Hậu Giang: Doanh nghiệp cam kết mua hết mía cho nông dân

07:09, 17/09/2019

Ngày 16-9, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết sẽ mua hết mía niên vụ 2019-2020 của người dân Hậu Giang.

Ông Lê Hồng Thái thông tin, đến nay, một số hộ trồng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang chưa ký kết tiêu thụ mía với Casuco, vì còn trông chờ vào chính sách thu mua mía của các nhà máy đường Trà Vinh, Sóc Trăng như những năm trước. Do những hộ dân này không biết là năm nay, các nhà máy đường này cũng chung một công ty với Casuco nên chính sách thu mua mía của Casuco cũng giống như hai nhà máy đường Trà Vinh và Sóc Trăng. Mặc dù vậy, việc có ký bao tiêu hay không thì Casuco cũng cam kết sẽ mua hết mía của nông dân niên 2019-2020.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2019-2020 toàn tỉnh xuống giống được gần 8.200ha, năng suất bình quân trên 100 tấn/ha, đạt sản lượng hơn 850 nghìn tấn mía. Mía nguyên liệu trên các cánh đồng đang giai đoạn vươn lóng và chuẩn bị thu hoạch rộ. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được hơn 1.000ha mía bán mía nước.

Hà Nội: Giám sát môi trường tại ô chôn lấp lợn bị bệnh dịch tả châu Phi

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các quận, huyện, thị xã thực hiện quan trắc, giám sát chất lượng môi trường tại một số ô chôn lấp lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Các đơn vị đã tổ chức khảo sát thực địa, lựa chọn địa điểm để giám sát chất lượng môi trường các ô chôn lấp.

Cụ thể, các địa phương dự kiến lấy mẫu tại 1 khu vực/điểm/hố chôn lấp ở các xã: Vật Lại (huyện Ba Vì), Cổ Đông (thị xã Sơn Tây), Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Tự Lập (huyện Mê Linh), Phù Lưu Tế (huyện Mỹ Đức), Lam Điền (huyện Chương Mỹ) và Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Các địa phương dự kiến lấy mẫu tại 2 khu vực/điểm/hố chôn lấp gồm các xã: Tiên Dương (huyện Đông Anh) và Phù Linh (huyện Sóc Sơn).

Căn cứ ý kiến của Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ xây dựng phương án quan trắc, giám sát chất lượng môi trường các khu vực chôn lấp lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Thời gian quan trắc, lấy mẫu sau 30 ngày, 60 ngày và 90 ngày kể từ ngày hoàn thành thi công ô chôn lấp tiêu hủy lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đây sẽ là cơ sở để các sở, ngành, địa phương có giải pháp căn cơ lâu dài đối với bài toán môi trường tại các điểm chôn lấp trên địa bàn Hà Nội./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com