Khánh Hòa: Khẩn trương sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố

08:08, 01/08/2018

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ điều kiện theo quy định về quy mô số hộ gia đình ở mỗi thôn, tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo quy định của Nhà nước, ở vùng đồng bằng, mỗi thôn phải có từ 400 hộ gia đình trở lên. Ở vùng miền núi, hải đảo, thôn phải có từ 200 hộ gia đình trở lên. Tổ dân phố ở vùng đồng bằng phải có từ 500 hộ gia đình trở lên/tổ; ở vùng miền núi, hải đảo phải có từ 300 hộ gia đình trở lên.

Làm nghề đan giỏ cần xé tại thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Ảnh minh họa: Phan Sáu/TTXVN
Làm nghề đan giỏ cần xé tại thôn Suối Cát, xã Cam Hiệp Nam, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa).

Khánh Hòa có 990 thôn, tổ dân phố thuộc 140 đơn vị hành chính cấp xã của 9 huyện, thị xã, thành phố. Số liệu thống kê đến tháng 4-2018 tại Khánh Hòa cho thấy, so với điều kiện thành lập thôn, tổ dân phố mới quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV của Bộ Nội vụ, chỉ có 5% số tổ dân phố của tỉnh này có quy mô hộ gia đình đạt chuẩn theo quy định (23/495 tổ dân phố), 95% số tổ dân phố còn lại có quy mô số hộ gia đình chưa đạt mức theo quy định. Chỉ có 56% số thôn (275/495 thôn) có quy mô hộ gia đình đạt chuẩn theo quy định, 11% số thôn có quy mô số hộ gia đình đạt mức dưới 50% tiêu chuẩn quy định.

Theo kế hoạch, UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo UBND các huyện, thị, thành phố khẩn trương, cương quyết sắp xếp, sáp nhập lại các thôn, tổ dân phố không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. Qua đó, xây dựng đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, tổ chức lấy ý kiến của toàn thể cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình về đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố trong khu vực các thôn, tổ dân phố được sáp nhập.

Bên cạnh đó, Sở Nội vụ tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh để cơ quan này trình HÐND tỉnh vào kỳ họp giữa năm 2019 để thông qua. Sau khi có Nghị quyết của HÐND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định sáp nhập thôn mới, tổ dân phố mới, phù hợp với yêu cầu thực tế.

Yên Bái: Hỗ trợ người dân vùng lũ vượt qua khó khăn

Sau trận mưa lũ kinh hoàng, nhiều địa phương trong tỉnh Yên Bái, đặc biệt là vùng tâm lũ huyện Văn Chấn đã chịu thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Nhằm kịp thời động viên, giúp đỡ và chia sẻ với người dân vùng lũ, nhiều ngày qua, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng với các nhà hảo tâm đã đến thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu để người dân vùng lũ sớm ổn định đời sống. Ðến ngày 30-7, Yên Bái đã có 95 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh quyên góp, ủng hộ gần 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra còn có hàng chục tấn gạo, máy bơm nước và nhiều nhu yếu phẩm khác. Tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đã phát động ủng hộ nhân dân bị thiệt hại do mưa lũ.

Ngay sau khi lũ dữ đi qua, đoàn công tác của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái, cùng với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các nhu yếu phẩm để chia sẻ với nhân dân vùng lũ Văn Chấn, huyện Văn Chấn. Ðây là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản với 7 người chết, 143 nhà bị thiệt hại, 1.123ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng./.

Theo chinhphu.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com