Hội nghị tổng kết Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thuỷ sản

07:08, 02/08/2017

Sáng 1-8 tại trụ sở Bộ NN và PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Cao Đức Phát, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Bộ NN và PTNT, đại diện UBND, Sở NN và PTNT các tỉnh, thành phố ven biển.

Phát triển kinh tế biển nói chung, ngành thủy sản nói riêng là một chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước từ trước đến nay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu kết luận Hội nghị.

Hội nghị lần thứ 4, khóa X đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 9-2-2007 về Chiến lược biển, trong đó khẳng định “phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh, phấn đấu đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp 55% GDP của cả nước”.

Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ VII, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục xác định kinh tế nông nghiệp, nông thôn là trọng tâm, trong đó nhấn mạnh lĩnh vực thủy sản.

Đặc biệt Kết luận số 97-KL/TW ngày 15-5-2014 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW nêu trên tiếp tục khẳng định phát triển thủy sản là “nuôi trồng và khai thác thủy sản trên các vùng biển xa, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng; phát triển nhanh lực lượng khai thác xa bờ theo hướng đầu tư trang thiết bị phương tiện, công nghệ hiện đại, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch…”.

Để thực hiện chủ trương này, ngày 7-7-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Nội dung Nghị định đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của ngư dân. Nghị định tập trung vào việc khuyến khích đánh bắt xa bờ, hỗ trợ, tạo điều kiện cho bà con ngư dân đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới, công suất lớn, qua đó đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con, góp phần trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ biển, đảo.

Sau khi Nghị định 67/2014/NĐ-CP được ban hành, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã quyết liệt, khẩn trương triển khai thực hiện.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định, 1 quyết định, 1 nghị quyết để sửa đổi, bổ sung Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Các Bộ NN và PTNT, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều thông tư, quyết định, các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Các địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc; tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định, nội dung của Nghị định đến với ngư dân; tổ chức kiểm tra, đánh giá và ban hành quyết định công nhận các cơ sở đóng mới, nâng cấp sửa chữa tàu cá đủ điều kiện và báo cáo Bộ NN và PTNT tổng hợp thông báo trên toàn quốc cho ngư dân biết và lựa chọn cơ sở đóng tàu...

Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, việc triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP trong 3 năm qua đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng.

Về chính sách đầu tư, theo báo cáo của Bộ NN và PTNT, tuy chưa đáp ứng yêu cầu nhưng Ngân sách Nhà nước (NSNN) bước đầu đã duy trì ưu tiên bố trí vốn đầu tư các chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thuỷ sản gồm khu neo đậu tránh trú bão cho tàu; đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản; chương trình phát triển giống thủy sản.

Năm 2015, NSNN đã bố trí 1.501 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2014 (1.150 tỷ đồng). Trong đó, nguồn vốn đầu tư qua Bộ NN và PTNT quản lý là 160 tỷ đồng (năm 2014 là 90 tỷ đồng) tăng 78%; nguồn vốn chương trình hỗ trợ có mục tiêu thuộc lĩnh vực thủy sản gồm đầu tư các dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là 480 tỷ đồng (năm 2014: 383 tỷ đồng), tăng 25%; dự án đầu tư phát triển hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản bố trí 640,5 tỷ đồng (năm 2014 là 590 tỷ đồng), tăng 8%. Đầu tư cho chương trình giống thủy sản là 220,2 tỷ đồng (năm 2014 là 115,2 tỷ đồng), tăng 91%. 

Tuy NSNN đã ưu tiên bố trí để triển khai thực hiện các mục tiêu của Nghị định 67, nhưng nguồn lực lớn hơn để hỗ trợ ngư dân chính là vốn tín dụng, với sự tham gia rất tích cực của hệ thống ngân hàng.

Tính đến ngày 30-6-2017, các ngân hàng thương mại đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 993 tàu (593 tàu vỏ gỗ, 333 tàu vỏ thép và 67 tàu vỏ vật liệu mới), chiếm 92% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Tổng số tiền cam kết cho vay là 9.814 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 8.928 tỷ đồng, dư nợ đạt 8.762 tỷ đồng, tăng 14% so với 31-12-2016.

Với nguồn vốn này, tính đến 31-7-2017 đã có 761 tàu cá đóng mới đi vào hoạt động, trong đó có 301 tàu vỏ thép, 53 tàu composite, 407 tàu vỏ gỗ đóng mới và 105 tàu cá nâng cấp đi vào hoạt động sản xuất.

Theo báo cáo của các địa phương có 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đóng mới, nâng cấp cho 1.948/2.284 tàu, trong đó đóng mới 1.510, đạt 66,11 % (tàu vỏ thép và vật liệu mới là 768 tàu, chiếm 51%; tàu vỏ gỗ là 742 tàu, chiếm 49%). Số tàu cá phân theo nhóm nghề: tàu làm nghề câu 85 chiếc, nghề lưới rê 420 chiếc; nghề lưới vây 427 chiếc; nghề lưới chụp 341 chiếc và tàu dịch vụ hậu cần là 237 chiếc; số tàu nâng cấp 438 tàu.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại đã thực hiện giải ngân hồ sơ vay vốn lưu động cho 267 lượt khách hàng.

Một chính sách hỗ trợ rất quan trọng nữa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển là bảo hiểm cho thân tàu, ngư lưới cụ.

Năm 2015, tổng giá trị bảo hiểm là 25.169 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 10.602 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm là 102.784 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 261,9 tỷ đồng.

Con số này tiếp tục tăng lên trong năm 2016. Tổng giá trị bảo hiểm là 39.722 tỷ đồng; tổng số tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ là 12.579 tàu cá; tổng số lượng thuyền viên được hưởng bảo hiểm là 128.291 thuyền viên; tổng số phí bảo hiểm là 400 tỷ đồng.

Cùng với các chính sách hỗ trợ tín dụng, thực hiện Nghị định 67, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách khác như chính sách hỗ trợ đào tạo hướng dẫn thuyền viên; chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa...

Các địa phương đã xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và tổ chức đào tạo, hướng dẫn thuyền viên tàu cá vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới. Đến nay đã hướng dẫn kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới cho 2.347 thuyền viên với kinh phí là 9.409 triệu đồng.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí cao với đánh giá của đại diện các bộ, ngành, địa phương trong phần thảo luận và cho rằng, sau 3 năm thực hiện Nghị định 67, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân, đã thu được nhiều kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chính sách về đầu tư, tín dụng, bảo hiểm, hỗ trợ ngư dân...

Rõ nét nhất là những kết quả quan trọng trong việc đổi mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá; đóng mới 761 tàu trong đó có 301 tàu vỏ thép; việc đào tạo thuyền viên; bảo quản hải sản theo công nghệ mới; việc tổ chức sản xuất trên các vùng biển cũng được triển khai hiệu quả hơn…

Bước đầu đã đạt được mục tiêu của chính sách về hiện đại hóa tàu cá, thể hiện qua kết quả triển khai chính sách vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá.

Cùng với đó, đã tạo động lực khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn bằng vật liệu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; ngư dân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm tiên tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Việc triển khai thực hiện Nghị định 67 trong 3 năm qua cũng đã góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu ngành khai thác hải sản theo hướng bền vững và tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển theo hướng vùng biển xa bờ tổ chức sản xuất theo tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá; giảm áp lực khai thác trên vùng biển ven bờ góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, nâng cao đời sống của cộng đồng ngư dân ven biển.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng cho rằng bên cạnh nhiều kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định 67 còn bộc lộ các hạn chế, tồn tại cả trong nội dung của Nghị định, cả trong việc triển khai thực hiện.

Các chính sách về bảo hiểm còn vướng mắc, việc thực hiện bảo hiểm khi có sự cố còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, hệ thống giám sát tàu cá trên biển còn thiếu, chưa hiệu quả, chưa bảo đảm tốt an toàn cho tàu cá.

Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hạn chế lớn nhất trong quá trình triển khai Nghị định 67 chính là việc một số tàu vỏ thép tại Bình Định và một số tỉnh Nam Trung Bộ bị hư hỏng do chất lượng kém, vỏ thép bị rỉ sét nặng, máy tàu thường xuyên bị hư hỏng, trang thiết bị khai thác, hàng hải như máy dò, hầm bảo quản, bóng đèn bị hư hỏng hoặc không hoạt động... gây thiệt hại cho ngư dân và ảnh hưởng lớn đến chính sách của Đảng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng cho rằng, có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng này như công tác kiểm soát chất lượng tàu cá còn nhiều hạn chế, từ khâu tư vấn thiết kế đến tổ chức thực hiện; công tác giám sát thẩm định còn thiếu chặt chẽ trong tất cả các khâu; công tác đăng kiểm còn bị buông lỏng. Tuy nhiên, trách nhiệm chính phải thuộc về các doanh nghiệp đóng tàu.

Từ kinh nghiệm này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tăng tính chuyên nghiệp, trách nhiệm của các đơn vị đóng tàu.

Để tiếp tục thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ NN và PTNT và các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện đồng thời hai nhóm giải pháp. Một mặt tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị định 67 đã nêu ra. Cùng với đó, phải sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của Nghị định 67 để phù hợp hơn, áp dụng hiệu quả hơn trong thực tiễn.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải điều tra, xử lý nghiêm sai phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc đóng mới, cải tạo tàu cá; chấn chỉnh công tác đăng kiểm.

Yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước nhanh chóng tổng hợp, rà soát các cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá, đưa ra khỏi danh sách các cơ sở không đủ điều kiện hoặc thiếu trách nhiệm trong đóng mới, sửa chữa tàu cá cho ngư dân; rà soát thiết kế, vật liệu đóng tàu đã ban hành; tham khảo, tiếp thu kinh nghiệm của người dân.

Về vốn, Phó Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng thương mại vào cuộc một cách trách nhiệm, có giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn về vốn cho ngư dân.

Bộ NN và PTNT rà soát lại quy hoạch phát triển đội tàu cá, gắn với việc điều tra nguồn lợi thủy sản, bảo đảm nguồn lợi thủy sản bền vững, phù hợp với năng lực đánh bắt, đáp ứng yêu cầu tham gia bảo vệ biển đảo, chủ quyền quốc gia. Việc rà soát quy hoạch phát triển đội tàu cá cũng phải gắn với chiến lược và quy hoạch phát triển thủy sản theo hướng bền vững, tránh tình trạng đóng tàu ra thừa, không có ngư trường.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 theo tờ trình của Bộ NN và PTNT, tập trung ở mức cao nhất để hoàn thiện dự thảo, ban hành trong quý IV-2017.

Theo Phó Thủ tướng, về đầu tư hạ tầng nghề cá, phải có cơ chế huy động nguồn lực, xây dựng đồng bộ các hạ tầng thiết yếu của các cảng cá loại 1, khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng và đầu tư xây dựng các cảng cá động lực tại 5 khu vực là Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.

Về vốn tín dụng, cần áp dụng cơ chế cho vay phù hợp, bổ sung cơ chế xử lý rủi ro đối với vay vốn lưu động. Quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong giám sát đóng mới, giải ngân vốn vay, hướng dẫn chuyển đổi đối với những chủ tàu không còn khả năng tiếp tục thực hiện dự án.

Về chính sách thuế, cần sửa đổi, bổ sung các quy định về ưu đãi thuế phù hợp với Luật Thuế hiện hành.

Các tỉnh, thành phố ven biển cần tiếp tục triển khai đồng bộ các nhóm chính sách đã được ban hành theo Nghị định đạt hiệu quả tốt nhất, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, đặc biệt là cần tăng cường chỉ đạo các Sở NN và PTNT trong thực hiện chính sách vay vốn đóng tàu.

Các địa phương cũng phải rút kinh nghiệm sâu sắc từ sự cố tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 bị hư hỏng, thực hiện việc khắc phục nhanh chóng, kịp thời cho ngư dân. Hướng dẫn ngư dân duy tu, sửa chữa định kỳ đối với các tàu cá vỏ thép theo quy định; tổ chức sản xuất hiệu quả, tập trung tổ chức đào tạo, tập huấn vận hành, bảo quản đối với các tàu cá vỏ thép theo quy định; theo dõi, đôn đốc ngư dân vay vốn tín dụng của các ngân hàng thương mại kịp thời trả gốc và lãi khi đến hạn; kịp thời phát kiện, xử lý, báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; tập trung hỗ trợ đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên, vận hành tàu vỏ thép…

Tin, ảnh: PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com