Lào Cai: Nỗ lực giảm nghèo xây dựng nông thôn mới

08:10, 29/10/2019

Thời gian qua, các cấp ủy cùng cả hệ thống chính trị các cấp của tỉnh Lào Cai đã vận động nhân dân trên địa bàn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh, hoàn thành các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới. Đến nay, thu nhập khu vực nông thôn trên địa bàn của tỉnh ước đạt 24,5 triệu đồng/người/năm (tăng hơn một triệu đồng so với năm 2018, tăng hơn 17 triệu đồng so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 18,56%, giảm 2,44% so với năm 2018; có 59 xã trong tổng số 143 xã đã đạt tiêu chí thu nhập trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, tăng 30 xã so với năm 2015, tăng 51 xã so với năm 2010. Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến hết năm 2025 có hai huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 40 triệu đồng/người/năm.

Cà Mau: Ưu tiên đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Từ năm 2011 đến nay, tỉnh Cà Mau đã thực hiện chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho hơn 13 nghìn lao động diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và người lao động thuộc diện hộ bị thu hồi đất nông nghiệp. Qua đào tạo, phần lớn đều có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ, nhưng có năng suất và thu nhập cao hơn đạt tỷ lệ 80%.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách ưu tiên đào tạo nghề cho người dân diện nêu trên, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh tập trung xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; chú trọng kiện toàn bộ máy nhân sự các cơ sở đào tạo nghề công lập gắn với hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo nghề; đổi mới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, theo nhu cầu thị trường.

Hải Phòng: Phấn đấu tất cả các huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Thành phố Hải Phòng hiện có ba huyện Cát Hải, An Dương, Kiến Thụy hoàn thành toàn bộ 9 tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới và 14 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (chất lượng nhiều tiêu chí đạt mức cao hơn chuẩn của Trung ương và trung bình cả nước).

Thành phố phấn đấu hết năm 2020 có 100% số huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; đến năm 2025 có bốn đơn vị đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu và 30 xã nông thôn mới nâng cao, 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 100 thôn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 2 đến 2,5 lần so với năm 2020. Để đạt được những mục tiêu này, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng cơ cấu lại ngành, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tăng cường liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thành phố chú trọng tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn mới phù hợp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa của địa phương. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ sở ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển đô thị; xây dựng và giữ gìn cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp, hình thành các vùng quê đáng sống. Xây dựng kế hoạch phát triển đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo đà để đến năm 2030 chuyển đổi 50% số huyện thành quận như mục tiêu Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị đề ra./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com