðầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) sáng 19-11, đa số đại biểu đánh giá đây là một chủ trương quan trọng, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, tạo nền tảng pháp lý vững chắc ổn định, góp phần làm minh bạch môi trường kinh doanh cũng như tạo cơ hội để thu hút các nguồn lực to lớn của tư nhân cho việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia trong thời gian tới. Tuy nhiên, các đại biểu cũng kỳ vọng Luật PPP giúp các dự án được thực hiện công khai, minh bạch, tránh được tình trạng đổi những khu đất vàng để nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản của Nhà nước như đã từng xảy ra.

Thực tiễn hiện nay các dự án PPP chủ yếu mới được triển khai thông qua hình thức BOT và BT, tập trung ở lĩnh vực giao thông, trong khi một số lĩnh vực phúc lợi, đặc biệt là lĩnh vực môi trường như xử lý nước thải, rác thải, mặc dù đang rất nóng bỏng, mong muốn các dự án đầu tư vào, Nhà nước cũng có chủ trương cơ chế mời gọi nhưng vẫn không hiệu quả.

Theo đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), lý do là các địa phương hiện nay vẫn lúng túng trong triển khai PPP ở lĩnh vực này ở điểm quy định cho UBND tỉnh xây dựng mức giá thuê các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, bởi khung giá các tỉnh đưa ra thường không hấp dẫn và không ổn định lâu dài.

“Với các dự án môi trường, đòi hỏi phải công nghệ cao. Công nghệ cao thì thường gắn với các doanh nghiệp độc quyền công nghệ. Việc xác định mức giá xử lý thì chưa có thực tế để đối chiếu, so sánh. Các địa phương sợ rằng khi mình đưa ra mức giá mà sau này với tiến bộ công nghệ hoặc so với một địa phương khác đàm phán được mức giá thấp hơn, thì họ lại bị đánh giá rằng có vấn đề này nọ, nên các địa phương rất quan ngại”, đại biểu Trần Văn Lâm cho hay.

Ðại biểu đoàn Bắc Giang đề nghị Chính phủ cần có trách nhiệm đưa ra khung giá thống nhất trong phạm vi cả nước đối với các dịch vụ PPP về môi trường mà doanh nghiệp cung cấp để làm cơ sở cho các địa phương yên tâm thực hiện.

Ðại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Ðồng Tháp) cho rằng cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn, đảm bảo lợi ích cho Nhà nước, nhà đầu tư và người dân là trọng tâm thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các dự án đầu tư cạnh tranh công khai, minh bạch, hiệu quả nhằm thu hút khu vực đầu tư tư nhân. Ðối với việc Thành lập Hội đồng thẩm định dự án, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng ngoài quyền lợi, phải tính đến trách nhiệm của mỗi thành viên Hội đồng để hạn chế việc dự án được thẩm duyệt, lại kém hiệu quả do yếu tố chủ quan. “Không thể để đối tượng gây thiệt hại tài sản của Nhà nước và nhân dân thì bình an vô sự. Quyền lợi được hưởng, có sự cố lại không có trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu Hội đồng. Thực tế đã có không ít những dự án đã gây thiệt hại cho Nhà nước mà người thẩm định lại vô can”, đại biểu đoàn Ðồng Tháp chỉ rõ.

Ngoài ra, đại biểu đoàn Ðồng Tháp cũng yêu cầu làm rõ quy định Hội đồng được thuê tư vấn hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ thẩm định dự án. Bởi việc thuê tư vấn là cần thiết nhưng cần quy định rõ là Hội đồng thẩm định thuê hay cơ quan Nhà nước quản lý thuê để đảm bảo khách quan, phòng ngừa đơn vị tư vấn là “sân sau” của Hội đồng thẩm định.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, các dự án có hiệu quả hay không, công tác lựa chọn nhà đầu tư là tối quan trọng. Do đó, việc công khai, minh bạch, công tâm, không “sân sau”, lợi ích nhóm là rất cần thiết trong dự luật. Trong đó, cần tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của Nhà nước và vốn của nhà đầu tư. “Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay tài sản khác. Nếu là tài sản khác, phải tính giá trị theo cơ chế thị trường, chứ không phải như thời gian qua góp vốn của Nhà nước bằng bất động sản cho các dự án BT. Nhà nước đổi những khu “đất vàng”, còn nhận lại công trình đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công và gây dư luận không tốt”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giám định Tư pháp của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Ủy ban cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp nhằm “tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế”. Tuy nhiên, việc sửa đổi Luật trước hết phải trên cơ sở kết quả tổng kết những hạn chế, vướng mắc qua thực tiễn thi hành Luật.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy, quan điểm chỉ đạo sửa đổi Luật được nêu trong Tờ trình chưa có sự thống nhất với nội dung tổng kết, đánh giá được chỉ ra trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật. Cụ thể, theo Tờ trình, 3 bất cập chính trong pháp luật về giám định tư pháp. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp, “vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức, tổ chức thực hiện Luật nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương”.

Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp về chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường... Trong đó, trách nhiệm cả hai phía: cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu.

Từ những vấn đề trên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, hồ sơ dự án Luật cần được chuẩn bị kỹ hơn. Trong đó, cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp do tổ chức thực hiện luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết. Ðối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan.

Về quy định “phân tuyến” việc trưng cầu giám định tư pháp, Ðiều 21 Luật hiện hành quy định: người trưng cầu giám định có quyền trưng cầu cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 4 Ðiều 2 của Luật này thực hiện giám định (Khoản 1) và có nghĩa vụ: lựa chọn tổ chức hoặc cá nhân thực hiện giám định phù hợp với tính chất, yêu cầu của vụ việc cần giám định (Khoản 2), mà không có quy định giới hạn lựa chọn tổ chức, cá nhân giám định tư pháp theo cấp cơ quan giám định.

Khoản 4 Ðiều 25 dự thảo Luật bổ sung quy định theo hướng “phân tuyến” việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp lần đầu theo thứ tự cấp tỉnh, khu vực và Trung ương. Theo Tờ trình của Chính phủ, quy định này nhằm khắc phục tình trạng cơ quan tố tụng khi giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng chỉ tập trung trưng cầu một số bộ, cơ quan ngang bộ mà ít trưng cầu cơ quan, tổ chức giám định tư pháp ở địa phương, gây quá tải cho các cơ quan Trung ương.

Ðại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc bổ sung quy định này là không cần thiết, vì theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Giám định tư pháp cho thấy, hệ thống tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự hiện nay đang đáp ứng tốt yêu cầu của hoạt động tố tụng và không có vướng mắc lớn. Ðối với việc giám định tư pháp theo vụ việc, số lượng trưng cầu giám định vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tại các bộ, cơ quan ngang bộ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, không đủ cơ sở để xác định quá tải công việc.

Bên cạnh đó, trưng cầu giám định là hoạt động mang tính chuyên môn, khoa học. Theo quy định tại khoản 4 Ðiều 41 Luật Giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc do các bộ, cơ quan ngang bộ công nhận và công bố, không phân cấp Trung ương, địa phương. Việc trưng cầu tổ chức giám định, người giám định theo vụ việc nào là quyền lựa chọn của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết vụ án cụ thể. Việc bổ sung quy định trên tạo ra sự mâu thuẫn giữa Ðiều 21 và Ðiều 25 của Luật.

Cho ý kiến về nội dung này tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, mục đích của quy định này nhằm giảm quá tải giám định lên cơ quan Trung ương, vì thế phân ra giám định tư pháp ở cấp tỉnh, cấp khu vực và cơ quan Trung ương. Nếu bổ sung nội dung này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nên cân nhắc xem quy định này có phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự và quyền lựa chọn của cơ quan tố tụng trong trưng cầu giám định tư pháp để bảo đảm kết quả giám định tư pháp.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp nhằm khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế. 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án Luật được Chính phủ chuẩn bị nghiêm túc, bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu, theo Báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật Giám định tư pháp thì “vấn đề ách tắc trong hoạt động giám định tư pháp hiện nay phần nhiều vẫn do khâu nhận thức và tổ chức thực hiện Luật, nhất là từ phía các bộ, ngành chủ quản và các địa phương”.

Kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp về chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong hoạt động tố tụng hình sự cũng cho thấy, hạn chế, vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động giám định tư pháp là công tác giám định theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, tập trung chủ yếu ở loại hình giám định các lĩnh vực: Xây dựng, tài chính, ngân hàng, tài nguyên và môi trường...

Trong đó, có trách nhiệm cả hai phía: Cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu giám định và việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu. Do đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng hồ sơ dự án Luật cần xác định rõ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp do tổ chức thực hiện Luật, trên cơ sở đó, đề xuất giải pháp chỉ đạo giải quyết. Ðối với những vướng mắc do pháp luật, cần xác định rõ nội dung nào cần được sửa đổi trong Luật Giám định tư pháp, nội dung nào cần được sửa đổi, bổ sung trong pháp luật liên quan.  

Nhiều ý kiến của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần nêu rõ các vướng mắc, bất cập trong hoạt động giám định tư pháp để sửa đổi, bổ sung, khắc phục triệt để những điểm nghẽn đang tồn tại trong công tác này./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com