Thảo luận các dự án Luật và thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019

07:11, 09/11/2018

Ngày 7-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp đó, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận dự án Luật Chăn nuôi.

Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu QH bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với một số quy định cụ thể trong dự án luật, còn đại biểu có ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình tại kỳ họp này đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước.

Để công tác đặc xá được công bằng, chặt chẽ, các đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các quy định về điều kiện để được đặc xá; trong đó cần phân chia cụ thể, rõ ràng từng đối tượng được đề nghị đặc xá cần bảo đảm những tiêu chuẩn nào. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về tổ chức hoặc chế tài để có thể kiểm tra, thẩm định kết quả đề nghị đặc xá. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc khi dự thảo luật quy định đặc xá cho cả những người đang hưởng án treo. Bởi những người đang thi hành án treo, thực chất là người không phải chấp hành hình phạt tù và buộc phải chịu thời gian thử thách nhất định. Nếu họ thật sự chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có thể xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, chứ không nên đưa vào diện đặc xá… Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã phát biểu ý kiến tiếp thu các góp ý, đề xuất của các đại biểu QH, đồng thời nêu rõ: Ngay sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu QH để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN
Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi. Thảo luận về chính sách của Nhà nước trong chăn nuôi, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chính sách về phát triển chăn nuôi an toàn, theo hướng phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích; bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng vào chăn nuôi, hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, sửa các quy định về quản lý thức ăn có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.

Một số đại biểu nêu rõ, để kiểm soát tốt các chỉ tiêu an toàn ngay trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào của sản xuất, dự thảo luật cần quy định việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, luật hóa những quy định về kiểm soát thức ăn chăn nuôi đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả thời gian qua. Tuy nhiên, cần cải cách thủ tục hành chính để hạn chế việc trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, sáng 8-11, với 447/450 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 92,16%, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Nghị quyết đề ra mục tiêu tổng quát, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và tận dụng có hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các mục tiêu tiếp theo, chú trọng phát triển y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

12 chỉ tiêu chủ yếu được đề ra là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24-24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 88,1%; Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2019, QH cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao trình và các cơ quan của QH kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, báo cáo giám sát chuyên đề. QH đề nghị các cơ quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 37-KL/TW ngày 17-10-2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Đồng thời, QH yêu cầu các Chính phủ và các cơ quan tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Tăng cường năng lực, chủ động, phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước để chủ động có đối sách phù hợp và kịp thời; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết QH về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu; tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách; quản lý, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ và chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân; đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và quản lý hiệu quả Quỹ BHYT; tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số; thực hiện nghiêm việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để bảo vệ đất nước./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com