Phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe nhân dân

07:11, 12/11/2018

Ngày 9-11, kỳ họp thứ 6, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, đại biểu QH nghe các văn bản: Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (PCTHRB); Báo cáo thẩm tra về dự án Luật PCTHRB; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trồng trọt và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019; nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch và tiếp tục thảo luận về dự án Luật này.

Bảo vệ sức khỏe nhân dân

Tờ trình về dự án Luật PCTHRB cho biết, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh, cho nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội đang ngày càng gia tăng và là thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, việc ban hành Luật PCTHRB là cần thiết để thể chế hóa quan điểm, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành mới chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, chưa điều chỉnh đầy đủ đối với PCTHRB nên cần phải được điều chỉnh kịp thời để phù hợp yêu cầu PCTHRB. Bố cục dự thảo Luật gồm bảy chương và 38 điều.

Báo cáo thẩm tra về dự án luật này của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về "phòng bệnh hơn chữa bệnh", kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động…

Tiếp đó, các đại biểu QH thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trồng trọt. Liên quan đến chính sách đối với hoạt động trồng trọt, các đại biểu Tạ Minh Tâm (Tiền Giang), Dương Tuấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), Mùa A Vảng (Điện Biên) và một số đại biểu khác đề nghị cần bổ sung những quy định về quản lý nghiêm ngặt từng khâu trong hoạt động trồng trọt, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, xây dựng và quản lý tốt thương hiệu trồng trọt Việt Nam. Bên cạnh đó, dự án Luật cũng cần có các quy định nhằm phát huy vai trò các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức xã hội, thúc đẩy quá trình liên kết, tái cơ cấu hoạt động trồng trọt; đẩy mạnh liên kết hộ trồng trọt, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động trang trại, các mô hình sản xuất lớn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thích ứng với biến đổi khí hậu. Có ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo rà soát lại tính khả thi trong các quy định về điều kiện hoạt động của các chủ thể tham gia hoạt động trồng trọt, bởi đối tượng tác động của dự án Luật phần đông là các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong thị trường nông nghiệp đa dạng...

Về nguyên tắc hoạt động trồng trọt, đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Hải Phòng) và một số đại biểu khác cho rằng, việc quy định nguyên tắc trong hoạt động trồng trọt là cần thiết, tuy nhiên, nguyên tắc thường được quy định ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu để làm cơ sở thực hiện. Trong khi, một số nội dung trong điều luật này có cách viết mang tính chất như chính sách, chủ trương. Bên cạnh đó, việc dự thảo Luật quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 năm là quá dài, do đó, cần nghiên cứu lại và chỉ nên quy định phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 10 năm tiếp theo.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu ý kiến, giải trình những vấn đề các đại biểu QH nêu ra. Đồng thời cho biết: Cùng dự thảo luật này, Bộ đã hoàn thành bốn nghị định và đã chuyển các cơ quan chức năng thẩm định, xem xét. Bốn nghị định này gắn với sáu thông tư cùng những tiêu chuẩn, quy chuẩn khi được triển khai sẽ giải quyết được những vấn đề đặt ra trong trồng trọt và sản xuất nông nghiệp.

Năm 2019, nâng mức lương cơ sở lên 1,49 triệu đồng/tháng

Đầu giờ làm việc buổi chiều, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019. Sau đó, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019 với 418 đại biểu tán thành, bằng 86,19% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ: Tổng số thu NSNN năm 2019 là 1.411.300 tỷ đồng; tổng số chi là 1.633.300 tỷ đồng; mức bội chi là 222 nghìn tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP); tổng mức vay của NSNN là 425.252 tỷ đồng. Bên cạnh đó cho phép sử dụng 10.380 tỷ đồng kinh phí còn lại của ngân sách Trung ương năm 2017 để xử lý cho các nhiệm vụ: bù giảm thu cân đối ngân sách Trung ương là 5.894 tỷ đồng; hỗ trợ bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương là 2.815 tỷ đồng; hỗ trợ một số địa phương thiếu nguồn thực hiện chính sách tiền lương là 1.671 tỷ đồng...

Nghị quyết giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán NSNN đúng quy định của pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng NSNN. Tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN, cơ cấu lại các khoản thu, mở rộng cơ sở thu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, quyết liệt chống thất thu thuế, chuyển giá, trốn thuế, giảm tỷ lệ nợ thuế. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; giảm kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, có biện pháp tích cực để giảm bội chi…

Nghị quyết cũng giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở. Thời điểm thực hiện từ ngày 1-7-2019.

Tiếp đó, QH thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Cho ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, một số đại biểu đề nghị không quy định nội dung này tại dự thảo luật, do đã được quy định tại Luật Quy hoạch. Hơn nữa, việc cùng một nội dung quản lý Nhà nước nhưng lại quy định ở nhiều luật khác nhau là không phù hợp, sẽ gây khó khăn, phức tạp trong áp dụng pháp luật. Một số đại biểu cũng đề nghị bỏ "phương án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong quy hoạch tỉnh" trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất, vì trái với Luật Quy hoạch và nội dung này cũng đã được tích hợp trong nội dung quy hoạch tỉnh. Việc lập thêm phương án sẽ dẫn đến tình trạng trên địa bàn tỉnh có nhiều văn bản quản lý đất đai có cùng một nội dung và mức độ chi tiết gây khó khăn cho quá trình áp dụng và gây lãng phí.

Các đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An), Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) và một số đại biểu đề nghị không lập quy hoạch xây dựng tỉnh vì trùng với quy hoạch tỉnh tại Luật Quy hoạch. Việc lập riêng quy hoạch xây dựng tỉnh sẽ dẫn đến cùng một cấp, cùng một nội dung của ngành xây dựng lại được lập, thẩm định đến hai lần, tạo thêm thủ tục hành chính, gây lãng phí, trùng lặp, chồng chéo và khó khăn, phức tạp trong quá trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên, các đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) và nhiều đại biểu đề nghị giữ quy hoạch xây dựng tỉnh như dự thảo luật. Bởi vì, việc đổi mới hoạt động quy hoạch là cần thiết, nhằm tạo ra sự thống nhất cao trong công tác quy hoạch, tránh chồng chéo, lãng phí, song cũng cần phải bảo đảm tính kế thừa…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo đã phát biểu ý kiến nhằm trao đổi, báo cáo và giải trình thêm một số vấn đề đại biểu QH đã nêu về dự án luật.

Thứ bảy, các cơ quan của QH làm việc theo chương trình riêng.

Chủ nhật, ngày 11-11-2018, QH nghỉ.

Thứ hai, ngày 12-11-2018, QH họp phiên toàn thể tại hội trường. Buổi sáng, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Buổi chiều, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; thảo luận tại tổ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật PCTHRB./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com