Tiền Giang: Đầu tư 110 tỷ đồng phát triển giao thông nông thôn

08:01, 24/01/2018

Nhằm đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và tạo điều kiện cho địa bàn sâu xa vùng Đồng Tháp Mười thuận lợi về giao thông, Tiền Giang dự kiến sẽ đầu tư thực hiện 270 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài khoảng 200km và kinh phí lên đến 110 tỷ đồng.

Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, để thực hiện mục tiêu, ngành Giao thông phối hợp chặt chẽ cùng các địa phương rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư kiện toàn giao thông nông thôn gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Theo đó, coi trọng huy động các nguồn lực theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: vốn ngân sách, vốn nhân dân đóng góp, vốn vận động trong các doanh nghiệp và mạnh thường quân, các nguồn vốn khác,…

Đặc biệt là phát động phong trào hiến đất để kiện toàn cơ sở vật chất hạ tầng giao thông - thủy lợi, đổi mới bộ mặt nông nghiệp - nông thôn, tạo thuận lợi để nông dân phát huy tốt các tiềm năng đất đai, lao động xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt tham gia thị trường, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao mức sống và giảm nghèo nông thôn.

Ông Trần Văn Bon cũng cho biết, ngay từ đầu năm 2018, ngành GTVT cùng các huyện, thành, thị xác định công trình giao thông nông thôn cần đầu tư trong đó những công trình cần ưu tiên làm trước để sớm bố trí nguồn vốn và chủ động kinh phí triển khai thực hiện. Nhất là tập trung cho 22 xã dự kiến phấn đấu ra mắt xã NTM trong năm 2018.

Thừa Thiên - Huế: Phát triển cây bưởi thanh trà

Hiện nay, Thừa Thiên - Huế phát triển diện tích trồng cây thanh trà lên 1.100ha, chủ yếu trên đất phù sa bồi dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu. Các huyện, thị xã có diện tích trồng cây thanh trà lớn như: Hương Trà 481ha; Phong Điền 258ha; Quảng Điền 50ha, Phú Lộc 60ha và Thị xã Hương Thủy 105ha... Phường Thủy Biều, Thành phố Huế, có 140/147ha thanh trà vào vụ thu hoạch năm 2017 cho sản lượng 900 tấn; doanh thu đạt 27 tỷ đồng; bình quân mỗi ha cho thu hoạch 200 triệu đồng.

Trong những năm qua, thanh trà đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo của hàng nghìn hộ nông dân ở Thừa Thiên - Huế. Sắp tới, ngoài việc mở rộng diện tích, cần có sự liên kết giữa các hộ gia đình có vườn cây, giữa các địa phương có trồng cây thanh trà để học hỏi kinh nghiệm, tổ chức liên kết sản xuất thành vùng có sản phẩm hàng hóa, có đầu mối liên kết thị trường tiêu thụ.

Để xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang đôn đốc các địa phương, các hộ trồng thanh trà cần bổ sung dinh dưỡng cho đất, bón thêm phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, quả đồng đều, có chất lượng.

Hà Nội: Kêu gọi ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu”

Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội phát động và kêu gọi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công nhân, viên chức, người lao động và nhân dân thủ đô nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết dân tộc, chi viện cho Trường Sa, hưởng ứng ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” để bày tỏ tình cảm của quân, dân thủ đô đối với các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đang làm nhiệm vụ, giữ gìn sự bình yên và chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Trong kế hoạch ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” đưa ra mức vận động cho quỹ. Theo đó, trong các cơ quan, đơn vị, vận động mỗi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ủng hộ ít nhất một ngày lương, các tiểu thương và các hộ gia đình ủng hộ 1 ngày thu nhập... Vận động các đơn vị, các tổ chức kinh tế trích quỹ công ích ủng hộ tùy theo khả năng, điều kiện của đơn vị.

Được biết, trong năm 2017, với tinh thần “Vì Trường Sa thân yêu”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội đã trích gần 30 tỷ đồng hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Văn hóa đa năng tại đảo Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com