Bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững

07:06, 03/06/2019

Ngày 31-5, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Khắc phục hạn chế, yếu kém trong giáo dục và đào tạo

Trong phiên làm việc buổi sáng, tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội, báo cáo giải trình một số vấn đề về giáo dục, đào tạo như gian lận trong kỳ thi trung học quốc gia năm 2018, bạo lực học đường… đang là vấn đề nóng, được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Năm 2018 xảy ra gian lận ở một số địa phương, nhất là khâu trông thi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm và thiếu sót của người đứng đầu ngành. Sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đoàn thanh tra, kiểm tra, đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh, bước đầu đã có được kết quả. Bài thi của các thí sinh được nâng điểm được chấm lại, trở về điểm thật. Các em không đủ điểm vào đại học đã trả về địa phương. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm toàn ngành qua hội nghị trực tuyến. Các đối tượng liên quan tiếp tục bị khởi tố. Do tính chất phức tạp của vụ việc, cho nên đến nay Bộ Công an đang tiếp tục quá trình điều tra, các địa phương tiếp tục xử lý theo trách nhiệm của mình. Khi có kết quả điều tra, các đối tượng sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai một số giải pháp: Tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ; điều các cán bộ coi thi và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Công tác chấm thi sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp chỉ đạo, giao các trường đại học phụ trách. Đối với bài thi tự luận được chấm làm hai vòng, những bài được điểm cao sẽ chấm lại. Bộ trưởng đề nghị, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đại biểu, cử tri giám sát để kỳ thi năm 2019 bảo đảm công bằng.

Đối với vấn đề đạo đức nhà giáo đang có những biểu hiện đáng lo ngại, Bộ trưởng cho biết: Hiện có gần 1,5 triệu nhà giáo, hầu hết rất tâm huyết, say mê nghề nghiệp, nhiều tấm gương tốt, tuy nhiên có một bộ phận đang sa sút về phẩm chất, đạo đức. Khi xảy ra những vi phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên quyết xử lý và đề nghị các địa phương đưa ra khỏi ngành những giáo viên vi phạm đạo đức. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp để tăng cường tuyên truyền và xây dựng các chương trình hỗ trợ cho giáo viên kỹ năng ứng xử sư phạm; tăng cường tuyên truyền các tấm gương nhà giáo tốt. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, sự nghiệp đổi mới Giáo dục và Đào tạo cần có thời gian, có những đổi mới chưa thể có kết quả ngay. Việc đổi mới căn bản và toàn diện dẫn đến những lúng túng, sai sót, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận thức rõ và kiên quyết khắc phục…

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Đề cập đến tình hình sản xuất nông nghiệp thời gian qua, một số đại biểu cho rằng, theo Báo cáo của Chính phủ, trong những tháng đầu năm 2019, tình hình sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh phát sinh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và thu nhập của người dân tại nhiều địa phương… Cây trồng chết không kịp trồng theo thời vụ, động vật chết dịch phải tiêu hủy, nhưng động vật sống không bị dịch cũng không bán được hoặc bán với giá thấp, không đủ bù đắp chi phí sản xuất. Mặc dù Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ kịp thời nhưng mới giải quyết được khó khăn trước mắt cho người dân. Từ thực tế nêu trên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn nữa công tác theo dõi, dự báo thời tiết, nguy cơ dịch bệnh, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; chỉ đạo kiên quyết, kịp thời việc phòng, chống dịch, không để lây lan trên diện rộng; hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất, nhất là những người nghèo để khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất, có thu nhập ổn định, không bị tái nghèo.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, để phát triển nền nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường, cần phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp. Theo đại biểu, trong mô hình kinh tế tuần hoàn, quá trình sản xuất theo một chu trình khép kín mà hầu hết các chất thải được quay trở lại làm nguyên liệu cho sản xuất. Chất thải và phụ phẩm của quá trình sản xuất này là đầu vào của quá trình sản xuất khác. Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát, giảm chất thải ra môi trường. Bởi vậy, có thể triển khai áp dụng công nghệ cao trong tái chế để tái sử dụng rác thải và phụ phẩm trong nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản để tạo ra giá trị gia tăng cao. Nếu có thể nghiên cứu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để xử lý chất thải và xác vật nuôi bị nhiễm bệnh thành các sản phẩm phân bón, sản phẩm hữu dụng, an toàn thì vừa tránh được những bất cập trong tiêu hủy, chôn lấp vừa tiết kiệm chi phí, tránh gây ô nhiễm môi trường… Do vậy, đại biểu đề nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ có chủ trương ưu tiên, định hướng phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, có chính sách đồng bộ để thúc đẩy, thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản. Nâng cao nhận thức, ý thức và tư duy của toàn xã hội về nông nghiệp tuần hoàn, thông qua chương trình đào tạo từ các cấp bậc phổ thông đến bậc đại học và thông qua các chương trình khuyến nông. Đồng thời, có chính sách đầu tư cho nghiên cứu, đầu tư nguồn lực phát triển các hệ thống quản lý, quản trị sản xuất và công nghệ tương thích để phát triển nền nông nghiệp tuần hoàn, từ đó lan tỏa sang các ngành kinh tế khác, góp phần định hướng lại nền nông nghiệp trong tiến trình cơ cấu ngành, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng: Năm 2018, Việt Nam đạt kết quả tăng trưởng về nông nghiệp rất tốt (3,76%), xuất khẩu nông sản được 40,02 tỷ USD. Đây là kết quả cao, thể hiện sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, người nông dân và các thành phần kinh tế. Đến nay, chúng ta đã vượt qua khó khăn bước đầu, bảo đảm tăng trưởng các khu vực. Về dịch tả lợn châu Phi, đây là một loại bệnh nguy hiểm cho ngành chăn nuôi trên thế giới và của Việt Nam. Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp, song do tính chất lan truyền của bệnh này nên đến nay, bệnh dịch đã lan ra 48 tỉnh, thành phố. Nếu không có biện pháp phòng ngừa tích cực, bệnh sẽ tiếp tục lây lan ra những vùng còn lại.

Cuối phiên làm việc buổi sáng 31-5, thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong 1,5 ngày thảo luận tại hội trường, đã có 77 đại biểu Quốc hội phát biểu, 9 đại biểu tham gia tranh luận về một số nội dung mà các đại biểu quan tâm. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo đã tham gia phát biểu, giải trình, cung cấp thông tin thêm cho một số nội dung có liên quan. Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận được Ban Thư ký tổng hợp, phản ánh đầy đủ và sẽ chuyển cho Chính phủ tiếp thu và tổ chức chỉ đạo thực hiện thời gian tới.

Tăng “độ mở” của luật để hội nhập sâu rộng hơn

Trong phiên làm việc chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ. Đa số ý kiến đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Báo cáo tiếp thu, giải trình của Bộ Công thương về dự án Luật nêu trên. Liên quan đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ, đại biểu Dương Minh Tuấn đã đặt câu hỏi về sự chậm trễ của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc ban hành văn bản hướng dẫn nhằm xác định giá trị làm lợi từ các sáng chế, sở hữu trí tuệ công nghiệp, dù Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực từ năm 2005 và Nghị định 103 về hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành vào năm 2006.

Đối với các quy định được sửa đổi, bổ sung của Luật Kinh doanh bảo hiểm, đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng, khái niệm “phụ trợ bảo hiểm” được Chính phủ đề xuất coi như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tương tự như bốn ngành nghề kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, nhưng trường hợp chủ thể được phép cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm ngoài tổ chức đồng nghĩa với việc cá nhân cũng có quyền được cung cấp. Trong khi đó, theo luật hiện hành thì bốn ngành nghề kinh doanh bảo hiểm chỉ cho phép tổ chức được quyền cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đây là điểm thông thoáng, hướng đến mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân trong thực hiện quyền tự do kinh doanh. Tuy nhiên, theo nhu cầu nội tại của thị trường bảo hiểm cũng như yêu cầu từ các cơ quan quản lý Nhà nước, thì dự án Luật cần đưa ra những cải thiện rõ nét hơn về chuyên môn, tiêu chuẩn của cá nhân hoạt động phục vụ phụ trợ bảo hiểm. Ngoài ra, thực tế cho thấy, công tác giám sát hoạt động của cá nhân hoạt động phục vụ phụ trợ bảo hiểm vẫn tồn tại một số khó khăn nhất định so với công tác giám sát hoạt động của các tổ chức. Vì vậy, nếu chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng lại buông lỏng giám sát, sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sự an toàn của toàn bộ thị trường bảo hiểm, cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu nêu.

Thứ bảy, ngày 1-6-2019, Chủ nhật, ngày 2-6-2019, Quốc hội nghỉ.

Hôm nay, thứ hai, ngày 3-6-2019, buổi sáng, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020; việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; buổi chiều, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com