TP Hồ Chí Minh: Kêu gọi chung tay bảo tồn các di tích kiến trúc văn hóa, lịch sử

07:10, 03/10/2019

UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản giao Sở Xây dựng thành phố quản lý chặt chẽ, kịp thời ngăn chặn chủ đầu tư các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa được xây dựng trước năm 1975 trên địa bàn tự ý phá dỡ, chia cắt biệt thự trái pháp luật; Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố được giao hoàn tất công tác phân loại biệt thự cũ trên địa bàn trong năm 2019 để lập danh sách bảo tồn, gìn giữ và đưa vào phát triển du lịch.

Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.
Các di tích lịch sử văn hóa được bảo tồn sẽ giúp TP Hồ Chí Minh có nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc.

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao UBND các quận, huyện có trách nhiệm tiếp tục rà soát, phân loại tất cả các biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975, hạn chế tối đa tình trạng bỏ sót các biệt thự cũ có giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa trên địa bàn; thực hiện phân loại bước đầu theo Quy định về tiêu chí đánh giá và phân loại biệt thự cũ trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho người dân ra vào khu chung cư số 67 đường Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng chấp thuận cho chủ sở hữu biệt thự tại số 65 Phạm Ngọc Thạch tháo dỡ toàn bộ phần nhà phụ phía sau còn lại và xây mới tường rào giáp lối vào chung cư số 67 Phạm Ngọc Thạch.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phố hiện có 172 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc trong đó có khoảng 40 di tích có thể phát huy thành điểm đến du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước. Mặc dù số lượng các kiến trúc, di tích lịch sử, văn hóa còn ít, nhưng khi đến Thành phố Hồ Chí Minh, du khách đều bày tỏ mong muốn ghé thăm các di tích kiến trúc của thành phố bởi các công trình kiến trúc di sản văn hóa này có giá trị lịch sử và luôn có sức hút riêng với du khách. Vì vậy, để bảo tồn các di sản kiến trúc lịch sử văn hóa rất cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng và toàn thể xã hội, trong đó cần huy động sự tham gia của doanh nghiệp và người dân.

Kiên Giang: Xử lý 138 vụ buôn lậu, gian lận thương mại

Theo Ban Chỉ đạo 389/BCĐ tỉnh Kiên Giang, trong tháng 9-2019, các lực lượng chức năng đã phát hiện 108 vụ việc vi phạm, trong đó có 11 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 95 vụ gian lận thương mại, 2 vụ hàng giả. Các ngành chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 138 vụ, nộp ngân sách 5,14 tỷ đồng.

Theo đó, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức kiểm tra phát hiện 28 vụ; xử lý 62 vụ hành chính; thu nộp ngân sách 924 triệu đồng; trị giá tang vật tịch thu ước tính 973 triệu đồng. Bộ đội Biên phòng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3 vụ; khởi tố 2 vụ/2 đối tượng, tang vật 6,5829 gram ma túy tổng hợp. Cục Hải quan tỉnh phát hiện bắt giữ 3 vụ vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4 tiến hành kiểm tra phát hiện 1 vụ vi phạm hành chính ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng. Cục Thuế tỉnh Kiên Giang đã tiến hành 60 vụ thanh tra, kiểm tra về thuế, xử phạt hành chính truy thu thuế 4,13 tỷ đồng.

Các mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại chủ yếu như thuốc lá điếu, đường cát, nước ngọt, bánh kẹo, phế liệu, thực phẩm, xăng dầu, gas đốt./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com