Hà Nội: Tu bổ di tích quốc gia Chùa Tây Phương

08:12, 08/12/2017

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý chủ trương giao UBND Thành phố Hà Nội chủ trì lập Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.

Phó Thủ tướng giao Bộ VH, TT và DL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích quốc gia đặc biệt Chùa Tây Phương; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một góc di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương
Một góc di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương

Chùa Tây Phương là ngôi chùa có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đặc biệt, đây là một di tích tiêu biểu nhất về mặt kiến trúc, điêu khắc và tạc tượng trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam thế kỷ 18. Năm 1962, chùa Tây Phương đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH, TT và DL) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2014, chùa Tây Phương nằm trong danh sách được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Năm 2015, Di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Tây Phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Lễ hội chùa Tây Phương được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 5 đến mùng 7-3 âm lịch.

Quảng Ngãi: Tìm lối ra cho dưa hấu

Ngày 6-12, Bộ Công thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Hội nghị phổ biến thông tin quy định của thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm dưa hấu nhập khẩu.

Trong năm 2017, tổng diện tích trồng dưa hấu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 1.370ha, năng suất bình quân đạt khoảng 297,5 tạ/ha. Sản lượng bình quân ước đạt 40.783 tấn. Các giống dưa hấu được nông dân lựa chọn trồng chủ yếu gồm Hắc Mỹ nhân, Hắc Long, An Tiêm, Hồng Lương. Giá bán dưa hấu dao động từ 2.000-8.000 đồng/kg.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, năm 2016, xuất khẩu dưa hấu vào thị trường Trung Quốc hơn 238 nghìn tấn, vượt quá nhu cầu thị trường lên đến 38 nghìn tấn dẫn đến hệ lụy “được mùa, mất giá” diễn ra thường xuyên.

Nguyên nhân chính của tình trạng này do bất cập về tổ chức sản xuất và tiêu thụ của địa phương cũng như các cơ quan quản lý, trong đó có công tác dự báo và cơ cấu lại thị trường chưa làm tốt. Dưa hấu của nông dân Quảng Ngãi nói riêng và cả nước nói chung chủ yếu là bán sang Trung Quốc. Công tác ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ chưa được quan tâm đúng mức để hỗ trợ cho nông dân trong việc tổ chức lại sản xuất. Mặt khác, nông dân Quảng Ngãi với phương thức sản xuất còn lạc hậu, sản xuất theo hộ gia đình; các hợp tác xã chưa được đổi mới, chưa có sự liên kết với các doanh nghiệp…

Một số giải pháp được đưa ra tại Hội nghị như doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng, có bước đi phù hợp với cơ chế đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Ngoài ra, cần định hướng cho người nông dân trong quy hoạch sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần công khai đầy đủ thông tin về tình hình tiêu thụ sản phẩm để người dân nhận diện thị trường, quyết định việc sản xuất bởi chỉ khi cung không vượt quá cầu thì người trồng dưa mới có lợi nhuận.

Thái Nguyên: Thêm 6.000 hộ dân được cải tạo, nâng cấp lưới điện trong 2018

Sáng 7-12, tại xóm Ao Then, xã Yên Đổ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã tổ chức Lễ khởi công dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Thái Nguyên năm 2017-2018.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Thái Nguyên năm 2017-2018 có quy mô xây dựng mới và cải tạo 20km đường dây trung thế (35,22 kV), 37 trạm biến áp (TBA) phân phối, 155km đường dây hạ thế với tổng số vốn đầu tư là 77 tỷ đồng nhằm cấp điện cho khoảng 6.000 hộ dân của 65 thôn, xóm thuộc 29 xã trên địa bàn 5 huyện, thị của tỉnh Thái Nguyên là: Phú Lương, Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình và Thị xã Phổ Yên.

Tại huyện Phú Lương, một trong những huyện có nhiều thôn xóm còn gặp nhiều khó khăn được ngành điện Thái Nguyên đầu tư và cải tạo với quy mô: Cấp điện cho khoảng 2.300 hộ dân của 27 thôn thuộc 7 xã. Trong đó sẽ xây dựng và cải tạo 8km đường dây trung thế, 13 TBA phân phối, 51km đường dây hạ thế với mức đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.

Tiếp theo công trình của huyện Phú Lương, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ đồng loạt triển khai thực hiện thi công trên địa bàn 5 huyện, thị có dự án trên địa bàn tỉnh.

Thông tin về nhiệm vụ cung cấp điện cho nhân dân các xã vùng sâu vùng xa trên địa bản tỉnh Thái Nguyên, ông Đinh Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Trong tháng 6-2017, Công ty đã hoàn thành dự án đưa điện về 14 thôn bản chưa có điện lưới quốc gia thuộc xã Văn Lãng, huyện Đồng Hỷ để cấp điện cho gần 1.600 hộ dân.

Đến tháng 9-2017, tiếp tục hoàn thành dự án cải tạo lưới điện nông thôn bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Tái thiết Đức (KWF), cải thiện chất lượng điện năng cho hơn 25 nghìn hộ dân thuộc vùng dự án.

Công trình đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa tỉnh Thái Nguyên năm 2017-2018 là một trong những hoạt động hưởng ứng tháng “Tri ân khách hàng” mà Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đang triển khai thực hiện trên địa bàn các tỉnh miền Bắc.

Công trình dự kiến sẽ hoàn thành trước tháng 6-2018. Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, Công ty Điện lực Thái Nguyên sẽ chỉ đạo, phối hợp sát sao với đơn vị tư vấn, nhà thầu và các đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án bảo đảm chất lượng, đáp ứng mục tiêu cung cấp điện phục vụ đời sống sinh hoạt, phát trển  KT-XH của nhân dân địa phương./.

Theo dangcongsan.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com